Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về nhịp thở ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thở nhanh hơn người lớn, nhưng lại thở chậm hơn khi ngủ. Thở rất nhanh hoặc chậm có thể báo hiệu trẻ bị nhiễm trùng hoặc một tình trạng bệnh nào đó. Khó thở, hoặc suy hô hấp, là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 7% trẻ sơ sinh. Một số dấu hiệu suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bao gồm thở to, lỗ mũi phập phồng, tức ngực và thay đổi màu da hoặc móng tay. Nếu trẻ khó thở không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ biến chứng nặng.

Nhịp thở bình thường của trẻ là bao nhiêu?

Nhịp hô hấp là số lần thở trong một phút và là một trong những dấu hiệu sinh tồn rất quan trọng, cùng với huyết áp, mạch và nhiệt độ. Khi hít vào, oxy đi vào phổi và đi đến các cơ quan. Khi thở ra, carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Nhịp hô hấp bình thường đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng oxy và carbon dioxide. Nhịp thở bình thường của trẻ thay đổi theo từng độ tuổi khác nhau, cụ thể như sau:

  • 0 đến 6 tháng: 30-60 nhịp/phút
  • 6-12 tháng: 24-30 nhịp/phút
  • 1 tuổi đến 5 tuổi: 20-30 nhịp/phút
  • 6 tuổi đến 12 tuổi: 12-20 nhịp/phút
  • 12 tuổi trở lên: 12-20 nhịp/phút.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ hô hấp của trẻ sơ sinh

Nhịp thở nhanh ở trẻ sơ sinh phổ biến hơn nhịp thở chậm. Chứng thở gấp xảy ra do trẻ không có đủ oxy, nhiều vấn đề có thể dẫn đến chứng thở gấp ở trẻ sơ sinh. Một số yếu tố phổ biến bao gồm:

  • Sinh non
  • Sinh mổ
  • Hội chứng hít phân su, xảy ra khi em bé hít phải chất lỏng trong khi sinh
  • Thiểu ối, một tình trạng có ít nước ối trong thai kỳ
  • Nhiễm trùng ở màng thai hoặc nước ối
  • Bệnh tiểu đường thai kỳ ở mẹ

Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp cao hơn so với trẻ nhỏ. Một số nguyên nhân và yếu tố góp phần khác bao gồm:

Nhịp thở nhanh thoáng qua: Thở nhanh là một triệu chứng đường hô hấp, trẻ sơ sinh có nhịp thở không ổn định, lúc nhanh lúc chậm do hệ thống thần kinh điều khiển thở chưa hoàn thiện. Đặc trưng quan trọng của cơn thở nhanh thoáng qua là nhịp thở của trẻ nhanh hơn bình thường.

Viêm phổi: Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường khó nhận biết hơn, nhưng mức độ lại nguy hiểm hơn bởi sức khỏe, sức đề kháng của trẻ còn rất yếu. Do đó, cha mẹ cần nắm vững kiến thức về bệnh viêm phổi để phát hiện sớm và kịp thời chữa trị.

Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh: Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh được định nghĩa là sự thất bại của quá trình chuyển tiếp tuần hoàn trong bào thai thành dòng tuần hoàn bình thường sau khi trẻ chào đời. Đây là một hội chứng đặc trưng bởi huyết áp động mạch phổi cao rõ rệt, các mạch máu phổi không mở đủ rộng có nghĩa là oxy và lưu lượng máu bị hạn chế, dẫn đến một triệu chứng nổi bật là da bé có màu xanh.

Xẹp phổi: Khi không khí tụ lại giữa phổi và thành ngực sẽ khiến phổi khó phồng lên, cản trở quá trình hô hấp. Phổi xẹp có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh bị dị tật phổi hoặc những trẻ đã trải qua chấn thương, chẳng hạn như ngã hoặc tai nạn xe.

Cách đếm nhịp thở của trẻ

Tốt nhất bố mẹ đếm nhịp thở khi đã trẻ ngủ yên, bạn đếm khi trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (dưới 38 độ), kéo áo trẻ lên để quan sát bụng và ngực con. Nếu trẻ không ngủ, thì bố mẹ bế và giữ trẻ ngồi yên, không khóc và không kích thích. Mỗi lần bụng trẻ nhô lên hạ xuống thì được tính là 1 nhịp thở và bố mẹ phải đếm đúng trong vòng 1 phút.

Nếu trẻ thở không đều?

Trẻ có thể ngừng thở trong 5 hoặc 10 giây là bình thường, sau đó lại thở bình thường. Nhưng nếu kéo dài hơn 10 giây hoặc trẻ bắt đầu chuyển sang xanh tím, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Nếu con bạn thở gấp trong khi đang ngủ, đó có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Hội chứng này thường gặp ở trẻ em từ 2 đến 8 tuổi và thường kèm những triệu chứng khác, như ngáy.

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân chính của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là do phổi của trẻ chưa trưởng thành. Trong phế nang của phổi người trưởng thành có chứa chất surfactant - là chất giảm hoạt bề mặt có tác dụng duy trì tính ổn định của phế nang, giúp cho các phế nang không bị xẹp. Vào tuần thứ 20, surfactan ở phổi của bào thai xuất hiện tương đối. Vào tuần thứ 28 - 36, nó phủ vách trong của phế nang và có trong nước ối. Phổi chưa thực sự trưởng thành thì chất giảm hoạt bề mặt sẽ chưa hoàn thiện ở trẻ sinh non. Phế nang sẽ bị xẹp khi thiếu chất này, từ đó dẫn tới hiện tượng tuyết tương tràn vào phế nang. Chất fibrin có trong huyết tương lắng đọng phía trong các phế nang và tiểu phế quản tạo thành lớp màng. Sự lưu thông khí và sự trao đổi oxy bị cản trở bởi các màng này, dẫn tới suy hô hấp và tử vong ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Nếu trẻ có các dấu hiệu sau thì cần nghĩ ngay đến trường hợp trẻ bị suy hô hấp:

  • Rối loạn nhịp thở: Trẻ thở nông, nhanh, không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.
  • Khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng, có tiếng rên thì thở ra.
  • Da tím hoặc tái, xảy ra ở toàn thân hoặc quanh môi và tứ chi.

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Hãy đến cơ sở Y tế để khám cùng bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi khoa trong trường hợp:

  • Trẻ dưới 1 tuổi và thở hơn 60 nhịp/mỗi phút.
  • Trẻ từ 1 đến 5 tuổi và thở hơn 30 nhịp/mỗi phút.

Nếu con bạn lớn hơn thế, hãy gọi bác sĩ nếu bé phải thở hổn hển nhiều hơn bình thường sau khi tập thể dục hoặc thậm chí chỉ trong các hoạt động bình thường. Nếu hơi thở gấp của trẻ liên tục xuất hiện thì bạn cũng nên đưa trẻ đi kiểm tra tại cơ sở y tế. Thở nhanh có thể là một triệu chứng của một số bệnh đường hô hấp và phổ biến nhất là bệnh viêm phổi. Bệnh có thể xảy ra sau khi con bạn bị cảm lạnh hoặc cúm có nguyên nhân từ virus hoặc vi khuẩn. Các triệu chứng của viêm phổi kèm theo: khó thở; thở khò khè; ho.

Kết luận

Nếu lo lắng vì thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trong nhịp thở của trẻ, bố mẹ không nên ngần ngại liên hệ với bác sĩ để xin ý kiến tư vấn. Thở không đều có thể là dấu hiệu nguy hiểm, do đó nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Dưới đây là một số mẹo để bố mẹ theo dõi nhịp thở của trẻ:

  • Theo dõi thường xuyên kiểu thở điển hình của trẻ để bố mẹ có thể xác định chính xác khi trẻ có dấu hiệu lạ trong nhịp thở so với trẻ lúc bình thường.
  • Quay video bé thở mà bố mẹ nghi ngờ là bất thường và đưa cho bác sĩ xem. Nhiều bác sĩ hiện nay có thể sử dụng internet để hỗ trợ và chẩn đoán từ xa, giúp bạn tiết kiệm được thời gian không phải đến trực tiếp cơ sở Y tế.
  • Luôn luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ cho trẻ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và họng.
  • Đôi khi, trẻ thở nhanh do thời tiết quá nóng hoặc tức giận. Bố mẹ hãy cho trẻ mặc quần áo cho bé bằng vải thoáng khí vào mùa hè và giữ trẻ ấm vào mùa đông.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mách mẹ cách nghe nhịp thở phát hiện bệnh hô hấp ở trẻ em

Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Medical News Today) -
Bình luận
Tin mới
  • 06/05/2024

    6 trường hợp khẩn cấp của bệnh Crohn - khi nào cần đến bệnh viện

    Nhận biết các trường hợp khẩn cấp của bệnh Crohn giúp bạn tránh gặp phải tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • 05/05/2024

    6 tình trạng sức khỏe nguy hiểm liên quan đến nắng nóng

    Khi thời tiết nắng nóng, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt sẽ tăng lên. Nếu không được điều trị nhanh chóng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy có phòng ngừa được không?

  • 05/05/2024

    5 biện pháp giảm nồng độ axit uric hiệu quả

    Axit uric là một chất thải tự nhiên được hình thành do sự phân hủy của thực phẩm có chứa purin chúng ta ăn hàng ngày. Sự tích tụ quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh gout và sỏi thận...

  • 05/05/2024

    Top thực phẩm "giải nhiệt" mùa nắng nóng

    Trong mùa hè nắng nóng "khốc liệt", làm mát cơ thể là điều rất quan trọng. Những thực phẩm sau sẽ giải nhiệt cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và giúp bạn khỏe mạnh hơn trong ngày hè.

  • 05/05/2024

    Bệnh Brucellosis

    Brucellosis là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây lan từ động vật sang người. Bạn có thể mắc bệnh brucellosis nếu bạn tiêu thụ sữa, pho mát hoặc các sản phẩm từ sữa khác chưa tiệt trùng từ động vật bị nhiễm bệnh.

  • 04/05/2024

    Bệnh gout có cần tránh ăn cá?

    Người bệnh gout thường được khuyên không nên ăn thực phẩm chứa nhiều purine - hợp chất hóa học có trong các tế bào của cơ thể và trong nhiều loại thực phẩm, trong đó có các loại cá, để phòng ngừa tái phát cơn gout cấp. Nhưng có cần tránh ăn cá hoàn toàn?

  • 04/05/2024

    Giảm cân cấp tốc: Coi chừng loãng xương

    Quá trình giảm cân đem lại nhiều lợi ích với sức khỏe tổng thể, nhưng có thể làm suy giảm mật độ xương. Đặc biệt, giảm cân cấp tốc với chế độ ăn kiêng kham khổ khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ loãng xương cao.

  • 04/05/2024

    Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn uống như thế nào

    Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa là do chế độ ăn uống không hợp lý. Chính vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.

Xem thêm