Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Áp xe răng ở người trưởng thành

Áp xe (abscess) răng là một túi mủ do nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Áp xe có thể xảy ra ở các vùng khác nhau của răng vì những lý do khác nhau, và tình trạng này có thể gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe răng miệng nói riêng và thậm chí là sức khỏe tổng thể. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng áp xe răng ở người trưởng thành trong bài viết dưới đây.

Áp xe răng là gì?

Áp xe là tình trạng mưng mủ do nhiễm trùng, do vi khuẩn gây ra và có thể ở các vùng khác nhau của răng. Các vị trí thông thường xảy ra có thể bao gồm:

  • Áp xe quanh răng xảy ra ở đầu chân răng (còn gọi là áp xe chóp răng) bắt nguồn từ tủy
  • Áp xe nha chu xảy ra ở lợi ở cạnh chân răng (túi nướu ngoài răng) do bệnh vùng lợi, quanh răng
  • Áp xe nướu

Áp xe quanh răng thường xảy ra do sâu răng không được điều trị, chấn thương hoặc các thủ thuật làm răng trước đó. Nha sĩ sẽ điều trị áp xe răng bằng cách dẫn lưu mủ và loại bỏ tình trạng nhiễm trùng. Răng có thể được giữ lại bằng cách điều trị tủy răng, nhưng trong một số trường hợp, răng có thể phải nhổ bỏ. Nếu để áp xe răng không được điều trị kịp thời,có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của áp xe răng bao gồm:

  • Đau răng dữ dội, dai dẳng, đau nhói có thể lan đến xương hàm, cổ hoặc tai
  • Nhạy cảm với đồ ăn có nhiệt độ nóng và lạnh
  • Nhạy cảm với áp lực của việc nhai hoặc cắn
  • Sốt
  • Sưng mặt hoặc má
  • Đau, sưng hạch bạch huyết dưới hàm hoặc ở cổ
  • Đột ngột chảy ra dịch có mùi hôi và có vị tanh, mặn trong miệng và đau có thể giảm đi nếu áp xe bị vỡ
  • Khó thở hoặc khó nuốt

Nhìn chung, cần đi khám nha sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của áp xe răng. Nếu bị sốt và sưng vùng mặt mà không thể đến gặp nha sĩ, hãy đến các cơ sở y tế gần nhất. Các triệu chứng khó thở hay khó nuốt cũng cần được lưu ý đặc biệt. Những triệu chứng này có thể cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã lan sâu hơn vào xương hàm và các mô xung quanh hoặc thậm chí đến các vùng khác trên cơ thể.

Nguyên nhân của áp xe răng

Áp xe quanh răng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng - phần trong cùng của răng có chứa các mạch máu, dây thần kinh và mô liên kết. Vi khuẩn xâm nhập qua các lỗ sâu răng hoặc vết nứt trên răng và lây lan xuống tận chân răng. Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây sưng và viêm ở đầu chân răng.

Các yếu tố nguy cơ của áp xe răng

Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ bị áp xe răng:

  • Vệ sinh răng miệng kém. Không chăm sóc răng và nướu đúng cách - chẳng hạn như không đánh răng hai lần một ngày và không dùng chỉ nha khoa - có thể làm tăng nguy cơ bị sâu răng, bệnh nướu răng, áp xe răng và các biến chứng răng miệng khác.
  • Chế độ ăn nhiều đường. Thường xuyên ăn và uống thực phẩm giàu đường, chẳng hạn như đồ ngọt và nước ngọt, có thể góp phần gây sâu răng và biến thành áp xe răng.
  • Khô miệng. Bị khô miệng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. Khô miệng thường do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc các vấn đề lão hóa.

Các biến chứng gặp phải của áp xe răng

Áp xe răng sẽ không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Nếu các túi áp xe bị vỡ, cơn đau có thể giảm đáng kể - tuy nhiên vẫn cần phải được điều trị nha khoa. Nếu ổ áp xe không tự tiêu, nhiễm trùng có thể lan đến hàm và các vùng khác trên đầu và cổ. Thậm chí, nhiễm trùng có thể lan vào máu và gây nhiễm trùng huyết - một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và đe dọa tính mạng.

Khi gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch hệ thống kèm theo áp xe răng không được điều trị, nguy cơ nhiễm trùng lan rộng sẽ tăng lên nhiều lần.

Phòng ngừa tình trạng áp xe răng như thế nào?

Tránh sâu răng là điều cần thiết và quan trọng nhất để ngăn ngừa áp xe răng. Chăm sóc răng miệng tốt để tránh sâu răng bằng các điểm mấu chốt bao gồm:

  • Sử dụng nước uống có chứa fluoride.
  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa florua.
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc dụng cụ làm sạch kẽ răng để làm sạch kẽ răng hàng ngày.
  • Thay bàn chải đánh răng ba hoặc bốn tháng một lần, hoặc bất cứ khi nào lông bàn chải bị sờn.
  • Ăn thức ăn lành mạnh, hạn chế đồ có đường và đồ ăn nhẹ, đồ ăn nhanh.
  • Khám nha khoa định kỳ để kiểm tra thường xuyên và làm sạch răng, khắc phục các vấn đề răng miệng một cách chuyên nghiệp.
  • Cân nhắc sử dụng chất khử trùng hoặc nước súc miệng có chứa florua để thêm một lớp bảo vệ chống sâu răng.

Tổng kết

Áp xe răng có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng và thậm chí là sức khỏe tổng thể. Đây có thể được coi là một tình trạng khẩn cấp và cần được xử trí kịp thời. Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu thấy các dấu hiệu bất thường tại răng miệng để được hỗ trợ.

Tham khảo thêm thông tin tại: Đau răng bất thường? 10 lý do thường gặp nhất

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm