Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

10 điều bác sĩ khuyên để sống chung với SARS-CoV-2

Virus SARS-CoV-2 tiến hóa, đột biến và sẽ tồn tại lâu dài với loài người. Muốn sống chung với virus an toàn, đồng nghĩa với bạn phải nắm thông tin có chứng cứ khoa học và chủ động trước một bước. Có những việc bạn cần chuẩn bị và tập rèn từ bây giờ.

Truyền thông trong và ngoài nước đề cập nhiều đến giải pháp trong tương lai gần: sống chung với virus SARS-CoV-2, vì xét cho cùng lịch sử nhân loại cho thấy dịch đến rồi sẽ đi, nhưng đa số virus và virus SARS-CoV-2 không phải ngoại lệ sẽ ở lại, tiến hóa, đột biến và tồn tại lâu dài với loài người.

1. Tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi đến lượt

Vaccine phòng COVID-19 là cách tiếp cận và chuẩn bị chiến lược nhất hiện nay, có thể giúp phòng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả. Nếu đã tiêm vaccine, ngay cả khi mới được tiêm mũi 1, nếu không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bệnh sẽ nhẹ hơn và khó chuyển nặng. Các vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt đều cho thấy hiệu quả, cần tiêm ngay dù là loại vaccine nào được nhà nước đưa vào triển khai.

Cần tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi có thể.

2. Luôn giữ khoảng cách an toàn

Ngoại trừ những người sống chung trong nhà, hay những người quen, sinh hoạt làm việc chung hàng ngày cơ bản đã xác định an toàn theo hướng dẫn. Còn lại, hãy tự luôn để mắt xung quanh và giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo với mọi người. Lẽ tất nhiên, trong bình thường mới, các dịch vụ kinh tế xã hội có tương tác đã được nhà nước thiết kế khoảng cách an toàn, nhưng bạn phải luôn nhớ giữ khoảng cách là biện pháp căn cơ lâu dài.

3. Khẩu trang như vật bất ly thân để phòng ngừa phơi nhiễm SARS-CoV-2

Mặc dù, khẩu trang không phải là cách phòng ngừa tối ưu, nhưng rõ ràng có tác dụng ngăn chặn phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua giọt bắn hay các hạt li ti của nước bọt khi nói chuyện, ho hay hắt hơi. Có nhiều loại khẩu trang lưu hành hiện nay, nên dùng những khẩu trang đã được khuyến cáo. Đọc kỹ cách dùng và áp dụng thật hợp lý ở tất cả các tình huống hàng ngày trong công việc và sinh hoạt.

4. Tự rèn thói quen rửa tay đúng lúc, hạn chế đưa tay sờ lên mắt mũi miệng

Nghe thì dễ, nhưng nếu xem lại tất cả sinh hoạt diễn ra trong một ngày, bạn sẽ thấy có nhiều thời điểm bạn đã quên rửa và khử khuẩn tay. Tập rèn thói quen rửa tay và đúng lúc, giúp ngăn chặn hiệu quả phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua việc tiếp xúc và sờ nắm vào vật bẩn. Tạo thói quen hạn chế sờ tay lên mắt mũi miệng giúp tránh phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.

5. Tự rèn thói quen súc rửa họng và mũi hàng ngày

Về bệnh sinh, các virus SARS-CoV-2 bám và có mặt nhiều trên niêm mạc mũi và họng. Loại trừ virus SARS-CoV-2 ở những vị trí vừa nêu là cách ngăn hiệu quả virus xâm nhập sâu vào phổi và phế nang. Hiện nay, có nhiều video hướng dẫn cách sục, súc họng và mũi của các các chuyên gia y tế, nên tải xem và tập ngay bây giờ. Súc mũi họng 2-3 lần mỗi ngày như thói quen, ngoài ra cần súc mũi họng khi vừa tách ra từ một công việc có nhiều người tham dự, hoặc khi ra khỏi các cơ sở khám chữa bệnh hoặc vừa trở về nhà…

6. Rèn cách nín thở trong tình huống gặp người lạ 

Để nín thở lâu thì khó thật, nhưng nín thở trong 5-10 giây trở lại hầu như ai cũng làm được. Bạn phải tập rèn nín thở như là một phản xạ có điều kiện. Ví dụ, khi đi ra đường, hay trong siêu thị, nhà hàng, công sở…không thể tránh khỏi người khác đi ngược và gần lại bạn, hay xuất hiện bất ngờ. Rõ ràng, với các tình huống vừa nêu, bạn không thể giữ kịp khoảng cách theo khuyến cáo, vậy cách tốt nhất là nín thở và di chuyển nhanh ra xa và giữ khoảng cách an toàn. Sau một thời gian tự rèn, nín thở khi có một người lạ xuất hiện gần, và chỉ nín thở trong vài giây là không khó và dần hình thành một phản xạ có điều kiện cho riêng bạn hết sức tự nhiên.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Sống chung với COVID-19 không giống cúm mùa.

TS.BS. Lê Thanh Hải - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm