Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết để sử dụng cốc nguyệt san an toàn

Cốc nguyệt san đang ngày càng trở nên phổ biến hơn và trở thành một sản phẩm an toàn trong ngày “đèn đỏ” của chị em. Mặc dù sử dụng cốc nguyệt san sẽ đi kèm một số nguy cơ, nhưng những nguy cơ này là rất nhỏ và thường rất ít khi xảy ra nếu sử dụng cốc đúng cách. Tuy nhiên, bạn vẫn nên ý thức rằng tất cả các sản phẩm cốc nguyệt san đều đi kèm một số nguy cơ nhất định. Dưới đây là những gì bạn cần biết về việc sử dụng cốc nguyệt san một cách an toàn.

Những nguy cơ của việc sử dụng cốc nguyệt san là gì?

Kích ứng

Kích ứng có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau và trong đa số các trường hợp, đều có thể dự phòng được. Ví dụ, sử dụng một chút dầu bôi trơn khi đưa cốc vào sẽ làm giảm cảm giác khó chịu. Trong nhiều trường hợp, sử dụng chất bôi trơn có nền nước ở phía ngoài cốc có thể dự phòng được tình trạng kích ứng này. Bạn hãy đảm bảo rằng bạn đã đọc hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng để sử dụng đúng cách. Ngoài ra, kích ứng có thể xảy ra nếu bạn sử dụng cốc không đúng cách hoặc cốc không được làm sạch đúng cách giữa những lần sử dụng.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là một biến chứng hiếm gặp của việc sử dụng cốc nguyệt san. Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra, thì thường là do vi khuẩn từ tay lây lan sang cốc chứ không phải là vi khuẩn do bản thân cốc sinh ra. Ví dụ, tình trạng nhiễm nấm và nhiễm khuẩn âm đạo có thể xảy ra nếu vi khuẩn ở âm đạo và độ pH ở âm đạo bị mất cân bằng. Bạn có thể làm giảm nguy cơ này bằng cách rửa sạch tay với nước ấm và xà phòng diệt khuẩn trước khi sử dụng cốc.

Hội chứng sốc nhiễm độc

Hội chứng sốc nhiễm độc là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm và là hậu quả của một số tình trạng nhiễm khuẩn. Hội chứng sốc nhiễm khuẩn sẽ xảy ra khi bị nhiễm khuẩn Staphylococcus hoặc Streptococcus, là những vi khuẩn thường tồn tại tự nhiên trên da, mũi hoặc họng xâm nhập vào các phần khác của cơ thể. Hội chứng sốc nhiễm độc thường liên quan đến việc sử dụng tampon với thời gian dài hơn so với thông thường hoặc sử dụng tampon vượt quá khả năng thấm hút. Bạn có thể làm giảm nguy cơ bị hội chứng sốc nhiễm độc bằng cách: rửa tay sạch với xà phòng và nước ấm trước khi lấy cốc nguyệt san ra hoặc đưa cốc nguyệt san vào; rửa sạch cốc như khuyến nghị của nhà sản xuất, thường là sử dụng nước ấm và một loại xà phòng nhẹ, không mùi, không dầu; sử dụng chất bôi trơn ở phía bên ngoài cốc trước khi đưa vào.

Độ an toàn của cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san thường được cho là an toàn nếu bạn sử dụng sau khi đã rửa tay sạch, lấy cốc ra đúng cách và làm sạch đúng cách. Nếu bạn không thể đảm bảo rằng bạn có thể giữ cốc nguyệt san sạch sẽ, thì bạn nên sử dụng các sản phẩm dùng một lần như băng vệ sinh hoặc tampon.

Những ai không nên sử dụng cốc nguyệt san?

Mặc dù không có hướng dẫn chính thức nào về việc sử dụng cốc nguyệt san, nhưng đa số các nhà sản xuất khuyến cáo có thể sử dụng cốc nguyệt san cho mọi lứa tuổi với mọi kích cỡ. Tuy nhiên, có một số đối tượng nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng:

  • Những người bị chứng co thắt âm đạo, có thể khiến việc đưa cốc nguyệt san vào âm đạo bị đau.
  • U xơ tử cung có thể khiến tình trạng kinh nguyệt nặng hơn và đau vùng chậu.
  • Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến đau khi đến kỳ kinh và khi đưa cốc vào

Mắc phải các tình trạng này không có nghĩa là bạn không thể sử dụng cốc nguyệt san mà chỉ là bạn sẽ bị khó chịu nhiều hơn khi sử dụng.

Sử dụng đúng là như thế nào?

Chọn đúng kích cỡ.

Đa số các nhà sản xuất sẽ có 2 kích cỡ là nhỏ và lớn. Cốc nhỏ thường có đường kính từ 35-43mm ở phần vành cốc, cốc to thường có đường kính phần vành cốc từ 43-48mm. Cốc nhỏ thường sẽ phù hợp nếu bạn chưa bao giờ quan hệ tình dục hoặc thường sử dụng tampon. Nếu bạn đã từng sinh đẻ bằng đường âm đạo hoặc có cơ vùng sàn chậu yếu, thì cốc có kích thước lớn sẽ phù hợp hơn.

Làm sạch cốc trong lần đầu sử dụng

Việc tiệt trùng trước khi sử dụng lần đầu tiên là rất quan trọng. Tiệt trùng bao gồm các bước sau:

  • Nhúng chìm cốc hoàn toàn trong nước sôi từ 5-10 phút
  • Đổ phần nước sôi đi và để cốc khô trong môi trường nhiệt độ phòng
  • Rửa sạch tay với nước ấm và xà phòng diệt khuẩn nhẹ
  • Rửa sạch cốc bằng xà phòng nhẹ, không dầu và xả sạch
  • Lau cốc bằng khăn sạch

Đưa vào đúng cách

Luôn rửa sạch tay trước khi đưa cốc vào. Nên sử dụng chất bôi trơn gốc nước ở bên ngoài cốc để việc đưa vào dễ dàng hơn. Chất bôi trơn gốc dầu có thể sẽ làm giảm chất lượng của một số loại cốc. Khi đưa vào:

  • Nhẹ nhàng gập cốc còn một nửa, một tay cầm phần vành cốc và úp cốc xuống dưới
  • Đưa cốc vào, từ từ đưa vành cốc lên trên. Cốc nguyệt san nên nằm ở dưới cổ tử cung một vài cm/
  • Khi cốc đã ở trong tử cung, hãy xoay cốc lại để tạo ra môi trường chân không
  • Có thể sẽ điều chỉnh một chút để cảm thấy thoải mái.

Lấy cốc ra

Phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt của từng người, bạn có thể thay cốc nguyệt san tối đa là 12 tiếng một lần. Khi lấy cốc ra:

  • Rửa sạch tay bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn
  • Nghiêng ngón trỏ và ngón cái và đưa vào trong âm đạo
  • Túm phần bầu cốc và nhẹ nhàng kéo để lấy cốc ra.
  • Khi đã lấy được cốc ra, đổ cốc trong bồn vệ sinh hoặc toilet
  • Rửa sạch cốc dưới vòi nước chảy và sau đó đưa lại vào trong âm đạo
  • Rửa sạch tay một lần nữa sau khi đã làm xong

Sau khi hết kỳ kinh, bạn nên tiệt trùng cốc với nước sôi từ 5-10 phút.

Bảo quản

Không nên bảo quản cốc ở trong túi kín vì sẽ khiến độ ẩm không bay hơi được. Độ ẩm có thể khiến vi khuẩn và nấm phát triển. Đa số nhà sản xuất sẽ khuyến khích bảo quản trong túi mở. Nếu bạn thấy cốc của mình bị hỏng, mỏng đi, có mùi khó chịu hoặc đổi màu, hãy vứt đi và mua cốc mới. Sử dụng các loại cốc giảm chất lượng có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ. Bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ nếu bạn xuất hiện các vấn đề sau:

  • Ra dịch âm đạo bất thường
  • Đau hoặc sưng vùng âm đạo
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ
  • Có mùi ở khu vực âm đạo.

Nên đi cấp cứu càng sớm càng tốt nếu bạn bị:

  • Sốt cao
  • Chóng mặt
  • Nôn mửa
  • Mẩn đỏ

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Màu sắc kinh nguyệt phản ánh tình trạng sức khỏe

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm