Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bạch sản

Bạch sản là những nốt trắng, dày ở lưỡi và niêm mạc bên trong má. Hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất nhưng các chất kích thích khác cũng có thể gây ra vấn đề này.

Bạch sản

Bạch sản nhẹ thường không có hại và tự khỏi. Những trường hợp nặng hơn có thể liên quan đến ung thư miệng và cần được điều trị kịp thời.

Khám nha sĩ thường xuyên có thể giúp phòng ngừa tái phát.

Triệu chứng

Bệnh đặc trưng bởi những nốt có hình dạng bất thường bên trong miệng. Những nốt này có thể có hình dạng khác nhau. Thông thường những nốt bạch sản có đặc điểm:

  • Màu trắng hoặc màu xám
  • Dày, cứng và nổi trên mặt da
  • Có lông (chỉ ở bạch sản lông)

Hiếm khi những nốt này có màu đỏ. Màu đỏ có thể là dấu hiệu của ung thư.

Bạch sản thường gặp nhất ở lưỡi. Tuy nhiên, má và lợi cũng có thể bị tổn thương. Các nốt này có thể mất vài tuần để phát triển nhưng chúng không gây đau.

Một số phụ nữ có thể xuất hiện bạch sản ở âm hộ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của bạch sản chưa được biết đến. Tuy nhiên, bạch sản liên quan chủ yếu đến hút thuốc lá. Nhai thuốc lá cũng có thể gây ra bạch sản. Theo Mayo Clinic, ¾ số người hút thuốc lá bị bạch sản một vài lần trong cuộc sống của họ.

Những nguyên nhân khác bao gồm:

  • Cắn vào má
  • Răng gồ ghề, thô ráp
  • Răng giả (đặc biệt là nếu được trồng không phù hợp)

Bạch sản lông

Virus Epstein – Barr là nguyên nhân chính gây ra bạch sản lông. Một khi bạn bị nhiễm virus, nó sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể. Tuy nhiên, virus này có thể gây ra bạch sản lông ở bất kì thời điểm nào. Bệnh dễ bùng phát ở những người bị HIV hoặc các rối loạn miễn dịch khác.

Chẩn đoán

Bạch sản thường được chẩn đoán bằng khám miệng. Nhiều bệnh nhân bị nhầm lẫn với tưa miệng. Tưa là một dạng nhiễm nấm ở miệng và thường mềm hơn so với bạch sản, có thể dễ chảy máu hơn.

Khi thăm khám, bác sĩ có thể chẩn đoán xác định bạch sản. Tuy nhiên, có thể cần làm một số xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân.

Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể cho bạn làm sinh thiết và gửi giải phẫu bệnh để loại trừ ung thư miệng.

Điều trị

Hầu hết những nốt bạch sản có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu kết quả sinh thiết là ung thư miệng, nốt này cần được cắt bỏ ngay lập tức để ngăn chặn sự lan truyền.

Những nốt nhỏ có thể được loại bỏ bằng sinh thiết rộng hơn như sử dụng laser hoặc dao mổ. Những đám bạch sản lớn hơn cần được phẫu thuật.

Bạch sản lông có thể không cần phải cắt bỏ. Nha sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng virus để ngăn chặn sự phát triển của bạch sản. Thuốc mỡ bôi tại chỗ có chứa axit retinoic có thể làm giảm kích thước của bạch sản lông.

Tiên lượng

Hầu hết các trường hợp, bạch sản lông không đe dọa tính mạng. Những nốt này không gây những tổn thương dai dẳng ở miệng, có thể tự khỏi sau một vài tuần tránh các chất kích thích. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau hoặc nốt có hình dạng đáng nghi, bác sĩ có thể cho bạn làm các xét nghiệm để loại trừ:

  • Ung thư miệng
  • HIV/ AIDS

Theo Mayo Clinic, nguy cơ bị ung thư miệng của bạn vẫn tăng cho dù nốt bạch sản đã được lấy bỏ. Có nhiều yếu tố nguy cơ của bạch sản cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư miệng. Ung thư miệng có thể đi kèm với bạch sản.

Phòng bệnh

Nhiều trường hợp bạch sản có thể phòng ngừa được bằng thay đổi hành vi.

  • Không hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu
  • Ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để khử hoạt tính của các chất kích thích có thể gây ra bạch sản: rau chân vịt, cà rốt, bí ngô

Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình bị bạch sản để tránh các nốt này phát triển nặng lên.

Thăm khám định kình có tính chất quyết định vì một khi bạn đã bị bạch sản thì khả năng tái phát rất cao.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Từ bỏ hút thuốc lá không hề dễ dàng

Bs. Thanh Thanh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm