Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhận biết các triệu chứng cúm

Cách tốt nhất để tránh các triệu chứng cúm là ngăn chặn sự lây lan của virus ngay từ đầu bằng việc tiêm vaccine phòng cúm hàng năm

Cúm là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm là sốt, đau nhức cơ thể và mệt mỏi có thể khiến nhiều người không muốn thực hiện bất cứ hoạt động nào. Các triệu chứng cúm sẽ xuất hiện từ một đến bốn ngày sau khi phơi nhiễm với virus. Chúng thường xuất hiện đột ngột và có thể khá nặng. May mắn thay, các triệu chứng thường biến mất trong vòng một đến hai tuần. Ở một số người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, bệnh cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn. Viêm phổi là một biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh cúm. Viêm phổi có thể đe dọa tính mạng ở những người có nguy cơ cao hoặc nếu không được điều trị.

Các triệu chứng cúm thông thường

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cúm là:

  • sốt trên 38˚C
  • ớn lạnh
  • mệt mỏi
  • đau nhức cơ
  • ăn mất ngon
  • đau đầu
  • ho khan
  • viêm họng
  • chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

Trong khi hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần từ một đến hai tuần sau khi khởi phát, ho khan và mệt mỏi nói chung có thể kéo dài thêm vài tuần nữa. Các triệu chứng khác của bệnh cúm bao gồm chóng mặt, hắt hơi và thở khò khè. Buồn nôn và nôn không phải là triệu chứng phổ biến ở người lớn, nhưng đôi khi chúng cũng xảy ra ở trẻ em.

Các triệu chứng cúm khẩn cấp

Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm bao gồm những người:

  • dưới 5 tuổi (đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi)
  • 18 tuổi trở xuống và đang dùng thuốc có chứa aspirin hoặc salicylate
  • 65 tuổi trở lên
  • đang mang thai hoặc đến hai tuần sau khi sinh
  • có chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất là 40
  • sống trong các viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc mãn tính

Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch do tình trạng sức khỏe hoặc do sử dụng một số loại thuốc cũng có nguy cơ mắc phải các biến chứng của bệnh cúm.

Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nên liên hệ với bác sĩ nếu họ gặp bất kỳ triệu chứng cúm nào. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có tình trạng sức khỏe mạn tính như tiểu đường hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại có thể có các triệu chứng như:

  • khó thở
  • da tím tái
  • đau họng nghiêm trọng
  • sốt cao
  • rất mệt mỏi

Các triệu chứng nghiêm trọng

Bạn nên liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu các triệu chứng cúm:

  • xấu đi
  • kéo dài hơn hai tuần
  • khiến bạn lo lắng
  • đi kèm triệu chứng đau tai hoặc sốt trên 39,4 ° C
Khi nào bạn nên đi cấp cứu?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • khó thở hoặc thở gấp
  • tăng áp lực lên bụng hoặc ngực
  • chóng mặt đột ngột hoặc nghiêm trọng
  • ngất xỉu
  • lú lẫn
  • nôn mửa dữ dội hoặc liên tục
  • các triệu chứng biến mất và sau đó xuất hiện trở lại kèm theo ho và sốt nặng hơn

Khi nào cần cấp cứu cho trẻ sơ sinh và trẻ em?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • thở không đều, chẳng hạn như khó thở hoặc thở nhanh
  • da tím tái
  • không uống đủ nước
  • khó đánh thức, li bì
  • khóc nhiều hơn khi được bế
  • không có nước mắt khi khóc
  • các triệu chứng cúm biến mất nhưng sau đó xuất hiện lại kèm theo sốt và ho nặng hơn
  • sốt đi kèm phát ban
  • chán ăn hoặc không ăn được
  • giảm số lượng tã ướt

Các triệu chứng viêm phổi

Viêm phổi là một biến chứng phổ biến của bệnh cúm. Điều này đặc biệt đúng đối với một số nhóm nguy cơ cao, bao gồm những người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch đã suy yếu. Đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của bệnh viêm phổi, bao gồm:

  • ho dữ dội, nhiều đờm
  • khó thở hoặc thở gấp
  • sốt cao hơn 39˚C kéo dài, đặc biệt nếu kèm theo ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi
  • đau ngực cấp tính
  • ớn lạnh nghiêm trọng hoặc đổ mồ hôi

Viêm phổi không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Điều này đặc biệt đúng ở người lớn tuổi, người hút thuốc lá và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Viêm phổi đặc biệt đe dọa những người bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính.

Điều trị cúm

Không giống như nhiễm trùng do vi khuẩn, virus cúm được điều trị tốt nhất bằng cách nghỉ ngơi. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn sau một vài ngày. Chất lỏng, chẳng hạn như những chất sau đây, cũng hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh cúm:

  • nước
  • trà thảo mộc
  • súp rau củ
  • nước trái cây tự nhiên

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus không thể loại bỏ hoàn toàn bệnh cúm, vì chúng không tiêu diệt virus, nhưng chúng có thể rút ngắn quá trình của virus. Thuốc cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng như viêm phổi. Các thuốc kháng virus kê đơn phổ biến bao gồm:

  • zanamivir (Relenza)
  • oseltamivir (Tamiflu)
  • peramivir (Rapivab)

Thuốc kháng virus phải được dùng trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để có hiệu quả. Nếu chúng được dùng trong khoảng thời gian này, chúng có thể giúp rút ngắn thời gian của bệnh cúm. Thuốc theo đơn cho bệnh cúm thường được cung cấp cho những người có nguy cơ bị biến chứng. Những loại thuốc này có thể mang lại nguy cơ tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn nôn, mê sảng và co giật.

Phòng ngừa bệnh cúm

Cách tốt nhất để tránh các triệu chứng cúm là ngăn chặn sự lây lan của virus ngay từ đầu. Bất kỳ ai từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm hàng năm. Tiêm phòng cúm cũng được khuyến khích cho phụ nữ mang thai. Mặc dù không dự phòng được hoàn toàn nhưng vắc xin cúm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh cúm.

Bạn cũng có thể ngăn ngừa việc mắc và lây lan bệnh cúm bằng cách:

  • tránh tiếp xúc với những người bị bệnh
  • tránh xa những nơi đông người, đặc biệt là vào mùa dịch cúm cao điểm
  • rửa tay thường xuyên
  • tránh chạm vào miệng và mặt, hoặc thức ăn nếu chưa rửa tay
  • che mũi và miệng bằng tay áo hoặc khăn giấy nếu bạn cần hắt hơi hoặc ho

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bệnh cúm ở trẻ: Khi nào cần nhập viện, cách nào phòng ngừa hiệu quả?

Hồng Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm