Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mẹo duy trì chỉ số SpO2 trong máu khỏe mạnh

SpO2 được coi là một trong các chỉ số quan trọng để xác định dấu hiệu sinh tồn của cơ thể con người. SpO2 là gì và làm thế nào để duy trì mức SpO2 luôn khỏe mạnh?

Duy trì sự cân bằng SpO2 trong máu có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe con người.

Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen - độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Chỉ số SpO2 chính là thước đo lượng oxy đang được vận chuyển bởi các tế bào hồng cầu và duy trì sự cân bằng SpO2 trong máu có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe con người.

Trong điều trị, các bác sĩ thường theo dõi chặt chẽ chỉ số này để phát hiện nhanh chóng những bất thường khi có sự thiếu hụt oxy trong máu của bệnh nhân, từ đó giúp xử lý và điều trị kịp thời, tránh biến cố đáng tiếc xảy ra.

Những đối tượng cần phải theo dõi kỹ chỉ số SpO2 là những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, trẻ sơ sinh bị sinh non, người bị suy tim, suy hô hấp, hen phế quản, rối loạn nhịp tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn, trụy mạch, sốc, tụt huyết áp, người mắc bệnh nặng cần phải hồi sức như nhược cơ, đột quỵ não, chấn thương tủy cổ có kèm theo liệt cơ hô hấp…

Chỉ số SpO2 ở người bình thường sẽ dao động ở mức 95 - 100%. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng máu thiếu oxy.

Cách duy trì chỉ số SpO2 khỏe mạnh

Duy trì hoạt động thể chất

Tập thể dục hàng ngày giúp giữ mức SpO2 ổn định

Tập thể dục hàng ngày giúp giữ mức SpO2 ổn định.

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp tim và phổi khỏe mạnh mà còn giúp cơ thể bạn sử dụng oxy hiệu quả hơn. Kết hợp các hoạt động aerobic như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe vào thói quen hàng ngày để tăng cường sức khỏe tim mạch.

Tập thở sâu

Các bài tập thở sâu như thở cơ hoành hoặc thở mím môi, có thể cải thiện chức năng phổi và tăng lượng oxy hấp thu. Những kỹ thuật này giúp tối đa hóa sự trao đổi oxy trong phổi.

Ăn mật ong

Theo chuyên gia dinh dưỡng Arushi Gupta, Trường Cao đẳng Y tế và Bệnh viện Dayanand, Ấn Độ, mật ong được biết đến với tác dụng làm tăng nồng độ oxy máu và rất quan trọng trong y học Ayurveda do đặc tính kháng khuẩn. Bạn có thể uống mật ong pha với nước chanh ấm vào buổi sáng, thêm vào các món bánh hoặc ướp gia vị cho món ăn.

Uống đủ nước

Cung cấp đủ nước cho cơ thể rất quan trọng để duy trì nồng độ oxy trong máu. Cố gắng uống đủ nước hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng mất nước tác động tiêu cực đến mức SpO2.

Tránh hút thuốc và hút thuốc thụ động

Hút thuốc làm tổn thương phổi và làm giảm lượng oxy mà phổi có thể hấp thu. Nếu bạn hút thuốc, hãy bắt đầu tập bỏ thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động vì có thể gây hại cho sức khỏe hệ hô hấp.

Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân có thể gây căng thẳng cho hệ hô hấp và ảnh hưởng đến lượng oxy máu. Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp cải thiện chức năng phổi và mức SpO2 tổng thể.

Ăn trái cây họ cam quýt

Trái cây họ cam quýt như cam, chanh, quất, quýt, bưởi... không chỉ chứa nhiều vitamin C mà còn nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, tăng tuần hoàn và ngăn ngừa cục máu đông.

Tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí

Ô nhiễm trong nhà và ngoài trời có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe hệ hô hấp. Bất cứ khi nào có thể, hãy giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường, giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường sống xung quanh sạch sẽ, đảm bảo nhà được thông gió tốt.

Kiểm soát tình trạng sức khỏe mạn tính

Nếu đang có một số vấn đề sức khỏe như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn hoặc ngưng thở khi ngủ, bạn cần quản lý các tình trạng này một cách hiệu quả và đến khám bác sĩ theo hướng dẫn. Việc kiểm soát tốt các tình trạng này có thể cải thiện đáng kể mức SpO2.

Thư giãn

Căng thẳng và lo âu có khả năng ảnh hưởng đến nhịp thở và nồng độ oxy máu. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc chánh niệm để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng quát.

Theo dõi mức SpO2

Bạn có thể đầu tư mua một thiết bị cầm tay đo nồng độ oxy trong máu (máy đo SpO2) giúp bạn theo dõi độ bão hòa oxy của mình. Việc giám sát thường xuyên chỉ số SpO2 có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 5 cách giúp cải thiện nồng độ oxy trong máu tại nhà.

Nguyễn Thanh - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm