Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhồi máu cơ tim ảnh hưởng đến nhịp tim như thế nào

Nhịp tim của bạn thay đổi thường xuyên và chịu ảnh hưởng của các yếu tố như hoạt động thể lực, nhiệt độ của môi trường, và đặc biệt căn bệnh nhồi máu cơ tim cũng làm thay đổi nhịp tim của bạn.

Tương tự, huyết áp của bạn tăng hoặc giảm trong cơn đau tim cũng phụ thuộc vào các yếu tố như loại bệnh lý của tim, một số hormone bài tiết tác động tới huyết áp. Trong một số trường hợp, nhịp tim lúc nghỉ có thể là một trong những yếu tố dự báo nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, trong khi một số khác lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Cơn nhồi máu cơ tim ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn như thế nào?

Nhịp tim được định nghĩa là số nhịp co bóp của tim trong mỗi phút. Nhịp tim bình thường hoặc nhịp tim lúc nghỉ của người trưởng thành khỏe mạnh là từ 60-100 nhịp/phút. Nhìn chung, nhịp tim càng thấp thì tức là tim đang bơm máu càng hiệu quả.

Nhịp tim khi tập luyện thể thao

Trong khi tập luyện thể thao, nhịp tim sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cung cấp oxy cho cơ bắp. Khi nghỉ ngơi, nhịp tim sẽ chậm lại vì nhu cầu của các cơ bắp lúc này cũng sẽ giảm xuống. Khi bạn ngủ, nhịp tim cũng sẽ chậm lại.

Nhịp tim trong cơn nhồi máu cơ tim

Trong cơn nhồi máu cơ tim, các cơ tim sẽ nhận được ít máu hơn vì một hoặc một vài động mạch cấp máu đến các cơ tim bị tắc nghẽn. 

Nhịp tim là yếu tố không thể dự đoán trước được

Một số loại thuốc có thể làm nhịp tim chậm hơn:

Ví dụ, nếu bạn đang sử dụng các thuốc chẹn beta điều trị các bệnh tim mạch thì nhịp tim của bạn có thể sẽ chậm hơn trong cơn nhồi máu cơ tim. Hoặc nếu bạn mắc một loại rối loạn nhịp tim được gọi là nhịp chậm (tức là bình thường nhịp tim của bạn đã chậm hơn người bình thường) thì cơn nhồi máu cơ tim cũng không thể làm tăng nhịp tim của bạn được. Có một số loại nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến nhịp tim chậm bất thường vì ảnh hưởng đến các tế bào mô điện tim.

Một số yếu tố làm nhịp tim nhanh hơn:

Ngược lại, nếu bạn bị rối loạn nhịp tim theo hướng nhịp nhanh, thì tim bạn có thể vẫn sẽ đập nhanh trong cơn nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, một số loại nhồi máu cơ tim có thể làm nhịp tim tăng lên.  Nếu bạn bị nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn huyết, thì những căn bệnh này có thể làm tăng thêm áp lực lên tim khiến tim đập nhanh, chứ không phải là do tắc nghẽn dòng máu đến tim. Rất nhiều người mắc chứng nhịp tim nhanh sẽ không xuất hiện triệu chứng hoặc biến chứng gì. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên có nhịp tim nhanh, bạn sẽ cần được bác sĩ đánh giá. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có nhịp tim nhanh tại thời điểm họ nhập viện vì nhồi máu cơ tim thường sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Nhịp tim nhanh là một trong số những triệu chứng có thể của tình trạng nhồi máu cơ tim. Nhưng đây thường không phải là triệu chứng duy nhất. Các triệu chứng phổ biến khác của tình trạng nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Đau thắt ngực có cảm giác đau nhói, căng tức hoặc tăng áp lực lên ngực
  • Đau ở cả 2 bên cánh tay, ngực, lưng, cổ, hàm
  • Vã mồ hôi lạnh
  • Khó thở
  • Chóng mặt nhẹ
  • Buồn nôn

Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người thân có thể đang bị nhồi máu cơ tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Bạn càng được chẩn đoán và điều trị sớm, tim bạn càng ít bị tổn thương. Không nên tự lái xe đến phòng cấp cứu nếu đang nghi ngờ mình bị nhồi máu cơ tim.

Các loại nhồi máu cơ tim khác nhau ảnh hưởng đến nhịp tim như thế nào?

Có 3 loại nhồi máu cơ tim chính ảnh hưởng nhịp tim theo 3 cách khác nhau:

  • Nhồi máu cơ tim có ST chênh lên: là một loại nhồi máu cơ tim truyền thống. Trong trường hợp này, động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn
  • Ngồi máu cơ tim không có ST chênh lên: là khi động mạch vành bị tắc nghẽn một phần. Loại NCMT này cũng nguy hiểm những kém hơn ST chênh lên. 
  • Co thắt mạch vành: xảy ra khi các cơ trong một hoặc một vài động mạch vành nhỏ bất ngờ bị co thắt, làm hẹp các mạch máu và hạn chế máu chảy đến tim. Co thắt mạch vành ít nguy hiểm hơn 2 loại NMCT ở trên.

Nhồi máu cơ tim ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Huyết áp là áp lực của máu lên các niêm mạch bên trong các động mạch khi máu di chuyển trong khắp cơ thể. Cũng tương tự như những thay đổi nhịp tim là không thể dự đoán trước được trong cơn nhồi máu cơ tim, thì những thay đổi về huyết áp cũng không thể đoán trước được.

Vì dòng máu nuôi tim bị tắc nghẽn và cơ tim thiếu oxy nên hoạt động kém đi, dẫn đến giảm huyết áp. Cơn nhồi máu cơ tim có thể sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh phó giao cảm, khiến tim và mạch máu thư giãn hơn, gây giảm huyết áp. Ngược lại, đau và căng thẳng do cơn NMCT có thể làm tăng huyết áp trong cơn NMCT.

Các loại thuốc làm giảm huyết áp như thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế ACE cũng có thể làm giảm huyết áp trong cơn NMCT.

Các yếu tố nguy cơ của cơn NMCT

Các yếu tố nguy cơ của cơn NMCT bao gồm nhiều yếu tố, trong đó đa số có thể thay đổi được,  bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Béo phì
  • Tiểu đường
  • Tăng cholesterol
  • Tăng huyết áp
  • Viêm
  • Hút thuốc lá
  • Lối sống tĩnh tại
  • Tiền sử bệnh tim mạch
  • Tiền sử đột quỵ
  • Căng thảng không kiểm soát được.

Lời kết

Mặc dù nhịp tim nhanh lúc nghỉ có thể là yếu tố nguy cơ của cơn NMCT ở một số bệnh nhân nhưng NMCT không phải lúc nào cũng như vậy. Đôi khi, nhịp tim của bạn sẽ chậm lại trong cơn NMCT do các vấn đề với hệ thống điện tim. Tương tự, huyết áp cũng có thể thay đổi hoặc không trong cơn NMCT.

Duy trì một nhịp tim khỏe mạnh lúc nghỉ hoặc huyết áp bình thường lúc nghỉ là hai bước bạn có thể làm được bằng cách kiểm soát lối sống và dùng thuốc (nếu cần). Những cách này sẽ giúp bảo toàn sức khỏe tim mạch của bạn và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nhồi máu cơ tim thường xảy ra vào thời điểm nào?

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm