Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về siêu âm khi mang thai

Siêu âm thai nhi là một xét nghiệm sử dụng sóng âm để biểu thị hình ảnh của em bé trong bụng lên màn hình. Những hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ biết được em bé đang ở tình trạng như thế nào và cũng để bạn có thể thấy nhìn con mình.

Những điều cần biết về siêu âm khi mang thai

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Những điều cần biết về siêu âm khi mang thai

Khi nào nên đi siêu âm thai nhi?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn siêu âm thai bất cứ lúc nào trong thai kì. Thường vào khoảng thời gian từ tuần thứ 16 đến 20 của thai kì. Nhưng bạn có thể đi siêu âm sớm hơn để giúp xác định ngày sinh dự kiến hoặc kiểm tra xem có vấn đề gì đối với sự phát triển của thai nhi hay không. Và có thể bạn sẽ có một lần siêu âm trong giai đoạn cuối thai kì để đảm bảo đủ lượng dịch ối trong tử cung và kiểm tra vị trí của em bé.

Một số phụ nữ siêu âm rất nhiều lần trong quá trình mang thai, một số lại không làm lần nào. Bạn cùng bác sĩ của mình có thể thống nhất số lần siêu âm có lợi nhất cho bạn và em bé.

Siêu âm thai nhi có thể cung cấp những thông tin gì?

Mỗi lần siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định bạn đang ở giai đoạn nào của thai kì. Nó có thể xác nhận lại hoặc cho thấy thay đổi về ngày dự kiến sinh. Siêu âm có thể cho thấy giới tính, nhịp tim, nhịp thở, chuyển động và vị trí của thai nhi trong tử cung. Nhưng nếu thai nhi còn quá nhỏ, siêu âm khó có thể cho thấy những điều này. Siêu âm cũng có thể cho bạn biết nếu bạn mang đa thai.

Bác sĩ sử dụng siêu âm để tìm ra những vấn đề trong quá trình mang thai. Lượng nước ối, kích thước và vị trí của nhau thai, cùng với tình trạng của tử cung và các cơ quan nội tạng khác cũng có thể được kiểm tra. Nếu hình ảnh siêu âm cho thấy một vấn đề nào đó, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác và sau đó quyết định rằng bạn và em bé có cần một sự chăm sóc đặc biệt trong suốt giai đoạn còn lại của thai kì hay không.

Độ chính xác của siêu âm thai nhi?

Không có bất kì xét nghiệm nào là không thể mắc lỗi. Việc siêu âm có thể không tìm ra được vấn đề đang tồn tại trong thai nhi hoặc cho thấy những vấn đề mà thực tế không phải vậy.

Siêu âm thai nhi có an toàn không?

Xét nghiệm siêu âm đã được thực hiện nhiều năm và không có bất kì tác hại nào gây ra cho thai nhi được báo cáo. Tuy nhiên, việc siêu âm không nhằm mục đích y tế thực hiện bởi những doanh nghiệp muốn sử dụng siêu âm để bán những bức ảnh lưu niệm của em bé chưa chào đời có thể là một ý kiến tồi, vì họ có thể đưa ra những thông tin không chính xác. Các doanh nghiệp này có thể sử dụng những kỹ thuật viên không được đạo tạo, cũng như không có sự giám sát của bác sĩ. Vì vậy, các chuyên gia khuyên không nên sử dụng dịch vụ của những doanh nghiệp đó.

Siêu âm ở đâu?

Siêu âm nên được thực hiện trong tại các phòng khám của bác sĩ, trong trung tâm về chẩn đoán hình ảnh hoặc trong bệnh viện. Một bác sĩ hoặc một kỹ thuật viên đã được đào tạo, làm việc dưới sự giám sát của bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm.

Khi siêu âm thai nhi thì cảm thấy như thế nào?

Bạn sẽ nằm trên một bàn có đệm. Trong một lần siêu âm đúng tiêu chuẩn, bác sĩ hoặc kĩ thuật viên sẽ thoa một lớp gel lên bụng bạn và dịch chuyển một thiết bị cầm tay được gọi là đầu dò khắp bụng bạn. Lớp gel sẽ giúp truyền sóng âm từ đầu dò vào trong cơ thể bạn.

Sóng âm gặp các cấu trúc cơ thể bạn và em bé sẽ bị phản lại và đầu dò cũng sẽ nhận những sóng âm phản xạ lại đó. Những sóng âm đó được sử dụng để tạo nên hình ảnh ở trên màn hình TV hoặc trên màn hình máy tính. Vùng trắng và xám trên hình ảnh thể hiện xương và các mô, vùng tối thể hiện các dịch, như nước ối xung quanh em bé. Bạn khó có thể nhận ra em bé trong hình ảnh nên bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ giải thích cho bạn các hình ảnh siêu âm cho thấy gì. Bạn có thể sẽ muốn lấy một vài bản siêu âm để đem về nhà. Xét nghiệm mất khoảng 20 phút hoặc lâu hơn.

Bạn sẽ được yêu cầu giữ cho bàng quang đầy nước tiểu trước và trong khi siêu âm, điểu này có thể gây khó chịu. Bạn sẽ không cảm thấy được sóng âm nhưng sự dịch chuyển của đầu dò có thể gây nên một áp lực nhỏ ở trên bụng. Bạn có thể nghe thấy sóng âm hoặc nhịp tim của em bé thông qua máy tính. Nếu bạn mang thai hơn 18 tuần thì em bé cũng có thể cảm nhận được một số rung động từ thủ thuật này. Nhưng điều này không gây hại cho em bé.

Khi nào thì có kết quả?

 
Một số kết quả siêu âm sẽ có ngay lập tức trong khi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vẫn đang thực hiện siêu âm. Những kết quả khác có thể cần được phân tích bởi bác sĩ nên sẽ mất một tuần hoặc lâu hơn.

Siêu âm thai nhi có hình thức nào nữa không?

Câu trả lời là có. Bạn có thể sử dụng một hình thức siêu âm khác nếu bạn đang có những yếu tố nguy cơ, hoặc nếu bác sĩ cần xem xét kĩ hơn về em bé của bạn. Các hình thức khác bao gồm:

  • Siêu âm đầu dò: Một đầu dò sẽ được đặt ở trong âm đạo hoặc thay vì được xoa trên bụng. Cách này sẽ cung cấp những hình ảnh tốt hơn trong giai đoạn sớm của thai kì vì tử cung vẫn còn nhỏ và gần với âm đạo.
  • Siêu âm Doppler: Hình thức siêu âm này sẽ đánh giá được dòng tuần hoàn máu trong cơ thể em bé có tốt hay không. Nó có thể được sử dụng khi bạn bị cao huyết áp hoặc em bé tăng trưởng chậm hơn so với bình thường. Rất nhiều máy siêu âm có bao gồm hình thức siêu âm Doppler nên bạn có thể có cả hai xét nghiệm cùng một lúc.
  • Siêu âm tim thai: Hình thức siêu âm này sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết hơn về trái tim của em bé. Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra dị tật tim cho thai nhi.
  • Siêu âm 3 chiều (3D): Hình thức này sẽ tạo nên các hình ảnh chân thực hơn so với hình thức siêu âm tiêu chuẩn. Những hình ảnh 3D sẽ giúp các bác sĩ và kỹ thuật viên xem xét kĩ hơn về sự phát triển của thai nhi.
  • Siêu âm 4 chiều (4D): Cũng giống siêu âm 3 chiều nhưng còn có thể ghi lại chuyển động của em bé.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Siêu âm thai nhi: Bao nhiêu lần là đủ?

Bình luận
Tin mới
Xem thêm