Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh lao lây lan như thế nào?

Bệnh lao là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng chủ yếu đến phổi và hệ hô hấp, mặc dù nó có thể xâm nhập bất kỳ cơ quan nào. Cùng tìm hiểu về cơ chế lây lan bệnh lao trong bài viết dưới đây:

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng chủ yếu đến phổi và hệ hô hấp, mặc dù nó có thể xâm nhập bất kỳ cơ quan nào. Đây là một bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Có hai loại bệnh lao chính: bệnh lao tiềm ẩn và bệnh lao hoạt động

Bệnh lao tiềm ẩn có nghĩa là bạn đã bị nhiễm bệnh lao, nhưng không có triệu chứng. Nếu bạn bị lao tiềm ẩn, chụp X-quang phổi sẽ không cho thấy bệnh đang hoạt động. Tuy nhiên, bệnh lao hoạt động được đặc trưng bởi các triệu chứng bao gồm ho và sốt. Loại này dễ lây lan và nguy hiểm. Nó có thể lây lan từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể.

Bệnh lây lan như thế nào?

Bệnh lao lây lan qua không khí. Bệnh sẽ lây từ người này sang người khác khi hít phải giọt bắn của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Điều này có nghĩa là ở gần người bị bệnh lao khi họ ho, hắt hơi, hoặc thậm chí nói chuyện gần mặt bạn trong một thời gian dài sẽ khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm lao. Hôn, ôm hoặc bắt tay người bị lao không làm lây bệnh. Tương tự như vậy, việc dùng chung khăn trải giường, quần áo hoặc chỗ ngồi toilet với người bệnh cũng không phải là cách bệnh lây lan. Tuy nhiên, nếu ở gần trong một khoảng thời gian dài với người bị bệnh lao, bạn có thể mắc bệnh do hít thở không khí đã bão hòa với vi khuẩn. Những người sống và làm việc với một người mắc bệnh lao có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn nhiều so với những người nói chung có cuộc gặp gỡ thoáng qua với người mang bệnh lao.

Ai có nguy cơ mắc bệnh lao?

Tiếp xúc với vi khuẩn lao không phải lúc nào cũng đủ để phát triển bệnh lao. Cơ thể bạn có thể chống lại nó. Một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với người bệnh là nếu bạn bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh lao nếu bạn:

  • bị nhiễm HIV
  • bị ung thư
  • đang điều trị ung thư
  • đang dùng thuốc cho các tình trạng như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn

Bệnh lao cũng phổ biến hơn ở một số nơi trên thế giới, bao gồm cả Nga, Nam Mỹ và Châu Phi. Bạn có thể có nhiều nguy cơ hơn nếu bạn sống ở những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao hơn hoặc nếu bạn đi du lịch đến những khu vực này. Làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao của bạn, hút thuốc và lạm dụng ma túy cũng làm tăng nguy cơ nhiễm lao. Nếu bạn đã bị nhiễm vi khuẩn lao, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng trong vòng vài tuần hoặc có thể là vài năm trước khi bạn thấy các dấu hiệu nhiễm trùng.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh lao?

Giảm tiếp xúc với những người mắc bệnh lao hoạt động là một cách để giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Nếu bạn đang đi du lịch nước ngoài, nơi bệnh lao tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, hãy nhận thông tin cập nhật về các cảnh báo du lịch hoặc các yêu cầu tiêm chủng từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh địa phương. Khi đến những vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh lao cao, hãy cố gắng tránh những nơi đông người nếu có thể. Các cách khác để giảm tiếp xúc của bạn bao gồm:

  • Giữ cho căn phòng của bạn được thông thoáng. Vi khuẩn lao có xu hướng lây lan nhanh hơn trong những không gian chật hẹp, ít không khí bên ngoài hơn.
  • Ở nhà trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi bạn bắt đầu điều trị lao.

Nếu bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh lao, vaccine có thể giúp giảm nguy cơ của bạn.

Các triệu chứng của bệnh lao là gì?

Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng thường bao gồm ho kéo dài hơn một vài tuần. Các cơn ho có xu hướng tiết ra đờm và đôi khi có lẫn máu hoặc có màu hồng, gợi ý về tình trạng chảy máu và kích ứng. Đau ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu hoặc ho, cũng là một triệu chứng phổ biến. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • mệt mỏi
  • giảm cân không giải thích được
  • sốt
  • ớn lạnh
  • ăn mất ngon

Nếu bệnh lao đã lan sang một bộ phận khác của cơ thể, các triệu chứng của bạn có thể thay đổi. Ví dụ, nhiễm trùng lan đến lưng có thể gây đau lưng.

Những phương pháp điều trị có sẵn là gì?

Sau khi chẩn đoán bệnh lao được xác định, bạn nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Bạn có thể được kê một số loại thuốc khác nhau dựa trên loại bệnh lao được phát hiện. Sự kết hợp thuốc phổ biến nhất đối với bệnh lao đang hoạt động bao gồm kháng sinh isoniazid, rifampin, ethambutol và pyrazinamide. Quá trình sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi của bạn và mức độ tiến triển của bệnh. Nhưng liệu trình tiêu biểu cho kháng sinh lao là khoảng sáu đến chín tháng. Không có gì đảm bảo rằng bệnh lao tiềm ẩn sẽ không chuyển thành bệnh lao hoạt động, nhưng việc chủ động điều trị và tuân thủ toàn bộ đợt kháng sinh có thể giúp bạn khỏi bệnh.

Như vậy, lao là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua không khí. Giảm tiếp xúc với những người mắc bệnh có thể giúp giảm nguy cơ của bạn. Ngoài ra còn có một loại vắc xin có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù không phải ở mọi quốc gia, nhưng bệnh lao vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nếu bạn nghi ngờ mình đã nhiễm lao, hãy tìm kiếm trợ giúp y tế ngay lập tức.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mắc sốt xuất huyết - Nên ăn và tránh ăn gì?

Hồng Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm