Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Áp xe phổi ở người trưởng thành

Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính tại phổi, với tình trạng viêm nhu mô phổi gây hoại tử. Đây là bệnh lý với nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

Áp xe phổi là gì?

Áp xe phổi là khi khoang chứa đầy mủ trong phổi. Trong hầu hết các trường hợp, đây là kết quả của tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn trong mô phổi. Nhiễm trùng làm cho mô phổi chết đi, trong khi mủ của quá trình viêm đọng lại trong không gian và gây tạo thành khối áp xe.

Áp xe phổi có thể khó điều trị và cũng có những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Nếu tình trạng áp xe phổi kéo dài dưới 4 hoặc từ 4 đến 6 tuần, nó được coi là áp xe cấp tính. Áp xe phổi tồn tại lâu hơn được coi là mạn tính.

Các triệu chứng của áp xe phổi là gì?

Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh áp xe phổi là ho có đờm, với đờm khi ho ra có thể có kèm theo máu hoặc mủ, có mùi rất hôi. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Hơi thở hôi
  • Sốt từ 38,3°C trở lên
  • Đau tức ngực, khó thở
  • Đổ mồ hôi nhiều hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Sụt cân
  • Người mệt mỏi

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng áp xe phổi?

Áp xe phổi có thể được phân loại thành 2 nhóm là nguyên phát hoặc thứ phát. Chúng có những nguyên nhân khác nhau và phát triển từ những chủng vi khuẩn khác nhau.

Áp xe phổi nguyên phát

Áp xe nguyên phát là do tình trạng nhiễm trùng trong phổi. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, những người gặp phải tình trạng rối loạn sử dụng rượu có nhiều khả năng bị áp xe phổi nguyên phát. Theo nghiên cứu, những người bị rối loạn sử dụng rượu thường bị nôn mửa và mất kiểm soát/thay đổi ý thức. Các tình trạng này làm tăng khả năng hít phải các chất trong dạ dày và vi khuẩn vào phổi, và do đó có thể tăng khả năng nhiễm trùng.

Ngoài ra, những người lạm dụng rượu cũng thường bị suy giảm hệ thống miễn dịch do sức khỏe tổng thể kém và suy dinh dưỡng, điều này càng tạo cơ hội dễ dàng phát triển nhiễm trùng.

Tình trạng viêm phổi, bao gồm một tình trạng được gọi là viêm phổi hít (hoặc viêm phổi do hít phải), cũng có thể gây ra áp xe phổi nguyên phát. Viêm phổi do hít phải là một bệnh nhiễm trùng phát triển sau khi hít phải các thành phần hoặc các chất từ miệng, dạ dày hoặc xoang vào phổi thay vì đi vào thực quản. Đây cũng là một nguyên nhân rất phổ biến của áp xe phổi nguyên phát. Tình trạng này thường hay xảy ra nhất khi một người nào đó đang trong tình trạng bất tỉnh, do say hoặc gây mê, hay đơn giản là lúc sử dụng thuốc an thần.

Các thành phần hoặc chất hít vào từ dạ dày hay miệng thường gây hại cho mô phổi, và nó cũng thường chứa đầy vi khuẩn do các vi khuẩn đa phần được tìm thấy trong miệng, đường hô hấp hoặc trong dạ dày.

Áp xe phổi thứ phát

Áp xe thứ phát là tình trạng áp xe xảy ra do bất kỳ nguyên nhân gì khác ngoài tình trạng nhiễm trùng bắt đầu từ phổi. Những nguyên nhân phố biến bao gồm:

  • Tắc nghẽn các đường thở lớn trong phổi
  • Bệnh nào đó cùng xảy ra tại phổi
  • Nhiễm trùng từ các bộ phận khác của cơ thể lan đến phổi

Áp xe phổi thứ phát ít gặp hơn áp xe phổi nguyên phát.

Ai là người có nguy cơ bị áp xe phổi?

Theo các chuyên gia, những người bị rối loạn sử dụng rượu/hoặc gần đây bị ốm (đặc biệt là bị viêm phổi) có nguy cơ cao bị áp xe phổi. Một số nhóm đối tượng khác cũng có nguy cơ áp xe phổi cao là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do:

  • Cấy ghép nội tạng
  • Ung thư
  • HIV
  • Một bệnh lý tự miễn nào đó sẵn có

Nguy cơ áp xe phổi cũng cao hơn đối với những người vừa trải qua tình trạng gây mê hoặc dùng thuốc an thần, hay những người gặp phải tình trạng bất tỉnh do chấn thương hoặc bệnh tật.

Hít phải dị vật làm tắc nghẽn đường thở lớn cũng là một yếu tố nguy cơ có thể gây áp xe phổi.

Chẩn đoán áp xe phổi

Để chẩn đoán áp xe phổi, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét tiền sử sức khỏe. Nếu nghi ngờ bị áp xe phổi, phân tích đờm hoặc mủ sẽ là các bước cần thiết tiếp theo để xác định chính xác bệnh.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để xem vị trí nhiễm trùng trong phổi và loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như ung thư hoặc khí phế thũng. Đối với những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể lấy mẫu chất lỏng từ khu vực áp xe bằng nội soi phế quản.

Điều trị áp xe phổi như thế nào?

Sử dụng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho các tình trạng áp xe phổi. Các chuyên gia thường khuyến cáo rằng điều trị kéo dài từ 3 đến 8 tuần tuy nhiên, điều trị có thể cần kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn trong một số trường hợp đặc biệt.

Thay đổi lối sống, chẳng hạn như tránh hút thuốc và uống nhiều nước hơn cũng là một yêu cầu từ bác sĩ. Trong một số trường hợp, các thủ thuật hoặc phẫu thuật xâm lấn có thể là cần thiết để điều trị triệt để tình trạng này. Một ống có thể được đưa vào phổi để dẫn lưu mủ ra khỏi ổ áp xe, hoặc một thủ thuật phẫu thuật có thể được yêu cầu để loại bỏ mô phổi bị nhiễm trùng hoặc bị tổn thương.

Các biến chứng có thể xảy ra của áp xe phổi là gì?

Trong một số trường hợp hiếm hoi, áp xe phổi có thể bị vỡ. Đây là một điều rất nghiêm trọng và điều trị bằng phẫu thuật cũng có thể gây ra biến chứng này. Ngoài ra, các biến chứng tiềm ẩn sau khi điều trị áp xe bị vỡ hoặc phẫu thuật là:

  • Empyema. Trong tình trạng tụ mủ trong khoang màng phổi, một lượng lớn mủ nhiễm trùng tích tụ xung quanh phổi gần ổ áp xe. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế kịp thời để loại bỏ dịch mủ.
  • Rò phế quản - màng phổi. Rò phế quản – màng phổi là một biến chứng bất thường cần được giải quyết bằng phẫu thuật hoặc nội soi phế quản. 
  • Chảy máu từ phổi hoặc thành ngực. Lượng máu có thể ít hoặc nhiều, và đều gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nếu nhiễm trùng lan sang các bộ phận khác, nó có thể tạo ra áp xe ở các bộ phận bao gồm cả não bộ.

Tiên lượng của áp xe phổi

Áp xe phổi nguyên phát được điều trị bằng thuốc kháng sinh sẽ lành lại mà không có biến chứng với tỉ lệ khoảng 90%. Với áp xe phổi thứ phát, tình trạng này có thể có khả năng tử vong cao hơn. Do vậy, việc điều trị càng sớm càng tốt là rất cần thiết để sớm đạt hiệu quả và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tham khảo thêm thông tin tại: Áp xe trong ổ bụng: nguyên nhân gây đau bụng?

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm