Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tiềm năng ứng dụng y tế di động tại Việt Nam

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển tại nước ta trên mọi lĩnh vực, trong đó có y tế. Việc ứng dụng y tế di động đang mở ra những cơ hội to lớn góp phần phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Y tế di động trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Y tế điện tử (electronic health, e-  health) là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như máy tính, điện thoại di động, vệ tinh, các công cụ giám sát sức khỏe/người bệnh... cho dịch vụ và thông tin y tế. Y tế di động (mobile health, m-health) là thuật ngữ dùng để chỉ “thực hành y khoa và y tế công cộng được hỗ trợ bởi các thiết bị di động” như điện thoại di động, máy tính bảng, các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân (PDA: Personal Digital Asisstant)...

tiem-nang-ung-dung-y-te-di-dong-tai-viet-nam-1

Tiềm năng ứng dụng y tế di động là rất lớn.

Sự phát triển mạnh mẽ y tế di động trong những năm gần đây không những chỉ ở các nước công nghiệp mà cả ở các nước đang phát triển là do: Dân số tăng trưởng nhanh, tỷ lệ mắc bệnh cao, thiếu cán bộ y tế, tỷ lệ cao dân số sống ở nông thôn và các vùng địa lý xa xôi, khó khăn, thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ hệ thống hạ tầng cơ sở và hệ thống thông tin y tế; sự thâm nhập nhanh chóng và sâu rộng của điện thoại di động và điện thoại thông minh đối với một bộ phận khá lớn cán bộ y tế cũng như cư dân, bao gồm cả cư dân nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... của các nước đang phát triển sẽ làm tăng khả năng giảm giá cước và chi phí truyền tải thông tin, giảm chi phí trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua các thiết bị di động.

Những năm gần đây trên thế giới, y tế di động đang được ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực như: giáo dục y tế và nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề sức khỏe và bệnh tật; tạo lập các đường dây nóng hỗ trợ về sức khỏe (helpline,); hỗ trợ chẩn đoán và hỗ trợ điều trị; truyền thông và đào tạo cán bộ y tế; theo dõi tình hình bệnh tật và sự khởi phát các dịch bệnh; giám sát sức khỏe và bệnh tật từ xa (remote monitoring); thu thập dữ liệu về sức khỏe và bệnh tật từ xa.

Các hướng áp dụng y tế di động rất phong phú, bao gồm: hệ thống ứng phó khẩn cấp (tai nạn giao thông, tai biến sản khoa...); điều phối, giám sát, quản lý nhân lực y tế; hỗ trợ chẩn đoán từ xa đồng bộ với thiết bị di động (thoại) hoặc không đồng bộ bằng tin nhắn (SMS: Short Message Service) và hỗ trợ quyết định cho cán bộ y tế vùng xa xôi hẻo lánh (đặc biệt ở y tế cơ sở); thông tin y học và dược học, cung cấp cơ sở dữ liệu và hỗ trợ quyết định điều trị tại chỗ; đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống cung ứng thuốc và an toàn của bệnh nhân; giám sát bệnh nhân từ xa; giám sát từ xa các dịch vụ y tế và thu thập báo cáo; giáo dục kiến thức y tế và sức khỏe cho người dân; đào tạo liên tục và phát triển đội ngũ cán bộ y tế;  đẩy mạnh tự chăm sóc sức khỏe trong công chúng và huy động nguồn lực cộng đồng cho các vấn đề y tế và sức khỏe; hỗ trợ bệnh nhân các bệnh mạn tính tự chăm sóc sức khỏe và bệnh tật, ví dụ: bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch...; huy động xã hội phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính...

Nền tảng y tế di động và ứng dụng những năm tới

Ở Việt Nam, có thể thấy sau 20 năm ứng dụng internet, hạ tầng kỹ thuật internet nước ta đang phát triển mạnh mẽ, là tiền đề cho việc áp dụng và đẩy mạnh y tế di động trong những năm sắp tới phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.  Năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, tương ứng với 67% dân số cả nước. Theo Internetworldstats, Việt Nam là quốc gia có số người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Khoảng 72% dân số Việt Nam đang dùng điện thoại thông minh với tỷ lệ sở hữu máy trung bình là 1,7 điện thoại/người. Gần 70% người Việt truy cập mạng internet bằng điện thoại.

Ngày 5/2/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-BYT phê duyệt “Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020”, trong Quyết định 445/BYT-QĐ, các mục tiêu và kế hoạch hành động về y tế điện tử (e - health) đã được xác định khá cụ thể, tuy nhiên có thể nhận thấy các mục tiêu về y tế di động (mobile health) chưa thật đậm nét. Chắc chắn rằng trong kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế thời gian tới, đặc biệt trong thập kỷ 2021 - 2030, song song với phát triển y tế điện tử (e-health) cần quan tâm hơn nữa đến phát triển y tế di động (m-health) để khai thác có hiệu quả tiềm năng cơ sở hạ tầng internet hiện có đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển y tế di động trên thế giới. Một yếu tố cực kỳ quan trọng có ý nghĩa sống còn cho việc ứng dụng rộng rãi và phát triển y tế di động (bao gồm cả trong lĩnh vực dược) là việc các cơ quan quản lý sớm xây dựng và ban hành các thiết chế pháp lý làm nền tảng cho việc ứng dụng hợp pháp và có kiểm soát các hoạt động y tế di động ở nước ta như: khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe từ xa và “online”, cung cấp dịch vụ y tế, sản phẩm sức khỏe, dược phẩm thông qua thương mại điện tử (e-commerce)...

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể giải quyết khủng hoảng nguồn nhân lực trong chăm sóc sức khỏe? - Phần 1, Trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể giải quyết khủng hoảng nguồn nhân lực trong chăm sóc sức khỏe? - Phần 2

PGS. TS. Lê Văn Truyền (Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm