Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thời tiết chuyển mùa cẩn thận bệnh viêm phế quản phổi

Thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi gia tăng các bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản phổi. Đây là một bệnh cấp tính, diễn biến nhanh và rất nặng.

Viêm phế quản phổi là một dạng của bệnh viêm phổi. Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của phổi gây ra do virus, vi khuẩn hay nấm. Nhiễm trùng gây viêm trong các phế nang (túi khí nhỏ trong phổi) và hình thành ổ mủ.

Có hai dạng viêm phổi: Viêm phổi thùy ảnh hưởng một phân thùy, một thùy hay nhiều thùy, hoặc có khi cả hai bên phổi, thường gặp nhất là thùy dưới phổi phải. Viêm phế quản phổi có ảnh hưởng đến cả hai bên phổi và phế quản.

Bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thường thì viêm phế quản phổi do virus sẽ diễn biến nhẹ hơn là do những nguyên nhân khác.

Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi

Cả hai dạng viêm phổi đều có thể là do việc tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus trong sinh hoạt thường ngày. Hầu hết các ca viêm phổi do vi khuẩn đều gây ra bởi chủng phế cầu khuẩn Streptococcus pneumonia. Tuy nhiên cũng khá phổ biến trường hợp viêm phổi là do kết hợp của nhiều loài vi khuẩn gây ra như:

  • Staphylococcus aureus
  • Haemophilus influenza
  • Klebsiella pneumonia

Những loại virus gây bệnh cúm và cảm lạnh cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nên các ca viêm phổi do virus.

Theo Mayo Clinic, bệnh nhân thường bị mắc một căn bệnh viêm phổi rất nặng trong môi trường bệnh viện. Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện có thể là do sự tấn công của nhiều chủng vi khuẩn đề kháng với kháng sinh.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản phổi

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Người trên 65 tuổi
  • Người đang mắc các bệnh về phổi như bệnh xơ nang, hen phế quản, hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Người nhiễm HIV/AIDS
  • Người có hệ miễn dịch yếu do hóa trị hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
  • Người đang mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hay tiểu đường
  • Người đang thở máy
  • Người nghiện thuốc lá
  • Người có tiền sử nghiện rượu
  • Người gặp khó khăn khi nuốt, ho
  • Trẻ em suy dinh dưỡng

Các triệu chứng của viêm phế quản phổi

Các triệu chứng có thể diễn biến từ từ hoặc đột ngột. Viêm phế quản phổi do virus có thể khởi phát với những triệu chứng giống cúm nhưng thường nặng hơn sau một vài ngày. Các triệu chứng của viêm phế quản phổi bao gồm:

  • Sốt
  • Ho có đờm
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Thở gấp
  • Vã mồ hôi
  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Lú lẫn hoặc mê sảng, đặc biệt ở người cao tuổi

Xét nghiệm và chẩn đoán

Việc chẩn đoán trước tiên dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Bác sỹ sẽ đo thân nhiệt để xem người bệnh có sốt hay không. Khám phổi bằng ống nghe sẽ có tiếng ran nổ, ran ẩm rải rác cả hai phổi, khám phổi cũng sẽ giúp phát hiện được tình trạng khó thở càng lúc càng tăng… là các triệu chứng điển hình của viêm phế quản phổi.

Sự gia tăng số lượng bạch cầu trong máu là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn. Các xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện được nguyên nhân gây viêm phế quản phổi là do virus, vi khuẩn hay nấm…

Chụp X quang vùng ngực là cách tốt nhất giúp chẩn đoán bệnh này. Vị trí tổn thương ở phổi sẽ được chỉ rõ trên phim X quang.

Phương pháp chụp CT cũng cho hình ảnh tương tự như chụp X quang nhưng chi tiết hơn. Nó giúp bác sỹ phát hiện vị trí nhiễm trùng trong phổi.

Nuôi cấy mẫu đờm từ dịch phổi sẽ giúp phát hiện nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp nội soi phế quản sử dụng một camera thu nhỏ đưa xuống cổ họng để quan sát các ống phế quản sẽ giúp xác định các yếu tố gây bệnh khác.

Máy đo oxy dựa vào mạch đập sẽ giúp xác định lượng oxy trong máu của bệnh nhân. Kết quả của xét nghiệm này có thể cung cấp cho bác sỹ thông tin về mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và khả năng hấp thụ oxy của bệnh nhân.

Lựa chọn điều trị

Viêm phế quản phổi do virus thông thường không cần phải điều trị và nó sẽ tự hết trong vòng 1 – 2 tuần. Có thể sử dụng các thuốc kháng virus để giảm thời gian mắc và mức độ nặng của các triệu chứng.

Viêm phế quản phổi do vi khuẩn được điều trị bằng các kháng sinh. Hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện trong vòng từ 1 – 3 ngày sau khi dùng thuốc. Lưu ý là phải sử dụng hết một liệu trình điều trị bằng kháng sinh để phòng bệnh tái phát.

Ngoài ra, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng các thuốc hạ sốt hoặc thuốc trị ho cho cả trường hợp bệnh do vi khuẩn hay virus. Các thuốc này chỉ có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh chứ không tác dụng lên nguyên nhân gây bệnh.

Các biện pháp chăm sóc tại nhà bao gồm:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Uống nhiều nước ấm
  • Sử dụng một thiết bị phun sương làm ẩm không khí trong phòng

Trường hợp nặng cần phải nhập viện điều trị nếu:

  • Bệnh nhân trên 65 tuổi
  • Nhịp thở nhanh
  • Tụt huyết áp
  • Người bệnh có dấu hiệu lú lẫn
  • Người bệnh cần thiết bị hỗ trợ thở

Việc điều trị trong bệnh viện có thể gồm truyền kháng sinh tĩnh mạch. Trường hợp nồng độ oxy máu thấp, người bệnh sẽ được cho thở oxy để giúp nồng độ oxy máu trở về mức bình thường.

Phòng bệnh

Tiêm vaccin là biện pháp rất hiệu quả trong việc phòng bệnh viêm phế quản phổi. Một mũi tiêm vaccin phòng cúm hàng năm có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do cúm cũng là nguyên nhân gián tiếp gây viêm phổi.

Vaccin phòng bệnh do phế cầu có hiệu quả tương đối tốt đối với trẻ dưới 5 tuổi. Loại vaccin này cũng được khuyến cáo cho những người trên 65 tuổi, những người đang được chăm sóc tại các cơ sở y tế hay những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản phổi. Trẻ em dưới 2 tuổi có thể tiêm một mũi vaccin liên hợp phế cầu khuẩn. Mayo Clinic thông báo rằng các bác sỹ nên khuyến cáo sử dụng loại vaccin này cho trẻ em từ 2 – 5 tuổi và những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc những người đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Những biện pháp đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế sử dụng rượu
  • Hạn tiếp xúc với người ốm

Duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm việc luyện tập thể dục, thể thao, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống đủ dinh dưỡng cũng rất hiệu quản trong việc phòng bệnh viêm phế quản phổi. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Để phổi khỏe mạnh mỗi ngày

Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Cho trẻ ăn dặm với trái cây đúng cách

    Trái cây là một trong các nhóm thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin quan trọng, phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn dặm của trẻ.

  • 20/04/2024

    Chảy máu trong thai kỳ - Hiện tượng phổ biến nhưng đừng xem thường

    Chảy máu trong thời kỳ mang thai là một hiện tượng thường gặp, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đôi khi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.

  • 20/04/2024

    Những tác hại khi nằm ngủ gối cao

    Lựa chọn một chiếc gối với độ cao phù hợp sẽ mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, mỏi cổ. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe khi nằm gối quá cao hoặc kê nhiều gối trong thời gian dài.

  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

Xem thêm