Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mẹo ngủ sâu, thức giấc tỉnh táo từ bác sĩ khoa cấp cứu

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không ngủ đủ giấc về đêm, dẫn đến uể oải, mệt mỏi khi thức dậy. Hãy tham khảo bí quyết ngủ sâu và tỉnh táo khi thức giấc từ các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu.

Làm thế nào để có giấc ngủ sâu, hạn chế tỉnh giấc bất chợt?

Chia sẻ với CNBC, hai bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu Adaira Landry và Resa E. Lewiss cho hay, đặc thù công việc ca kíp khiến các bác sĩ rất khó có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.

Trong khi đó, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe thể chất, tinh thần và cả cảm xúc của con người. Thiếu ngủ kéo dài là yếu tố dẫn tới nhiều bệnh lý như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, thậm chí là đột quỵ.

PGS.BS. Landry giảng dạy môn Hồi sức cấp cứu tại Trường Y Đại học Harvard, đồng thời công tác tại Bệnh viện Brigham and Women’s. BS Lewiss vừa là tác giả sách, vừa là giảng viên tại Đại học Alabama (Mỹ).

Từ kinh nghiệm cá nhân, hai nữ bác sĩ gợi ý bí quyết giúp họ tận dụng tối ưu thời gian nghỉ ngơi để thức giấc một cách tỉnh táo và sẵn sàng cho công việc:

Giảm ánh sáng trong phòng ngủ

Sử dụng băng bịt mắt giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn

Sử dụng băng bịt mắt giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn.

Phòng ngủ tối giúp tạo ra cảm giác thư giãn, kích thích não bộ tiết ra hormone melatonin nhằm điều hòa chu kỳ thức ngủ. Bạn có thể dùng rèm kín hoặc mặt nạ che mắt để tạo môi trường lý tưởng cho giấc ngủ.

Giảm nhiệt độ khi ngủ

Phòng ngủ mát mẻ giúp cơ thể duy trì thân nhiệt ổn định, nhờ đó bạn có giấc ngủ sâu hơn. Tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều có thể cản trở giấc ngủ.

Hạn chế ăn uống gần giờ đi ngủ

Đi ngủ khi bụng đang no căng là thói quen không tốt cho tiêu hóa, có thể dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Các bác sĩ cấp cứu thường phải ăn uống theo lịch trực ca kíp, nhưng họ sẽ cố gắng ăn vài tiếng trước giờ đi ngủ.

Thay vì ăn đêm, hai vị bác sĩ này gợi ý dùng thức uống ấm hoặc thức uống ở nhiệt độ phòng như trà hoa cúc, trà thảo mộc không chứa caffeine.

Tắm nước ấm

Sau ca trực, BS. Landry và Lewiss thường đi tắm để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, mồ hôi bám trên cơ thể. Ngoài ra, tắm nước ấm còn giúp giảm thân nhiệt lõi, đưa ra tín hiệu để cơ thể chuẩn bị đi vào giấc ngủ ngon.

Sử dụng mùi hương thư giãn

Tinh dầu oải hương có khả năng cải thiện giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn mỗi đêm

Tinh dầu oải hương có khả năng cải thiện giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn mỗi đêm.

Cá nhân hai nữ bác sĩ khoa cấp cứu ưa thích mùi hoa oải hương và khuynh diệp. Nghiên cứu chứng minh rằng tinh dầu oải hương đem lại cảm giác thư thái và có hiệu quả trợ giúp bạn đi vào giấc ngủ. Tinh dầu khuynh diệp còn có khả năng thông mũi tự nhiên, có lợi cho người hay bị nghẹt mũi về đêm.

Bạn có thể xịt lượng nhỏ tinh dầu lên ngực, cổ hoặc gối nằm để tận hưởng mùi hương thư giãn.

Duy trì thói quen tập thể dục

Hoạt động thể chất đều đặn đem lại lợi ích to lớn với giấc ngủ. Tuy nhiên, bạn nên tránh thực hiện các bài tập cardio cường độ cao trong vòng 1 tiếng trước giờ đi ngủ để có giấc ngủ sâu. Thay vào đó, hãy chọn các bài tập nhẹ nhàng với chuyển động chậm rãi, vừa đủ để cơ bắp mỏi, nhưng không làm nhịp tim tăng và đổ mồ hôi.

Sử dụng âm thanh kích thích giấc ngủ

Các tiếng ồn chủ động như tiếng ồn trắng, tiếng quạt hay tiếng mưa rơi có thể át đi những âm thanh dễ làm bạn tỉnh giấc bất chợt.

Dùng nệm thoải mái

Hai vị bác sĩ khuyến nghị, để ngủ ngon, bạn nên chọn một tấm nệm thoải mái và giữ cột sống thẳng khi nằm. Ngoài ra, nên chọn chăn ga, đồ ngủ làm từ chất liệu phù hợp, giúp bạn không bị đổ mồ hôi hay rét run khi ngủ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những mẹo giúp bạn ngủ ngon hơn.

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm