Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Triệu chứng và chẩn đoán bệnh cường giáp

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các triệu chứng và chẩn đoán bệnh cường giáp.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp

Những biến động nhỏ của hormone tuyến giáp có thể là điều bình thường. Ví dụ, tuyến giáp có thể tiết ra nhiều thyroxine (hormone tuyến giáp) hơn để giúp cơ thể bạn giữ ấm khi nhiệt độ giảm. Hoặc bạn có thể thấy sự gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp khi mang thai. Những thay đổi nhỏ này thường không đủ để khiến tuyến giáp của bạn phải hoạt động quá mức. Bệnh cường giáp là do tuyến giáp hoạt động quá mức trong một thời gian dài.

Bạn có thể không biết mình bị cường giáp cho đến khi bác sĩ phát hiện ra sự bất thường của hormone tuyến giáp trong xét nghiệm máu. Trong một số trường hợp, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng bất thường của mình, bao gồm

  • Giảm cân đột ngột, không chủ ý
  • Tăng sự thèm ăn
  • Căng thẳng hoặc lo lắng
  • Nhịp tim đập mạnh, nhanh hoặc không đều (thường là từ 100 nhịp trở lên mỗi phút)
  • Run rẩy (đặc biệt là ở bàn tay)
  • Đổ mồ hôi
  • Khó ngủ
  • Nhạy cảm với nhiệt độ
  • Rụng tóc
  • Tóc dễ gãy, thưa
  • Da mỏng
  • Yếu cơ
  • Đi tiêu thường xuyên hơn
  • Mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt
  • Tuyến giáp phì đại (bướu cổ)
  • Mắt lồi, nhạy cảm với ánh sáng hoặc nhìn mờ (ở người mắc bệnh mắt Graves).

Bệnh về mắt Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow), một tình trạng tự miễn gây ra bệnh cường giáp. Triệu chứng lồi mắt đặc biệt liên quan đến bệnh mắt Graves.

Không phải tất cả bệnh nhân cường giáp đều xuất hiện các triệu chứng ở mắt. Một số triệu chứng khác liên quan đến mắt là đỏ, viêm và chảy nước mắt thường xuyên. Nguyên nhân do các kháng thể tấn công tuyến giáp, dẫn đến sưng mô và cơ ở sau mắt. Bệnh mắt Graves phổ biến hơn ở những bệnh nhân cường giáp có hút thuốc.

Có một số điểm tương đồng giữa cường giáp và suy giáp, hoặc tuyến giáp hoạt động kém. Như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mệt mỏi, thay đổi tóc và thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, bệnh suy giáp thường gây ra các triệu chứng trái ngược, chẳng hạn như không chịu được lạnh và tăng cân không chủ ý. Cách duy nhất để chẩn đoán các bệnh về tuyến giáp là thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hormone.

Các xét nghiệm để chẩn đoán cường giáp

Bệnh cường giáp thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Một số người đi khám do xuất hiện các triệu chứng, đặc biệt là nhịp tim nhanh và sụt cân không chủ ý.

Đôi khi những triệu chứng này có thể là triệu chứng của các bệnh khác, vì vậy bạn cần phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán loại trừ. Để kiểm tra bệnh cường giáp, bác sĩ có thể thực hiện bất kỳ thủ tục nào sau đây:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra tuyến giáp khi bạn nuốt, xác định xem nó có to ra, hay có bất thường gì không. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra tình trạng run tay, phản xạ hoạt động quá mức, kiểm tra xem có bất thường ở mắt không, nhịp tim nhanh hoặc kiểm tra tình trạng về da.
  • Xét nghiệm máu: đo nồng độ thyroxine và triiodothyronine (hormone do tuyến giáp tạo ra) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH), được sử dụng để chẩn đoán bệnh cường giáp.

​Đầu tiên là xét nghiệm TSH. TSH được sản xuất bởi tuyến yên ở trong não, tuyến yên sẽ gửi tín hiệu đến tuyến giáp để tạo ra hormone. Thông thường, mức TSH thấp có nghĩa là tuyến giáp đang giải phóng quá nhiều thyroxine, làm ức chế sự tiết TSH của tuyến yên, gây ra cường giáp nguyên phát, điều này có thể cho thấy tuyến giáp của bạn đang hoạt động quá mức. Cũng có nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến tuyến giáp nhưng làm giảm TSH. TSH đặc biệt quan trọng với những người không xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp.

​Sau khi xét nghiệm TSH, bác sĩ sẽ kiểm tra các chỉ số khác liên quan đến tuyến giáp. Nếu bị cường giáp, bạn có thể bị tăng thyroxine (T4) và/hoặc triiodothyronine (T3). Điều này thường đi kèm với mức TSH thấp.

Đôi khi T4 tăng cao là do thuốc bạn đang sử dụng như thuốc tránh thai đường uống. Mang thai cũng có thể khiến T4 tăng cao do tăng estrogen. Mặt khác, corticosteroid và các bệnh nặng có thể làm giảm mức T4. Đây là lý do tại sao phải xét nghiệm tất cả các chỉ số liên quan đến hormone tuyến giáp để xem tình trạng tuyến giáp hiện tại của bạn như thế nào.

Ngoài ra còn có xét nghiệm máu đo kháng thể tuyến giáp, có ích trong việc chẩn đoán bệnh. Sự hiện diện của kháng thể tuyến giáp trong máu cho thấy hệ thống miễn dịch đang tấn công tuyến giáp do nhầm lẫn.

Đo độ tập trung iốt tuyến giáp: Xét nghiệm này được sử dụng để xác định nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp. Kiểm tra lượng iốt mà tuyến giáp hấp thụ, từ đó có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân tại sao tuyến giáp hoạt động quá mức.

Bạn sẽ được uống một lượng nhỏ iốt phóng xạ và kiểm tra tuyến giáp sau 2 - 6 giờ hoặc 24 giờ. Việc này được thực hiện một cách dễ dàng bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là đầu dò gamma, được đặt ở bên ngoài cổ của bạn.

Sự hấp thu iốt phóng xạ cao cho thấy tuyến giáp của bạn đang sản xuất quá nhiều thyroxine, có thể là do bệnh Graves hoặc các nhân giáp hoạt động quá mức (các khối u trên tuyến giáp có thể giải phóng hormone tuyến giáp). Nếu sự hấp thu iốt phóng xạ của bạn thấp và bạn bị cường giáp, bạn có thể bị viêm tuyến giáp.

Chụp xạ hình tuyến giáp: Xét nghiệm này chụp ảnh tuyến giáp để xác định kích thước, hình dạng và vị trí của tuyến giáp, giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp và kiểm tra các nhân giáp.

Bệnh cường giáp có thể do nhân nóng gây ra. Điều này có nghĩa là nhân tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Khu vực này sẽ được thể hiện trên máy quét.

Bạn sẽ được tiêm một chất đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch (ở bên trong khuỷu tay hoặc bàn tay). Sau đó, một camera đặc biệt sẽ tạo ra hình ảnh tuyến giáp trên màn hình máy tính. Đôi khi, các bác sĩ thực hiện chụp xạ hình tuyến giáp và đo độ tập trung tuyến giáp cùng một lúc.

Các phương pháp khác: chẳng hạn như CT hoặc siêu âm tuyến giáp (siêu âm sau thường được sử dụng), để kiểm tra tuyến giáp hoặc kiểm tra phình giáp.

Thông thường, tuyến giáp sẽ có các nhân hoặc vết sưng tấy và tùy thuộc vào kích thước, các đặc điểm mà bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết. Để sinh thiết, bác sĩ sẽ đặt kim vào nhân dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Mẫu sinh thiết sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra ung thư. Các nhân tuyến giáp thường không phải là ung thư, nhưng vẫn cần phải loại trừ điều này. Toàn bộ quá trình mất khoảng 30 phút.

Mặc dù việc chẩn đoán bệnh cường giáp có thể mất thời gian, nhưng điều quan trọng là bạn phải thực hiện tất cả các xét nghiệm đã được bác sĩ yêu cầu, giúp xác định nguyên nhân chính xác gây ra tuyến giáp hoạt động quá mức để việc điều trị được hiệu quả hơn.

Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everyday Health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm