Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào để giúp trẻ hết nói lắp?

Nói lắp ở trẻ là một dạng rối loạn ngôn ngữ thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi. Hầu hết trẻ sẽ tự ngừng nói lắp mà không cần sự can thiệp chuyên sâu gì. Nhưng đối với một số trẻ, nói lắp có thể trở thành tật suốt đời gây ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống khi đã lớn.

Nói lắp là một vấn đề về phát âm khiến trẻ khó có thể nói trôi chảy.

Tại sao trẻ bắt đầu nói lắp?

Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra được đầy đủ và rõ ràng về các nguyên nhân gây nói lắp ở trẻ. Tuy nhiên, các nguyên nhân có thể gây ra chứng nói lắp bao gồm:

Sự phát triển của trẻ

Giai đoạn 2 – 6 tuổi là thời điểm trẻ phát triển về cách biểu đạt ngôn ngữ, do vậy đa số trẻ trong độ tuổi này sẽ có nói lắp. Đó được coi là tình trạng nói lắp bình thường và tình trạng này sẽ hết trong vòng 6 tháng. Nếu quá thời gian này, có thể nói lắp là một bệnh lý cần lưu tâm.

Nói lắp trong quá trình phát triển có thể do trẻ còn hạn chế về mặt từ ngữ và khả năng liên kết các từ trong câu, trẻ có thể hết nói lắp khi vốn từ của trẻ trở nên phong phú hơn.

Yếu tố di truyền

Các nguyên cứu chỉ ra rằng có đến 60% các trường hợp nói lắp thì các thành viên trong gia đình cũng có tật nói lắp khi còn nhỏ như bố, mẹ, các anh chị em ruột...

Áp lực từ gia đình, áp lực đồng trang lứa

Nói lắp ở một số trẻ em một phần là do những áp lực từ gia đình cũng như nhịp sống vội vã ngày nay.

Bị bắt nạt

Khi trẻ quá sợ hãi, căng thẳng hoặc bị trêu đùa có thể làm gia tăng tình trạng nói lắp.

Ngoài ra, có thể có những nguyên nhân liên quan đến thần kinh xảy ra sau một sự cố đáng tiếc như đột quỵ, chấn thương đầu hoặc chấn thương sọ não. Ở đây, não không thể phối hợp với các vùng cần thiết để trẻ nói và do đó, trẻ có thể bắt đầu nói lắp.

Trẻ nói lắp ở độ tuổi nào?

Không có độ tuổi cụ thể nào cho việc nói lắp xảy ra, nó có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng khá phổ biến ở trẻ trong độ tuổi tập nói khoảng từ 2 – 6 tuổi. Các nghiên cứu cũng cho biết số lượng bé trai nói lắp cao gấp 3 lần so với bé gái.

Nói lắp có tự hết được không?

Trong nghiên cứu của mình, Viện Quốc gia về Điếc và Rối loạn Giao tiếp khác của Mỹ tuyên bố rằng 75% trẻ em bắt đầu nói lắp ở độ tuổi trẻ hơn có thể khắc phục điều này khi chúng lớn lên. Tuy nhiên, 25% còn lại phải đối mặt với tình trạng nói lắp suốt đời.

Có khả năng chứng nói lắp sẽ tự biến mất tạm thời. Nếu một tình huống kích hoạt hoặc áp lực phát sinh, nó có khả năng tái diễn rất cao. Nếu tình trạng nói lắp diễn ra trong thời gian trẻ đang phát triển ngôn ngữ, thì nó sẽ biến mất ở phần lớn các cá nhân nếu không có cha mẹ hoặc người khác khiến đứa trẻ bị áp lực.

Cách xử lý tật nói lắp ở trẻ

Mặc dù tật nói lắp ở trẻ là điều tự nhiên nhưng vẫn có nhiều cách giúp trẻ vượt qua điều này. Cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ bằng cách:

- Nói chậm: Nói chậm là một trong những bước cơ bản để hình thành khả năng nói trôi chảy. Nói chậm rãi giúp cơ thể có thời gian hòa nhịp với tâm trí.

- Nhấn từng từ: Nói một từ cho mỗi lần nhấn ngón tay hoặc nhấn tay sẽ giúp duy trì nhịp độ trong khi nói.

- Tập thư giãn: Thư giãn bằng cách hít thở sâu sẽ giúp giảm bớt áp lực và giúp trẻ bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phát hiện và khắc phục rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Việt An - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm