Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ăn uống thế nào cho mau khỏi COVID khi điều trị tại nhà?

Khi đang là F0 phải điều trị tại nhà, nhiều người lo lắng về việc bổ sung dinh dưỡng sao cho hợp lý. PGS.TS.BS. Nguyễn Xuân Ninh - Phụ trách phòng khám dinh dưỡng Viam sẽ có những giải đáp cụ thể.

PGS. TS. BS Nguyễn Xuân Ninh.

Việc cho các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà là giải pháp đúng đắn khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Kể cả khi mắc COVID-19 điều trị ở nhà, bệnh nhân cứ bình tĩnh, an tâm, không hoảng hốt lo sợ là đã chiến thắng được 80% rồi. Các ca nặng và tử vong xảy ra với xác suất rất nhỏ, hầu hết là đối tượng cao tuổi và có bệnh nền.

Theo thống kê, 60-80% số ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, hoặc nhẹ. Trong số người có triệu chứng chỉ khoảng 10-15% có biểu hiện nặng như sốt cao, khó thở, đau tức ngực, hạ oxy máu... mới cần nhập viện và có khoảng 2-2,5% số này tử vong. Như vậy, bạn đã yên tâm nhiều rồi và cần chú ý theo dõi tiến triển bệnh hàng ngày theo hướng dẫn của Bộ Y Tế.

Các thuốc đã được hướng dẫn sử dụng có tác dụng hỗ trợ, giảm đau, chống viêm... Còn chiến đấu, tiêu diệt virus là do hệ thống miễn dịch của chúng ta đảm nhiệm. Từ kinh nghiệm các ca F0 khỏi bệnh tại nhà, thường bệnh tiến triển trong vòng 3 tuần thì kết thúc.

Khi bị nhiễm virus, sức khỏe dần suy giảm. Để hệ miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh thì cần phải được nuôi dưỡng với đầy đủ các chất dinh dưỡng thông qua bữa ăn và một số thuốc hỗ trợ.

Với F0 có triệu chứng nhẹ

Với F0 có triệu chứng nhẹ thường sẽ xuất hiện tình trạng đau họng, đau mình mẩy, mất cảm giác ngon, mùi vị và sốt …  Đây là những trở ngại lớn làm bạn không muốn ăn.

Trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ thường không muốn ăn, vì thế nên ăn những thức ăn lỏng như cháo, súp...

Bạn cần nhớ không được bỏ bữa, phải cố ăn với những bữa nhỏ (4-5 bữa/ngày), các món nhiều nước, dễ tiêu và hợp khẩu vị. Ví dụ như cháo thịt, cháo trứng, cháo cá; bún, phở, súp... sữa nước, sữa chua, hoa quả tươi ngọt hoặc ép lấy nước... Những món này cung cấp năng lượng, protein, đường, vitamin và khoáng tốt cho sức khỏe.

Những người có đường máu cao, bệnh tăng huyết áp thì chú ý giảm lượng ngọt, độ mặn cho phù hợp. Uống đủ nước (tối thiểu 2 lít/ngày), nên uống nước ấm, uống nhiều lần, ít một trong ngày, ngay cả khi chưa khát. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả; dùng nước Oresol bù nước và điện giải cũng rất tốt.

Bổ sung viên vitamin, khoáng chất có những loại sau: 1-2 viên đa vitamin và khoáng chất; 1-2 viên vitamin C;  2 viên  omega 3-6.  Lưu ý không nên uống quá nhiều loại hoặc liều cao vì cơ quan tiêu hóa (gan, ruột) cũng đang bị tổn thương; nên uống sau khi ăn để tránh gây kích ứng đường tiêu hóa. Về vấn đề này có thể hỏi bác sĩ để rõ thêm thông tin.

Với những F0 không triệu chứng cần ăn đủ 4 nhóm chất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

Đối với F0 không có triệu chứng

Trong quá trình theo dõi, điều trị tại nhà cần ăn như bình thường, với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, ưu tiên thêm một số thực phẩm chất lượng. Ngày 3 bữa chính, 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, rau quả tươi.

Tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, hạt các loại). Ăn tăng trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.

Uống đủ nước (tối thiểu 2 lít/ngày), uống nhiều lần và ít một trong ngày, ngay cả khi chưa khát. Tránh các đồ uống có cồn như rượu bia. Uống thêm vitamin C, viên đa vi chất, chất khoáng.

Không nên thực hiện chế độ ăn kiêng giảm cân trong giai đoạn này; cố gắng tập thể dục nhẹ nhàng 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút. Nghe nhạc, xem phim, gọi điện trao đổi với bạn bè, người thân.

Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, cần tuân thủ vấn đề vệ sinh, theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, nồng độ oxy máu ngày 2-3 lần, nếu có bất thường thì gọi ngay cho y tế xem cần vào viện không.

Súc họng, rửa mũi nhiều lần trong ngày bằng nước muối, nước sát trùng, nước gừng, xông mũi bằng dầu gió, xả ...cũng có thể áp dụng giúp thông mũi và kìm hãm virus phát triển.

Tham khảo thông tin tại bài viết: Chế độ bảo vệ tự nhiên chống lại COVID khi đang mang thai.

Theo alo bác sĩ
Bình luận
Tin mới
Xem thêm