Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Loại bỏ nước trong tai như thế nào?

Mặc dù nước thường mắc kẹt trong ống tai sau khi đi bơi, nhưng tình trạng này cũng có thể gặp phải bất cứ khi nào, ví dụ như khi tắm/gội đầu hoặc khi bạn luyện tập và ra qua nhiều mồ hôi. Thông thường, nước có thể sẽ tự chảy ra khỏi tai. Nhưng nếu nước không tự chảy ra được thì có thể sẽ dẫn đến viêm tai.

Loại bỏ nước trong tai như thế nào?

Nếu trong tai bạn có nước, bạn sẽ cảm thấy ngứa nhồn nhộn trong tai và không làm thế nào để làm giảm cảm giác này được. Cảm giác này thậm chí có thể lan tới xương hàm hoặc cổ họng của bạn. Bạn cũng có thể sẽ thấy thính lực của mình bị suy giảm hoặc chỉ nghe thấy những âm thanh méo mó.

Làm thế nào để loại bỏ nước ra khỏi tai?

Sau một khoảng thời gian ngâm mình dưới làn nước mát mẻ của bể bơi, việc lau khô phần tai ngoài bằng khăn mặt sạch sẽ giúp bạn tránh được tình huống nước chảy vào trong tai. Nhưng nếu nước đã chảy vào trong tai của bạn rồi, bạn có thể thử một vài biện pháp dưới đây:

Kéo nhẹ dái tai

Nhẹ nhàng kéo hoặc rung dái tai của bạn trong khi nghiêng đầu bạn về một bên (bên tai bị có nước). Khi ở trong tư thế này, bạn cũng có thể thử lắc đầu sang 2 bên để nước văng ra ngoài.

Tạo ra môi trường chân không

Nghiêng đầu bạn sang một bên, dùng lòng bàn tay úp chặt lên tai. Sau đó nhanh chóng bỏ tay ra khỏi tai rồi lại úp vào. Việc làm này sẽ tạo ra một môi trường chân không và giúp nước có thể bị kéo ra ngoài.

Chườm nóng

Ngâm khăn sạch trong nước nóng (đủ nóng mà không làm bạn bị bỏng), sau đó vắt khô khăn. Bạn phải đảm bảo rằng khăn đã được vắt thật khô trước khi sử dụng, nếu không, nước từ khăn chảy ra sẽ làm tai bạn có thêm nhiều nước hơn. Nghiêng đầu về phía tai có nước và đăp khăn lên phần bên ngoài của tai, để trong khoảng 30 giây sau đó bỏ ra trong khoảng 1 phút. Lặp lại quy trình này 4-5 lần.

Dùng máy sấy tóc

Bật máy sấy tóc của bạn ở chế độ thấp nhất. Bạn nên để máy sấy tóc cách tai khoảng 25cm và di chuyển máy sấy qua lại (giống như khi bạn đang sấy tóc). Khi máy sấy đi qua tai, hãy để luồng khí ấm thổi trực tiếp vào tai của bạn. Hơi nóng từ máy sấy tóc có thể làm bay hơi nước ở trong ống tai của bạn.

Nhỏ tai bằng rượu và giấm

Trộn rượu và giấm với tỷ lệ bằng nhau để tạo ra dung dịch nhỏ tai. Nhỏ 3-4 giọt dung dịch này vào tai. Sau đó cọ xát nhẹ nhàng phần bên ngoài tai. Đợi khoảng 30 giây và nghiêng đầu về phía tai có nước để nước chảy ra. Nếu nước bị mắc kẹt trong tai là do bạn có quá nhiều ráy tai thì giấm có thể sẽ hiệu quả trong trường hợp này. Rượu sẽ làm nước bay hơi nhanh hơn và cũng có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Không nên áp dụng biện pháp này nếu bạn mắc một trong số các bệnh dưới đây:
  • Viêm tai
  • Thủng màng nhĩ hoặc thủng vòi Eustachian (ở tai trong)
  • Đục màng nhĩ hoặc đục vòi Eustachian

Nhỏ tai bằng dung dịch hydrogen peroxide

Hydrogen peroxide có thể loại bỏ những thứ sau ở trong tai:

  • Ráy tai
  • Vi khuẩn
  • Nước

Nhỏ 3-4 giọt hydrogen peroxide vào tai và đợi 2-3 phút. Sau đó, nghiêng đầu về phía tai có nước để nước có thể chảy ra.

Không sử dụng biện pháp này nếu bạn bị viêm tai, thủng màng nhĩ/vòi Eustachian hoặc đục màng nhĩ/vòi Eustachian.

Nhai hoặc há mồm

Ống nối giữa khoang tai giữa với lỗ mũi sau có thể sẽ bị sưng và tắc nghẽn trong bệnh dị ứng hoặc nhiễm trùng. Tình trạng này có thể khiến bạn có cảm giác giống như có nước ở trong tai. Các cử động của miệng, ví dụ như ngáp, há mồm hoặc nhai kẹo cao su có thể làm mở đường ống này. Nếu cảm giác đầy ở trong tai của bạn được giảm nhẹ bằng các biện pháp này thì có thể là do vòi Eustachian ở trong tai của bạn có vấn đề.

Thực hiện liệu pháp Valsalva

Liệu pháp này được tiến hành như sau: Hít thật sâu, từ từ sau đó ngậm miệng chặt và dùng tay bóp/bịt mũi lại để giữ lượng khí vừa hít vào ở trong lồng ngực. Sau đó từ từ thổi luồng khí này qua mũi của bạn, trong khi vẫn ngậm miệng và tay vẫn bóp mũi. Đến khi bạn nghe thấy một tiếng “bốp” nhỏ thì có nghĩa là vòi Eustachian của bạn đã được mở. Nếu bạn áp dụng và thấy cách này hiệu quả, thì có nghĩa là bạn không thực sự có nước trong tai. Mà là do các vấn đề xảy ra với vòi Eustachian làm bạn có cảm giác như có nước trong tai.

Sử dụng các loại thuốc không kê đơn

Bạn có thể sử dụng rất nhiều các loại thuốc nhỏ tai không cần kê đơn. Đa số các loại thuốc này thường có thành phần là rượu và có tác dụng diệt khuẩn, loại bỏ ráy tai ra ngoài.

Khi nào nên đến gặp bác sỹ

Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà nước vẫn không chảy ra, bạn không nên dùng tăm bông, ngón tay hay bất cứ vật gì đưa vào tai với hi vọng để làm nước chảy ra ngoài. Làm như vậy sẽ làm tình trạng của bạn tệ hơn vì:

  • Sẽ đưa thêm vi khuẩn vào trong tai
  • Ấn và làm nước đi sâu hơn vào trong tai
  • Làm tổn thương ống tai
  • Làm thủng màng nhĩ.

Nếu nước không ra khỏi tai trong vòng 2-3 ngày, bạn nên đến gặp bác sỹ. Nếu tai bạn bị viêm hoặc sưng lên, bạn có thể đã bị viêm tai. Tình trạng này cần được chăm sóc y tế. Bác sỹ có thể sẽ kê một vài loại thuốc để loại bỏ tình trạng nhiễm trùng và giảm đau.

Những người bị eczema ở quanh tai có thể sẽ có nguy cơ bị viêm tai cao hơn. Trẻ em dưới 3 tuổi cũng là đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là nếu trẻ có tiền sử bị viêm tai.

Viêm tai có thể sẽ trở nên rất nghiêm trọng nếu bạn không điều trị. Viêm tai có thể sẽ dẫn đến mất thính lực hoặc các biến chứng khác, ví dụ như tổn thương sụn và xương.

Bạn nên nhớ

Nước mắc trong tai thường sẽ tự chảy ra mà không cần điều trị gì. Bạn có thể lựa chọn một trong số các mẹo nhỏ ở trên để làm giảm cảm giác khó chịu khi có nước ở trong tai. Nếu nước vẫn ở trong tai bạn sau 2-3 ngày hoặc nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên đến gặp bác sỹ.

Thông tin thêm trong bài viết: Ráy tai là để bảo vệ thính lực của bạn

Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 02/05/2024

    8 lợi ích tuyệt vời của đi bộ thể dục

    Đi bộ không chỉ là hình thức tập thể dục đơn giản mà hầu hết mọi người đều có thể thực hiện mà còn là một hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 10 lý do khiến bạn muốn bắt đầu ngay hay tiếp tục duy trì hoạt động lành mạnh này:

  • 02/05/2024

    Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già nhờ 8 thói quen lành mạnh

    Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer hiện chưa có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ sớm để giảm nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức khi về già.

  • 01/05/2024

    5 sai lầm phổ biến khi tắm gây hại cho làn da

    Tắm là nhu cầu vệ sinh cơ bản và cần thiết của mỗi con người. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi tắm thường mắc phải một số sai lầm dẫn đến tác hại không hề nhỏ đối với sức khỏe làn da.

  • 01/05/2024

    Tiêu chí lựa chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe

    Dầu ăn là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Khi nấu ăn với dầu hàng ngày, bạn nên lựa chọn dầu ăn đáp ứng được các tiêu chí tốt cho sức khỏe.

  • 01/05/2024

    Những nguy hiểm của thừa cân có thể bạn không biết

    Thừa cân là một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do mất cân bằng dinh dưỡng và lối sống ít vận động, thiếu khoa học. Vấn đề này đang làm suy giảm sự tự tin và đẩy con người ta tiến gần hơn đến các nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

  • 01/05/2024

    5 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường bạn nên biết

    Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh có vai trò quan trọng trong việc điều trị.

  • 30/04/2024

    Sử dụng đồ uống có cồn khi mắc tăng huyết áp cần lưu ý gì?

    Sử dụng đồ uống có cồn là việc khó tránh khỏi khi tham gia các bữa tiệc xã giao. Tuy nhiên, với người bệnh tăng huyết áp, cần uống rượu bia thế nào để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch?

  • 30/04/2024

    Làm sao phòng ngừa suy tim khi có nguy cơ cao mắc bệnh?

    Mới đây, các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu một xét nghiệm máu mới có thể giúp xác định những người có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh suy tim. Vậy nếu là người có nguy cơ cao mắc bệnh, bạn có thể làm gì để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này?

Xem thêm