Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nữ sinh 16 tuổi nghiên cứu cơ chế mới giúp ngăn ngừa tự tử

Ở tuổi 16, nữ sinh người Mỹ Natasha Kulviwat đạt Giải thưởng Gordon E. Moore Vì Lợi ích Thế hệ tương lai, nhờ những phát hiện mới có tiềm năng giúp ngăn ngừa hành vi tự tử.

Nghiên cứu về não bộ có thể giúp phát hiện kịp thời các dấu hiệu của người có ý định tự tử.

Natasha Kulviwat, nữ sinh trung học đến từ New York, đã bắt đầu nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Đại học Columbia từ tháng 8 năm ngoái. Kulviwat tìm kiếm các dấu ấn sinh học (biomarker), cả về biểu hiện vật lý lẫn các chất hóa học, trong não của những nạn nhân qua đời vì tự tử .  

Kết quả nghiên cứu của nữ sinh 16 tuổi cho thấy, não bộ của 10 người tự tử có điểm khác biệt với nhóm đối chứng (10 người qua đời vì những nguyên nhân khác). Theo đó, ở người có hành vi tự tử, não có nồng độ cao các cytokine gây viêm.

Cytokine là chất tiết của các tế bào bạch cầu và nội mô trong quá trình viêm, là một phần của đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể bạn cũng có thể tiết ra cytokine trong tình trạng stress mạn tính, dẫn tới hiện tượng viêm nghiêm trọng.

Phản ứng viêm kéo dài trong cơ thể theo thời gian có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực với sức khỏe, dễ dẫn tới bệnh tim mạch, ung thư, bệnh tự miễn. Trong trường hợp này, nghiên cứu của Kulviwat phát hiện, tình trạng viêm ảnh hưởng đến một protein trong não có tên là claudin-5.

Dấu ấn sinh học tại não bộ có thể giúp phát hiện nguy cơ tự tử

Dấu ấn sinh học tại não bộ có thể giúp phát hiện nguy cơ tự tử.

Claudin-5 có trong các tế bào tạo nên hàng rào máu não (blood-brain barrier hay BBB), có nhiệm vụ điều hòa các chất trong máu và tạo môi trường phù hợp cho neuron hoạt động.

Nghiên cứu của Kulviwat phát hiện, não người tự tử có nồng độ claudin-5 cao ở các vùng khác của não như tại các neuron và vi mạch máu. Điều này cho thấy hàng rào BBB đã bị phá hủy, cho phép các hoạt chất lạ trong máu đi vào não và gây độc cho hệ thần kinh. Kết luận đề xuất, nồng độ claudin-5 tăng cao trong não có thể là một dấu ấn sinh học báo hiệu nguy cơ tự tử.

Thành quả nghiên cứu của nữ sinh 16 tuổi đã đem về cho em Giải thưởng Gordon E. Moore Vì lợi ích thế hệ tương lai. Giải thưởng này được đặt theo tên của người đồng sáng lập Tập đoàn Intel. Kulviwat cũng được tài trợ học bổng 50.000 USD tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế Regeneron dành cho học sinh trung học.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, nguy cơ tự tử thường được đánh giá dựa trên tiền sử trầm cảm hoặc các bệnh lý tâm thần khác, hoàn cảnh sống (tuổi thơ, tình trạng thất nghiệp) hoặc các yếu tố tâm lý chủ quan khác. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 700.000 người qua đời do hành vi tự tử mỗi năm. Đây là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng.

Ngoài nghiên cứu của Kulviwat, nhiều nghiên cứu khác cũng đã tìm ra các dấu ấn sinh học có tiềm năng dự đoán hành vi tự tử. Các nhà khoa học mong muốn tìm ra một cơ chế sinh lý học có liên quan tới hành vi này, để có thể dự đoán chính xác đối tượng có nguy cơ tự tử.

Natasha Kulviwat, 16 tuổi, thực hiện nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm Đại học Columbia - Ảnh: Insider

Natasha Kulviwat, 16 tuổi, thực hiện nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm Đại học Columbia.

(Ảnh: Insider)

Chia sẻ với chuyên trang Insider, Kulviwat cho hay, mối quan tâm của em đến chủ đề phòng ngừa tự tử đến từ trải nghiệm tham gia tình nguyện với Quỹ Phòng ngừa Tự tử Mỹ và các sự kiện nâng cao nhận thức, giúp đỡ gia đình có người thân tự tử. Thách thức lớn với nữ sinh trung học này là phải làm việc tại phòng thí nghiệm tới khuya và trong cả những kỳ nghỉ, thay vì dành thời gian cho bạn bè.

Kulviwat vẫn tiếp tục đến trường do chưa tham gia kỳ thi đánh giá năng lực học tập. Trong tương lai, em có ước mơ đỗ trường y, trở thành một bác sỹ nhi khoa hoặc chuyên khoa Tâm thần nhi.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tự tử ở vị thành niên: những điều phụ huynh cần biết.

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm