Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm phổi không điển hình – những thông tin cần biết

Viêm phổi không điển hình là một tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi nhóm vi khuẩn gồm Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae. Viêm phổi không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình, thậm chí mọi người có thể không biết rằng họ đang bị viêm phổi.

Viêm phổi không điển hình – những thông tin cần biết

Viêm phổi là trạng nhiễm trùng gây viêm ở hai lá phổi. Trong đó, viêm phổi không điển hình là bệnh không phải do những vi khuẩn gây bệnh viêm phổi điển hình. Viêm phổi điển hình thường có xu hướng diễn biến nặng hơn viêm phổi không điển hình.

Viêm phổi không điển hình đôi khi được coi là “walking pneumonia” do những người mắc phải căn bệnh này thường ít khi phải nghỉ ngơi tại giường hay nhập viện.

 Phân loại viêm phổi không điển hình

Ba chủng vi khuẩn phổ biến nhất thường gây ra viêm phổi không điển hình:

  • Legionella pneumophila (L. pneumophila)
  • Mycoplasma pneumoniae (M. pneumoniae)
  • Chlamydophila pneumonia (C. pneumoniae)

Viêm phổi do Mycoplasma

Bệnh này thường ảnh hưởng đến những người dưới 40 tuổi. Theo ước tính có ít nhất 2 triệu ca viêm phổi do Mycoplasma hàng năm. Viêm phổi dạng này thường xảy ra ở những đối tượng sinh sống hoặc làm việc tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc như trường học, nhà tù, khu ổ chuột và khu tập thể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể bị mắc viêm phổi do Mycoplasma mà không có yếu tố nguy cơ đặc biệt nào.

Viêm phổi do Legionella

Những người mắc viêm phổi do Legionella thường là do hít thở và tiếp xúc với những giọt nước trong không khí đã bị nhiễm khuẩn L. pneumophila. Chủng vi khuẩn này thường sinh sống trong các đường ống nước của các tòa nhà hay các tháp làm lạnh. Viêm phổi do Legionella có thể diễn biến nặng hơn so với các dạng viêm phổi không điển hình khác.

Không phải tất cả mọi người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đều bị viêm phổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Người cao tuổi
  • Người có hệ miễn dịch yếu
  • Mắc các bệnh mạn tính khác

Sốt Pontiac là một bệnh nhiễm trùng cũng do vi khuẩn này gây ra nhưng ít nghiêm trọng hơn. Những người bị sốt Pontiac không bị viêm phổi. Các triệu chứng của sốt Pontiac bao gồm đau đầu, sốt và đau nhức khắp cơ thể.

Viêm phổi do Chlamydophila

Dạng viêm phổi này có thể diễn ra quanh năm. Những người mắc bệnh này thường chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ và hiếm khi xuất hiện những ca bệnh nặng.

Viêm phổi do Chlamydophila phổ biến nhất ở đối tượng trẻ em tuổi học đường. Theo ước tính, khoảng 50% người trưởng thành đã từng mắc phải căn bệnh này trước năm 20 tuổi.

Các triệu chứng của viêm phổi không điển hình

Triệu chứng của viêm phổi không điển hình thường nhẹ, bao gồm:

  • Ớn lạnh
  • Ho
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Đau cơ
  • Cứng cơ
  • Mất vị giác
  • Khó thở
  • Thở gấp

Bệnh nhân bị viêm phổi do Mycoplasma có thể bị phát ban.

Đặc biệt nếu bị viêm phổi do Legionella, bạn cũng thường bị tiêu chảy và đôi khi lú lẫn.

Khi nào nên đi khám bác sỹ

Khá khó để có thể phân biệt sự khác nhau giữa cảm lạnh và viêm phổi không điển hình. Hãy đi khám bác sỹ trong trường hợp bạn có dấu hiệu của cảm lạnh nhưng tình trạng bệnh đột ngột trở nên xấu hơn và xuất hiện những cơn ho dai dẳng, sốt hay ớn lạnh. Ngoài ra bạn cũng cần đi khám trong trường hợp:

  • Bạn bị đau ngực khi ho và hít thở
  • Cảm giác khó thở
  • Ho khiến bạn mất ngủ

Chẩn đoán viêm phổi không điển hình

Phương pháp chụp X quang thường cho kết quả chẩn đoán khá chính xác đối với bệnh viêm phổi không điển hình. Hình ảnh X quang cũng giúp phân biệt giữa viêm phổi và các bệnh hô hấp khác như viêm phế quản cấp.

Tùy theo các triệu chứng, bạn cũng có thể cần những xét nghiệm khác như:

  • Nuôi cấy dịch tiết từ phổi tìm vi khuẩn
  • Phương pháp nhuộm Gram vi khuẩn
  • Ngoáy lấy dịch họng (throat swab)
  • Đếm tế bào máu
  • Xét nghiệm kháng thể đặc hiệu trong máu
  • Nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu máu

Điều trị viêm phổi không điển hình

Các kháng sinh là những lựa chọn hàng đầu để tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình. Kháng sinh đường uống được sử dụng trong những trường hợp nhẹ. Đối với trường hợp nặng, kháng sinh có thể được sử dụng đường tĩnh mạch.

Một số bệnh nhân bị viêm phổi nặng thường phải thở oxy.

Triển vọng điều trị

Phần lớn những người mắc viêm phổi không điển hình có thể hồi phục hoàn toàn bằng điều trị kháng sinh. Cần lưu ý là phải sử dụng đủ liều kháng sinh cho một đợt điều trị. Nếu ngừng kháng sinh quá sớm, nguy cơ tái phát nhiễm trùng là rất cao.

Nếu không được điều trị kịp thời, đôi khi viêm phổi không điển hình có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Viêm phổi do virus

Bình luận
Tin mới
Xem thêm