Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Kinh nguyệt không đều và những điều bạn cần biết

Chu kỳ kinh nguyệt không phải lúc nào cũng đều và không phải ai cũng giống ai. Trong khi nhiều phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn 28 ngày thì cũng có những người có chu kỳ dài hơn, ngắn hơn, hoặc thay đổi giữa các chu kỳ. Dưới đây là những gì bạn cần biết về kinh nguyệt không đều và các tác động khác nhau lên cơ thể gây ra bởi kinh nguyệt không đều.

Khi nào kinh nguyệt được coi là không đều?

Một chu kỳ bình thường là từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo kéo dài từ 21-35 ngày. 28 ngày là chu kỳ bình thường nhưng con số này có thể thay đổi ở mỗi người. Để xác định xem kinh nguyệt của bạn có đều hay không, hãy đếm số ngày bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Lặp lại việc này trong vòng 3 tháng. Nếu số ngày nằm ngoài khoảng thời gian từ 21-35 ngày thì kinh nguyệt của bạn không đều. Kinh nguyệt cũng có thể được coi là không đều nếu độ dài chu kỳ thay đổi hơn 20 ngày từ tháng này sang tháng khác.

Nguyên nhân kinh nguyệt không đều

Có nhiều bệnh dẫn đến tình trạng này như:

  • Hội chứng buồng chứng đa nang (PCOS): rối loạn chuyển hóa và nội tiết tố xảy ra khi buồng trứng hoặc tuyến thượng thận sản xuất quá mức hormone nam (androgen) và cơ thể bị kháng insulin
  • Bệnh tuyến giáp hoặc tuyến yên: chứng suy giáp (khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp), cường giáp (khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone) và tăng prolactin máu (một loại hormone từ tuyến yên, trong máu) đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): viêm hệ thống sinh sản ở nữ, bệnh thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Kinh nguyệt không đều có thể do các vấn đề khác

  • Tiền mãn kinh
  • Căng thẳng, lo lắng
  • Tập thể dục quá nhiều
  • Ăn uống không đều đặn, ăn kiêng
  • Tuổi
  • Kiểm soát sinh sản
  • Hút thuốc lá.

Kinh nguyệt không đều có thể xảy ra trong khi cho con bú

Cho con bú sữa mẹ có thể gây vô kinh (không có kinh nguyệt), bạn ít có khả năng rụng trứng trong khoảng 6 tháng khi đang cho con bú. Đôi khi tình trạng này còn được gọi là “biện pháp tránh thai tự nhiên”.

Kinh nguyệt không đều có thể xảy ra sau khi sảy thai

Mất thai tự nhiên xảy ra do phôi hoặc bào thai chết trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Sau 20 tuần, sảy thai được gọi là thai chết lưu. Sau khi bị sảy thai, có thể phải mất vài tháng kinh nguyệt mới đều đặn trở lại.

Có nên lo lắng khi kinh nguyệt không đều?

Nếu tình trạng này thỉnh thoảng mới xảy ra thì bạn không cần phải quá lo lắng. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn thì bạn nên đi kiểm tra để xem nguyên nhân là gì. Báo lại với bác sĩ hiện bạn đang dùng biện pháp tránh thai nào, loại trừ trường hợp bạn mang thai. Nếu bạn bị buồng trứng đa nang, kinh nguyệt không đều làm tăng nguy cơ ung thư tử cung.

Điều trị kinh nguyệt không đều

Nếu nguyên nhân do căng thẳng thì hãy kiểm soát tình trạng này bằng cách thiền, yoga, thái cực quyền, liệu pháp nhận thức hành vi, phản hồi sinh học. Tránh tập thể dục quá mức, chế độ ăn kiêng quá khắt khe. Đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bạn có khả năng mang thai khi kinh nguyệt không đều không?

Hoàn toàn có. Nếu bạn không rụng trứng, bạn sẽ không mang thai, nhưng nếu bạn vẫn rụng trứng khi chu kỳ không đều thì bạn vẫn có khả năng mang thai. Nếu không muốn mang thai và bảo vệ cơ thể không bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì bạn nên sử dụng các biện pháp tránh thai.

Thời điểm rụng trứng

Nếu bạn quan tâm đến thời điểm rụng trứng để thực hiện kế hoạch hóa gia đình hoặc vì bất kỳ lý do gì nhưng kinh nguyệt lại không đều, hãy đến gặp bác sĩ trước để được thăm khám tình trạng hiện tại. Công cụ tính sự rụng trứng không hữu ích đối với những phụ nữ có kinh nguyệt không đều.

Mặc dù không có phương pháp nhận biết thời điểm thụ thai nào là hoàn hảo, nhưng những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hoặc không đều ở mức nhẹ vẫn có thể dự đoán ngày rụng trứng bằng cách theo dõi chu kỳ của mình và tự theo dõi các triệu chứng rụng trứng, chẳng hạn như thay đổi chất nhầy cổ tử cung hoặc nhiệt độ cơ thể.

Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everyday Health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm