Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về vaccine thủy đậu cho trẻ em

Bạn có biết khi nào nên tiêm vaccine thủy đậu cho trẻ em và có bao giờ thắc mắc về hiệu quả của loại vaccine này với trẻ không? Nếu có, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Thủy đậu (chicken pox hoặc varicella) là một bệnh nhiễm virus có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ nhỏ nhưng thường gặp ở trẻ nhiều hơn. Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, gây nên bởi một loại virus tên là varicella zoster.

Bệnh thủy đậu có thể lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và qua không khí có chứa các virus gây bệnh. Người bị thủy đậu khi hắt hơi và ho có thể sẽ giải phóng virus vào trong không khí. Người bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khỏe mạnh trong suốt thời gian bị bệnh, khả năng lây nhiễm chỉ giảm đi khi các mụn nước mọc trên da đã đóng vảy hết.

Triệu chứng bệnh thủy đậu

Sau khi nhiễm virus gây bệnh, sẽ mất khoảng từ 1-3 tuần để các triệu chứng của bệnh thủy đậu mới biểu hiện ra bên ngoài. Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu là tình trạng phát ban, sau đó các nốt phát ban sẽ phát triển thành mụn nước. Các nốt mụn nước có thể sẽ gây ngứa ngáy, chứa đầy dịch và có thể xuất hiện ở khắp cơ thể. Tình trạng phát ban có thể ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng và có thể nhân lên thành hàng trăm nốt.

Trước khi tình trạng phát ban xuất hiện, người bệnh có thể sẽ bị sốt cao, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi và đau đầu.

Tầm quan trọng của vaccine thủy đậu với trẻ em

Thủy đậu có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống. Có rất nhiều lý do khiến cho việc tiêm vaccine thủy đậu trở nên quan trọng, nhất là với trẻ em:

  • Trẻ nhỏ rất dễ nhiễm virus thủy đậu. Kể cả một tình trạng phát ban nhẹ cũng có thể khiến trẻ khó chịu và đau đớn.
  • Bệnh thủy đậu có thể để lại những vết sẹo nặng trên da. Và vết sẹo do bệnh thủy đậu để lại rất hiếm khi mờ đi.
  • Bệnh thủy đậu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nặng nề như: viêm phổi, các bệnh viêm da như viêm mô tế bào (cellulitis), viêm hoặc phù não và trong một số trường hợp hiếm gặp có thể sẽ gây tử vong.
  • Virus thủy đậu cũng có thể gây ra bệnh zona thần kinh ở người trưởng thành nếu hồi nhỏ người đó mắc thủy đậu.

Khi nào trẻ em cần tiêm vaccine thủy đậu?

Vaccine thủy đậu có thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh thủy đậu đến khoảng 98%. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp hiếm gặp, bệnh vẫn có thể phát triển sau khi đã tiêm vaccine, nhưng những trường hợp này bệnh sẽ phát triển nhẹ hơn. Vaccine thủy đậu sẽ phải tiêm 2 mũi, khoảng thời gian giữa 2 mũi phải cách nhau từ vài tuần tới vài năm.

  • Mũi tiêm vaccine đầu tiên nên được tiêm khi trẻ từ 12-15 tháng tuổi.
  • Mũi thứ hai nên tiêm khi trẻ từ 4-6 tuổi. Mũi thứ 2 nên tiêm cách mũi thứ nhất ít nhất là 3 tháng, do vậy, bạn nên cho trẻ tiêm mũi thứ nhất sớm nhất có thể.
  • Với những trẻ hơn 13 tuổi thì nên tiêm 2 mũi vaccine thủy đậu cách nhau từ 4-8 tuần (ít nhất là cách nhau 28 ngày).

Các loại vaccine thủy đậu

Có hai loại vaccine thủy đậu

  • MMRV: là loại vaccine phối hợp giữa vaccine phòng sởi, quai bị, rubella và vaccine phòng thủy đậu. Loại vaccine này chỉ được tiêm cho những trẻ trên 12 tháng tuổi và dưới 12 tuổi.
  • Vaccine thủy đậu đơn lẻ, chỉ phòng bệnh thủy đậu: Có thể tiêm cho trẻ nhỏ, trẻ lớn và người trưởng thành.

Các bác sỹ nhi khoa có thể sẽ đưa ra lời khuyên về việc tiêm loại vaccine nào là thích hợp cho trẻ và trả lời bất cứ thắc mắc nào của bạn về loại vaccine này.

Vaccine thủy đậu có cần thiết cho trẻ nhỏ hay không?

Có những tranh cãi cho rằng, một khi trẻ đã mắc thủy đậu một lần, thì trẻ sẽ hình thành miễn dịch cả đời, do vậy, trẻ sẽ không cần tiêm vaccine thủy đậu nữa. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học khuyến cáo, trẻ cần tiêm vaccine thủy đậu sớm (liều đầu tiên vào khoảng 12 -15 tháng tuổi) và tiêm đủ 2 liều vaccine thủy đậu mới đủ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh thủy đậu. 

Thêm nữa, bạn sẽ không thể biết được trẻ bị thủy đậu ở mức độ nhẹ hay nặng. Mắc thủy đậu luôn đi kèm với nguy cơ để lại sẹo  và các biến chứng khác. Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không được tiêm vaccine, thì họ cũng có thể sẽ bị lây bệnh thủy đậu từ trẻ và điều này, chắc chắn sẽ gây ra những khó chịu và bất tiện nhất định.

Vaccine thủy đậu là loại vaccine không bắt buộc và không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhưng từ khi vaccine phòng thủy đậu được sử dụng rộng rãi trong khoảng 20 năm trở lại đây, thì số ca nhập viện và mắc phải các biến chứng của bệnh thủy đậu đã giảm đi một cách rõ rệt.

Với riêng các bậc phụ huynh, thì việc nhìn con mình bị mắc bất cứ bệnh gì đều là một trải nghiệm đáng sợ. Do vậy, nếu bạn còn băn khoăn, bạn nên hỏi ý kiến các bác sỹ nhi khoa  và cán bộ tiêm chủng để được thông tin đầy đủ về vaccine thủy đậu và lợi ích của loại vaccine này với trẻ.

Vaccine thủy đậu cho trẻ em có an toàn hay không?

Có, vaccine thủy đậu cho trẻ em là an toàn và tiêm vaccine là một cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả. Nhưng cũng như bất cứ loại vaccine nào khác, vaccine thủy đậu cũng có một số phản ứng sau tiêm. Hầu hết các phản ứng sau tiêm gặp phải khi tiêm vaccine thủy đậu thường nhẹ và rất hiếm gặp.

Trong trường hợp trẻ gặp phải bất cứ phản ứng sau tiêm nào sau khi tiêm vaccine thủy đậu, hãy gọi cho bác sỹ ngay lập tức. Các phản ứng phụ có thể bao gồm:

  • Đau hoặc sưng tại vị trí tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Các phản ứng dị ứng như sốc phản vệ 
  • Co giật

Những điều cần lưu ý khi về vaccine thủy đậu cho trẻ nhỏ

Vaccine thủy đậu nguyên bản thường có chứa gelatin. Bởi vậy, những người bị dị ứng với loại chất này không nên tiêm vaccine thủy đậu. Tuy nhiên, bây giờ vaccine thủy đậu cũng có loại không chứa gelatin. Nếu bạn lo ngại về loại vaccine thủy đậu dùng cho con bạn và các phản ứng dị ứng trẻ có thể gặp phải sau khi tiêm, hãy trao đổi với bác sỹ trước về những vấn đề này. Bác sỹ có thể sẽ làm bạn bớt lo lắng và gợi ý về những việc bạn có thể làm để giúp trẻ khi trẻ được tiêm vaccine.

Nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên và xuất hiện phản ứng dị ứng, bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn không nên để trẻ tiêm mũi thứ hai. Phản ứng dị ứng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không chỉ là do dị ứng với gelatin.

Không nên tiêm vaccine thủy đậu khi trẻ đang bị ốm. Khoảng tuổi để tiêm vaccine thủy đậu dao động rất lớn (từ 12 tháng – 12 tuổi) nên bạn có thể đợi đến khi trẻ khỏe hơn rồi hãy cho trẻ tiêm vaccine thủy đậu.

Nếu trẻ mắc phải bất cứ rối loạn nào liên quan đến hệ miễn dịch, thì trẻ cũng không nên tiêm vaccine thủy đậu. Các bệnh nhân ung thư cũng không nên tiêm loại vaccine này.

Nếu trẻ vừa mới được truyền máu, bạn phải đợi ít nhất 5 tháng sau mới nên cho trẻ tiêm vaccine thủy đậu.

Với người trưởng thành, sẽ có nhiều điều cần lưu ý hơn khi tiêm vaccine thủy đậu, ví dụ như những nguy cơ gặp phải với thai nhi nếu tiêm vaccine trong khi mang thai hoặc những lưu ý khi tiêm vaccine thủy đậu khi đang điều trị ung thư bằng hóa trị. Phụ nữ nên  đợi ít nhất là 1 tháng sau khi tiêm vaccine thủy đậu mới nên mang thai.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trì hoãn tiêm vaccin ở trẻ nhỏ: cân nhắc nguy cơ và lợi ích

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam- Tổng hợp từ Momjunction
Bình luận
Tin mới
  • 25/11/2024

    Dấu hiệu cảnh báo bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần chú ý

    Bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính (COPD) gây ra 30.000 ca tử vong mỗi năm tại Anh. Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây cho thấy nhiều người dân tại quốc gia này vẫn chưa biết về triệu chứng của bệnh.

  • 25/11/2024

    Xăm hình có thể gây ung thư?

    Xăm hình đã trở thành một hình thức nghệ thuật phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn có những lo ngại về tác động lâu dài của việc xăm hình đối với sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ ung thư.

  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Xem thêm