Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thai nghén nguy cơ cao - Phần 2

Thai nghén nguy cơ cao là thai kỳ có nhiều nguy cơ gặp phải vấn đề trước, trong hoặc sau khi sinh, đòi hỏi phải theo dõi cẩn thận hơn là thai kì thông thường. Mặc dù có khả năng xảy ra biến chứng, với việc chăm sóc sớm và thường xuyên, một thai kỳ có nguy cơ cao vẫn có thể đảm bảo khỏe mạnh cho cả mẹ và em bé.

Mẹo chăm sóc thai nghén nguy cơ cao

Để có một thai kỳ khỏe mạnh bạn nên có những cách chăm sóc sức khỏe riêng cho mình. Dưới đây là một số mẹo nhỏ nhưng hữu ích:

Chuẩn bị cho thai kỳ: Hẹn khám với bác sĩ sản phụ khoa khi bạn bắt đầu suy nghĩ về ý định mang thai, đặc biệt là nếu như người mẹ có kèm theo bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp. Bác sĩ có thể thu thập thông tin cần thiết, làm một số xét nghiệm cần thiết, tư vấn về cách giữ sức khỏe và hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa khác để đảm bảo cho người mẹ có sức khỏe tốt nhất khi mang thai.

Uống axit folic: axit folic giúp ngăn ngừa việc sinh ra trẻ sơ sinh nhẹ cân, khuyết tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống, thai kỳ nguy cơ cao hoặc các vấn đề sức khỏe bẩm sinh khác cho trẻ.

Axit folic cũng có thể giúp giảm nguy cơ các tai biến trong thai kỳ như tăng huyết áp, tiền sản giật, và bệnh tim. Liều khuyến cáo là 400 microgram (0,4 mg) axit folic mỗi ngày cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng đặc biệt là đối với phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai. Các chuyên gia dinh dưỡng và sản khoa khuyến nghị rằng nên sử dụng axit folic trước khi có thai và trong suốt thai kỳ.

Đi khám đầy đủ theo chỉ định của bác sỹ: Thai kỳ nguy cơ cao cần được theo dõi, chăm sóc và điều trị nhiều hơn so với thai kỳ khỏe mạnh do vậy cần phải đi khám đúng số lần các bác sỹ chỉ định.

Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể:  ăn uống hợp lý, cân bằng và nên uống nhiều nước. Nếu người mẹ có nhu cầu ăn kiêng đặc biệt do bị bệnh tiểu đường hoặc bị rối loạn ăn uống, nên tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bạn có đủ dinh dưỡng cần thiết mang thai. Bổ sung các loại vitamin bằng thực phẩm chức năng hoặc dạng thuốc cũng là một cách tốt để đảm bảo nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Thực hiện lối sống lành mạnh: Duy trì cân nặng hợp lý, từ bỏ thuốc lá, tránh xa rượu và các loại thuốc kích thích. Sử dụng thuốc hợp lý theo đúng chỉ định của bác sỹ.

Tuy có nhiều yếu tố nguy hiểm nhưng phần lớn ca theo dõi thai nghén nguy cơ cao đều kết thúc có hậu bằng những em bé khỏe mạnh. Đó là câu chuyện của những bà mẹ tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sỹ.

Tuy nhiên, đôi khi một thai kỳ nguy cơ cao có thể nghiêm trọng hơn, hoặc thai kỳ bình thường có thể xuất hiện một vấn đề bất ngờ và trở nên nguy cơ cao. Khi các biến chứng nghiêm trọng phát sinh trong thai kỳ, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé và dẫn đến:

  • Tiền sản giật / Sản giật
  • Sinh non
  • Chuyển dạ sớm
  • Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)

Các biến chứng nghiêm trọng thậm chí có thể trở nên đe dọa tính mạng.

Hãy nhớ rằng, thai nghén nguy cơ cao không có nghĩa là một điều gì đó không tốt lành sẽ xảy ra. Nó chỉ có nghĩa là bạn cần chăm sóc thêm và theo dõi thường xuyên để giữ cho mẹ và em bé của bạn khỏe mạnh. Cố gắng  tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và để ý đến những điều cần theo dõi thì bạn có thể vượt qua, loại bỏ những rủi ro và hơn hết là em bé chào đời khỏe mạnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: U xơ tử cung khi mang thai có đáng lo ngại?

CTV Võ Dung - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywell
Bình luận
Tin mới
Xem thêm