Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

7 cách giúp xương chắc khỏe trong quá trình điều trị ung thư vú

Mặc dù việc mất xương trong quá trình điều trị ung thư vú là không thể tránh khỏi nhưng bạn có thể thực hiện các bước để làm chậm quá trình này.

Nếu bạn đang điều trị bệnh ung thư vú, việc chăm sóc xương chắc khỏe lại càng cần thiết hơn bởi theo các chuyên gia, một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị mất xương, loãng xương và gãy xương. Có thể lấy ví dụ:

  • Một số loại thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương do gây mãn kinh sớm.
  • Thuốc ức chế Aromatase, một loại liệu pháp nội tiết tố ngăn ngừa sự hình thành estrogen, có thể dẫn đến mất xương.
  • Sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật cắt buồng trứng cũng có thể làm giảm mật độ xương đột ngột.

Mặc dù việc mất xương trong quá trình điều trị ung thư vú là không thể tránh khỏi nhưng bạn có thể thực hiện các bước để làm chậm quá trình này. Dưới đây là bảy cách để giữ cho xương của bạn chắc khỏe trong quá trình điều trị ung thư vú.

1. Dùng thuốc theo toa bác sĩ khuyên dùng

Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc nhắm mục tiêu giúp tăng cường sức mạnh của xương trong quá trình điều trị ung thư vú. Theo nghiên cứu từ năm 2015, bisphosphonates là một nhóm thuốc có thể giúp giảm tình trạng mất xương và nguy cơ gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh mắc bệnh dương tính với thụ thể estrogen được dùng thuốc ức chế aromatase.

Các thuốc thuộc nhóm Bisphosphonates bao gồm:

  • risedronate
  • axit zoledronic
  • alendronate
  • ibandronat

Raloxifene (sản phẩm trên thị trường là Evista) là một loại thuốc khác mà bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn bổ sung. Raloxifene là một bộ điều biến thụ thể estrogen chọn lọc được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa loãng xương ở những người sau mãn kinh. Và thuốc denosumab có thể làm giảm nguy cơ biến chứng xương do ung thư vú giai đoạn tiến triển.

2. Bài tập chịu lực và bài tập kháng lực

Bài tập chịu trọng lượng là bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi bạn phải đứng trên đôi chân của mình, với xương hỗ trợ trọng lượng của bạn. Loại bài tập này buộc bạn phải hoạt động chống lại trọng lực, giúp xương chắc khỏe hơn. Ví dụ về các bài tập chịu lực bao gồm:

  • đi bộ
  • chạy bộ
  • khiêu vũ
  • đi bộ đường dài
  • leo cầu thang
  • các môn thể thao dùng vợt

Bên cạnh đó thì các bài tập tăng sức đề kháng, chẳng hạn như nâng tạ cũng rất tốt trong việc hỗ trợ sức khỏe xương, giúp xương chắc khỏe. Một đánh giá có hệ thống năm 2017 đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng tập thể dục có thể góp phần bảo vệ sức khỏe xương cho phụ nữ tiền mãn kinh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Một nghiên cứu bổ sung được công bố vào năm 2021 cho thấy duy trì tập thể dục kéo dài 12 tháng dành đã giúp cho phụ nữ tiền mãn kinh bị ung thư vú giai đoạn đầu ngăn ngừa mất xương trong 3 năm.

Để có sức khỏe xương tối đa, hãy kết hợp giữa thể dục nhịp điệu và các bài tập tăng sức bền ít nhất 3 đến 4 ngày mỗi tuần trong 30 đến 60 phút. Điều này cũng sẽ giúp bạn đáp ứng các hướng dẫn tập thể dục tối thiểu được khuyến nghị là 150 đến 300 phút tập luyện cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh mỗi tuần.

3. Nạp đủ vitamin D và canxi

Lượng vitamin D và canxi rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư vú. Bạn có thể nhận vitamin D từ thực phẩm bổ sung và chế độ ăn uống, cũng như qua da dưới ánh nắng mặt trời. Nhìn chung, các chuyên gia khuyến nghị nên tiêu thụ 600 IU vitamin D mỗi ngày đối với những người dưới 70 tuổi và 800 IU mỗi ngày sau 70 tuổi. Ngoài ra, bất cứ ai từ 19 đến 30 tuổi nên bổ sung 1.000 mg canxi mỗi ngày. Và phụ nữ từ 51 đến 70 tuổi nên bổ sung tối thiểu 1.200 mg canxi mỗi ngày.

Ngoài thực phẩm bổ sung và ánh nắng mặt trời, bạn có thể bổ sung nguồn vitamin D trong chế độ ăn uống thông qua các thực phẩm như:

  • cá mòi
  • dầu gan cá
  • cá hồi
  • lòng đỏ trứng
  • gan bò
  • sản phẩm sữa tăng cường vitamin D

Và ngoài các chất bổ sung, các nguồn thực phẩm bổ sung canxi tốt bao gồm:

  • sữa và các chế phẩm từ sữa
  • các loại rau lá xanh
  • đậu nành
  • các loại hạt

4. Ăn chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng

Ăn một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng với đầy đủ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thể giúp hỗ trợ sức khỏe của xương trong quá trình điều trị ung thư vú. Theo khuyến cáo, chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng bao gồm:

  • rau các loại
  • trái cây
  • ngũ cốc (tập trung vào ngũ cốc nguyên hạt)
  • sữa (ưu tiên sữa tách béo hoặc ít béo, sữa chua và phô mai)
  • protein nạc (gia cầm, hải sản, thịt nạc, trứng, đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng)
  • Axit béo omega-3
  • thực phẩm giàu vitamin D
  • thực phẩm giàu canxi

5. Trao đổi với bác sĩ về việc cai thuốc lá nếu cần

Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về chương trình cai thuốc lá. Bỏ hút thuốc là rất quan trọng, đặc biệt là khi đang điều trị ung thư vú. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa việc sử dụng thuốc lá có ảnh hưởng đến việc giảm mật độ xương. Hút thuốc lá được coi là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương và gãy xương. Theo Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, hút thuốc cũng khiến vết gãy chậm lành hơn do tác hại của nicotin đối với các tế bào tạo xương.

6. Giảm lượng rượu uống vào

Tiêu thụ quá nhiều rượu có thể có tác động bất lợi đến xương và sức khỏe của bạn. Nghiên cứu năm 2019 cho thấy rượu có thể ảnh hưởng đến độ dày và độ chắc khỏe của xương. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống 1 đến 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao gấp 1,34 lần so với những người không uống rượu. Vì vậy, nếu bạn tiêu thụ nhiều hơn một đồ uống có cồn mỗi ngày, hãy cân nhắc giảm số ngày uống hoặc cắt giảm lượng tiêu thụ hàng ngày. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ về các cách cắt giảm, đặc biệt vì nó liên quan đến kế hoạch điều trị của bạn.

7. Kiểm tra đánh giá mật độ xương định kì

Đánh giá chính xác sức khỏe xương của bạn trước khi bắt đầu điều trị ung thư vú là điều cần thiết. Bằng cách đó, bác sĩ sẽ có cách để đo lường bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Bạn nên kiểm tra mật độ xương trước khi điều trị và sau đó cứ 1 đến 2 năm một lần trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm