Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

6 mẹo giúp phục hồi nhanh sau khi sinh mổ

Sau sinh mổ, bạn thường lo lắng về những thay đổi của cơ thể cũng như cách để hồi phục cơ thể nhanh hơn, dưới đây là 6 mẹo giúp bạn chữa lành nhanh hơn sau sinh. Cùng tìm hiểu nhé.

Dưới đây là sáu gợi ý giúp bạn tăng tốc độ hồi phục cơ thể và từ đó bạn sẽ có ít thời gian đau đớn và mệt mỏi hơn, bên cạnh đó bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để gắn bó với em bé mới chào đời.

1. Nghỉ ngơi nhiều

Sinh mổ (mổ lấy thai) là một cuộc phẫu thuật lớn. Cũng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, việc mổ lấy thai khiến cho cơ thể bạn cần nhiều thời gian để phục hồi sau đó.

Thời gian nằm viện sau cuộc phẫu thuật sẽ là từ 2 đến 4 ngày. Nếu có biến chứng, thời gian nằm viện của bạn sẽ lâu hơn. Hãy kiên nhẫn và cho cơ thể của bạn từ 6 đến 8 tuần để có thể hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên thì điều này lại nói dễ hơn là làm, thật khó để nghỉ ngơi hàng giờ trên giường khi mà bạn có một đứa trẻ luôn đòi hỏi sự chú ý.

Có thể bạn đã nghe lời khuyên này từ những người bạn và người thân đã từng có con rằng: “Hãy ngủ bất cứ khi nào con bạn ngủ”. Họ nói đúng. Bạn hãy cố gắng ngủ bất cứ khi nào trẻ ngủ nhé.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhờ bạn bè và người thân giúp thay tã và làm việc nhà để bạn có thể nằm xuống nghỉ ngơi khi có thể. Ngay cả một vài phút nghỉ ngơi ở bất cứ chỗ nào trong nhà và trong suốt cả ngày cũng có thể giúp ích cho bạn.

2. Cẩn thận với cơ thể bạn

Cẩn thận hơn trong việc đi lại trong khi bạn đang cần phục hồi vết mổ. Hãy làm theo các mẹo sau:

Tránh đi lên và xuống cầu thang nhiều nhất có thể. Giữ mọi thứ bạn cần như thức ăn và đồ dùng để thay tã ở gần bạn nhất để bạn không phải đứng dậy quá thường xuyên.

Không nâng bất cứ vật gì nặng. Nếu thật sự cần thiết, hãy nhờ người thân, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình giúp đỡ nhé.

Bất cứ khi nào bạn buộc phải hắt hơi hoặc ho, hãy hóp bụng vào để bảo vệ vết mổ.

Có thể mất đến 8 tuần để bạn trở lại với thói quen sinh hoạt bình thường của mình. Hỏi ý kiến ​​bác sĩ để biết khi nào bạn có thể tập thể dục hay quay lại làm việc và lái xe. Việc quan hệ tình dục hoặc sử dụng băng vệ sinh cũng nên đợi cho đến khi bác sĩ đồng ý rằng đó là thời điểm thích hợp.

Bạn nên tránh tập thể dục gắng sức, nhưng hãy đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên. Việc vận động sẽ giúp cơ thể bạn mau lành hơn và cũng giúp ngăn ngừa táo bón hoặc hình thành máu đông. Ngoài ra, đi bộ cũng là một cách tuyệt vời để cho trẻ làm quen với thế giới.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần sau sinh

Hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần của bạn cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của bạn. Việc sinh con có thể mang lại những cảm xúc mà bạn không bao giờ ngờ tới.

Nếu bạn cảm thấy buồn, thất vọng, lo lắng hoặc kiệt sức, đừng bỏ qua nó. Hãy nói về cảm xúc của bạn với một người bạn thân, người bạn đời của bạn, bác sĩ của bạn hay tìm đến một người cố vấn tâm lý để giải tỏa cảm xúc nhé.

3. Giảm đau cho bạn

Hỏi bác sĩ về những loại thuốc giảm đau mà bạn có thể dùng, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.

Tùy thuộc vào mức độ đau đớn của bạn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau hoặc khuyên bạn dùng thuốc không kê đơn chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol).

Ngoài thuốc giảm đau, bạn cũng có thể sử dụng miếng chườm nóng để giảm cảm giác khó chịu tại vết mổ nếu có thể nhé.

4. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng tốt

Chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai là vô cùng quan trọng. Điều này cũng quan trọng không kém trong những tháng sau khi bạn sinh nở.

Nếu bạn đang cho trẻ bú sữa mẹ thì bạn vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ. Một chế độ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và cũng giúp bạn cứng cáp hơn.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng ăn trái cây và rau trong khi cho trẻ bú sẽ truyền lại hương vị trong sữa mẹ, giúp trẻ tăng hứng thú và ăn nhiều những thực phẩm đó khi chúng lớn lên.

Ngoài ra, hãy uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước. Bạn cần bổ sung thêm chất lỏng để tăng cường nguồn sữa và tránh táo bón.

5. Kiểm soát các thay đổi sau sinh

Cơ thể bạn sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi về thể chất ngay cả khi bạn đã sinh xong. Những thay đổi bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Đau do co tử cung, một loại đau quặn bụng xảy ra khi tử cung của bạn trở lại kích thước trước khi mang thai
  • Căng sữa hoặc sưng vú
  • Sản dịch sau sinh, một loại dịch tiết âm đạo chủ yếu là máu
  • Khô âm đạo
  • Phân tách cơ thẳng bụng
  • Rụng tóc
  • Thay đổi về làn da, như da trở nên chảy xệ hơn hoặc xuất hiện mụn trứng cá
  • Ra mồ hôi trộm ban đêm
  • Đau đầu

Một số triệu chứng trong số này như đau do co cơ tử cung và sản dịch cuối cùng sẽ tự biến mất. Bên cạnh đó, vẫn có các phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà có sẵn cho một số triệu chứng khác.

Hãy thử những cách sau:

  • Sử dụng chất bôi trơn hoặc kem bôi âm đạo làm từ estrogen để chữa khô âm đạo
  • Tập một số bài tập dành cho phân tách cơ ngang bụng
  • Dùng chất bổ sung và điều trị tại chỗ cho chứng rụng tóc.
  • Với điều trị tại chỗ, bạn có thể uống isotretinoin (Absorbica, Amnesteen, Claravis) hoặc uống thuốc tránh thai cho vấn đề mụn trứng cá
  • Thay đồ ngủ mỏng nhẹ để giảm đổ mồ hôi ban đêm
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn cho chứng đau đầu

Có nhiều giải pháp khác nhau để giúp bạn kiểm soát tình trạng căng sữa, như:

  • Dùng một miếng gạc lạnh hoặc một túi đá lạnh để chườm
  • Cho con bú để giảm bớt lượng sữa
  • Xoa bóp vú trong thời gian cho con bú
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

6. Đi khám sau sinh

12 tuần sau khi trẻ được sinh ra đôi khi được gọi là ba tháng thứ 4. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi khám bác sĩ nhiều lần trong giai đoạn này.

Việc kiểm tra sức khỏe đầu tiên không nên muộn hơn 3 tuần sau khi sinh và lần khám tổng thể cuối cùng sẽ diễn ra không muộn hơn 12 tuần sau khi sinh.

Trong những lần kiểm tra này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các vấn đề sau:

  • Phục hồi thể chất của bạn
  • Sức khỏe tinh thần của bạn
  • Mức năng lượng hiện tại của bạn và cách bạn đang ngủ
  • Tình trạng của trẻ như thế nào và lịch ăn của trẻ
  • Kiểm soát việc sinh sản và liệu bạn có đang cân nhắc sinh thêm con hay không
  • Kiểm soát các bệnh mãn tính
  • Cách bạn kiểm soát mọi biến chứng liên quan đến thai nghén, chẳng hạn như tình trạng tăng huyết áp.

Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi đau ở vết mổ, bạn cũng có thể bị chảy máu hoặc tiết dịch trong tối đa 6 tuần sau khi sinh mổ. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng sau đây sẽ yêu cầu bạn phải tới gặp bác sĩ vì chúng có thể báo hiệu nhiễm trùng:

  • Vết mổ đỏ, sưng hoặc chảy mủ
  • Đau xung quanh vết mổ
  • Sốt hơn 38 độ C
  • Tiết dịch có mùi hôi từ âm đạo
  • Chảy máu âm đạo nhiều
  • Đỏ hoặc sưng ở chân của bạn
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Đau ở vú của bạn

Bạn cũng nên tới gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy buồn và tâm trạng của bạn dường như không bao giờ được cải thiện, đặc biệt là khi bạn có ý nghĩ làm tổn thương em bé hoặc bản thân.

Cuối cùng, nếu bạn có một người bạn hoặc người thân đã trải qua quá trình sinh mổ, hãy cố gắng không so sánh bạn với họ. Trải nghiệm của mỗi người với việc sinh mổ này là khác nhau.

Hãy chỉ tập trung vào việc chữa bệnh của chính bạn ngay bây giờ và cho cơ thể bạn thời gian cần thiết để trở lại trạng thái bình thường nhé, đừng nóng vội.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mang thai ảnh hưởng đến tóc như thế nào?

BS. Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
  • 29/04/2024

    Đau họng:Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

    Viêm họng, hay đau họng, là tình trạng viêm ở phía sau cuống họng (còn gọi là họng). Viêm họng có thể gây đau khi nuốt và đau nhức, khó chịu, đau hoặc ngứa ngáy ở cổ họng.

  • 29/04/2024

    Xuất huyết não nguy hiểm ra sao?

    Trong 2 dạng đột quỵ não, xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn. Người sống sót qua cơn đột quỵ xuất huyết não cần làm gì để phòng bệnh tái phát?

  • 29/04/2024

    Nhiễm nấm Candida: Triệu chứng và điều trị

    Nấm Candida là một loại nấm men có thể sống trên cơ thể con người. Nó thường bao gồm cả nấm men và nấm mốc.

  • 28/04/2024

    Gợi ý chế độ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trước mùa thi

    Không chỉ chế độ dinh dưỡng đảm bảo mà việc nghỉ ngơi của các thí sinh cũng rất quan trọng để đảm bảo tinh thần được tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

  • 28/04/2024

    Chế độ ăn giúp trẻ bị rôm sảy mau khỏi

    Trẻ bị rôm sảy cần được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bên cạnh các biện pháp vệ sinh da thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa biến chứng và giúp bệnh nhanh khỏi.

  • 28/04/2024

    Cách đối phó với làn da bong tróc do vẩy nến

    Bệnh vẩy nến là một bệnh về da gây phát ban ngứa, có vảy. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là da bị bong tróc. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 28/04/2024

    Sĩ tử mùa thi nên ăn gì, ngủ bao nhiêu là đủ?

    Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, cùng với việc tập trung ôn luyện, các sĩ tử cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ ngủ, nghỉ hợp lý, đủ giờ.

  • 28/04/2024

    Động kinh ở trẻ em

    Bài viết dưới đây sẽ nói về chủ đề động kinh ở trẻ em - những thông tin hữu ích mà bạn không nên bỏ qua.

Xem thêm