Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm tuyến giáp sau sinh là gì và điều trị như thế nào?

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm ở phía trước cổ, có chức năng sản xuất hormone tuyến giáp, giúp quá trình trao đổi chất và các cơ quan trong cơ thể được hoạt động tốt. Những thay đổi trong thai kỳ khiến tuyến giáp tiết quá nhiều hoặc quá ít hormone, dẫn đến viêm tuyến giáp sau sinh.

Viêm tuyến giáp sau sinh là gì?

Viêm tuyến giáp sau sinh là một rối loạn của tuyến giáp ảnh hưởng đến khoảng 5% bà mẹ sau sinh. Nó được đặc trưng bởi các giai đoạn nồng độ hormone tuyến giáp cao (cường giáp) và nồng độ hormone thấp (suy giáp). Thông thường tình trạng này bắt đầu với cường giáp, sau đó là suy giáp.

Viêm tuyến giáp sau sinh có liên quan đến các kháng thể tự miễn.

Đây thường là một rối loạn tự miễn dịch thoáng qua ở những người có kháng thể kháng enzym thyroid peroxidase (TPO) được kích thích khi mang thai.

Bạn có thể nhầm lẫn về sự khác biệt giữa viêm tuyến giáp sau sinh và các bệnh tuyến giáp khác như viêm tuyến giáp Hashimoto. Tuy nhiên, chúng không giống nhau. Viêm tuyến giáp sau sinh gây viêm và thường không bị phá hủy. Còn viêm tuyến giáp Hashimoto dần dần bị phá hủy bởi các kháng thể kháng tuyến giáp và dẫn đến suy giáp. Đối với hầu hết mọi người, viêm tuyến giáp sau sinh sẽ biến mất trong vòng khoảng một năm. Tuy nhiên, khoảng 20% số người sẽ bị suy giáp sau khoảng thời gian này.

Các giai đoạn của viêm tuyến giáp sau sinh:

  • Giai đoạn cường giáp (quá nhiều hormone tuyến giáp) bắt đầu trong vòng 1-4 tháng sau khi sinh và thường kéo dài từ 1-3 tháng
  • Giai đoạn suy giáp (quá ít hormone tuyến giáp) bắt đầu khoảng 4-8 tháng sau khi sinh và có thể kéo dài từ 9-12 tháng.

Triệu chứng viêm tuyến giáp sau sinh

Các triệu chứng viêm tuyến giáp sau sinh có thể thay đổi từ người này sang người khác và có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn tùy thuộc vào giai đoạn hiện tại của bạn. Mọi người có nhiều khả năng gặp các triệu chứng đáng chú ý trong giai đoạn thứ 2 (suy giáp) so với giai đoạn đầu tiên (cường giáp).

Các triệu chứng giai đoạn đầu điển hình (cường giáp): nhịp tim nhanh, khó chịu, lo lắng, giảm cân và kiệt sức.

Các triệu chứng giai đoạn hai (suy giáp): kiệt sức, trầm cảm, tăng cân, da khô, khó tập trung và táo bón.

Viêm tuyến giáp sau sinh có gây trầm cảm không?

Các vấn đề về tuyến giáp nói chung có thể gây ra những thay đổi trong tâm trạng như lo lắng, khó chịu và các triệu chứng trầm cảm.

Trầm cảm và lo lắng có thể liên quan đến rối loạn tuyến giáp sau sinh do các triệu chứng như khó tập trung, mệt mỏi và thay đổi trao đổi chất liên quan đến nồng độ hormone tuyến giáp bất thường .

Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mối liên hệ giữa viêm tuyến giáp sau sinh và trầm cảm sau sinh, một chứng rối loạn tâm trạng nghiêm trọng đặc trưng bởi cảm giác trầm cảm dai dẳng, kiệt sức, tội lỗi, khó ngủ và khó tập trung.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm sau sinh với viêm tuyến giáp sau sinh nhưng bất kỳ người nào sau sinh có dấu hiệu trầm cảm cũng nên được sàng lọc rối loạn tuyến giáp.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm tuyến giáp sau sinh. Nhưng những người có kháng thể tuyến giáp dương tính (một dấu hiệu của bệnh tự miễn) có nhiều khả năng mắc bệnh này. Mức độ kháng thể càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Các yếu tố nguy cơ của viêm tuyến giáp sau sinh:

  • Mắc một rối loạn tự miễn dịch khác như bệnh tiểu đường loại 1
  • Tiền sử mắc rối loạn tuyến giáp khác
  • Từng bị viêm tuyến giáp sau sinh
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn tuyến giáp.

Chẩn đoán viêm tuyến giáp sau sinh

Nếu bạn có các triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh hoặc có yếu tố nguy cơ mắc bệnh này thì bác sĩ sẽ tiến hành khám cho bạn. Trong trường hợp bạn có các yếu tố nguy cơ thì bạn sẽ được xét nghiệm viêm tuyến giáp sau sinh ở 3 tháng sau sinh và 6 tháng sau sinh. Trong trường hợp bạn xuất hiện các triệu chứng thì bạn sẽ được kiểm tra ngay lập tức.

Viêm tuyến giáp sau sinh được chẩn đoán bằng cách lấy mẫu máu và kiểm tra mức độ của hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và hormone tuyến giáp (T3 và T4).

Điều trị viêm tuyến giáp sau sinh

Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn hiện tại của bạn. Ở giai đoạn đầu tiên (cường giáp) thường không có vấn đề gì rõ ràng, nhưng một số người vẫn xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nếu nhịp tim nhanh thì sẽ được điều trị bằng thuốc chẹn beta. Trong giai đoạn suy giáp sẽ có nhiều triệu chứng đáng chú ý như tăng cân, kiệt sức và trầm cảm. Người bệnh có thể điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp.

Phương pháp điều trị suy giáp ở những người bị viêm tuyến giáp sau sinh là sử dụng thuốc levothyroxin để thay thế hormone tuyến giáp bị thiếu.

Sau một năm dùng levothyroxine, bạn thường có thể cai thuốc từ từ, mặc dù vậy, bạn nên tiếp tục xét nghiệm tuyến giáp hàng năm để đảm bảo rằng bệnh suy giáp không phát triển kéo dài hơn.

Thuốc levothyroxin liều thấp an toàn với bà mẹ cho con bú.

Không tự ý điều chỉnh liều lượng và thời gian dùng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Hiện tại, chưa có chế độ ăn uống hoặc lối sống cụ thể cho những người mắc viêm tuyến giáp sau sinh, thay vào đó hãy tuân thủ việc điều trị bằng thuốc.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của viêm tuyến giáp sau sinh như giảm cân hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân, kiệt sức hoặc thay đổi tâm trạng, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Livestrong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm