Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào để tăng số lượng hồng cầu?

Số lượng tế bào hồng cầu thấp có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và suy nhược. Khi một người có số lượng hồng cầu và lượng hemoglobin thấp, cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để có đủ oxy cho các tế bào khác.

Khi một người không có đủ tế bào hồng cầu hoạt động, họ sẽ bị thiếu máu. Số lượng hồng cầu thấp có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng sức khỏe. Có một số thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống mà mọi người có thể thực hiện để giúp cơ thể tăng số lượng hồng cầu. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, bạn cần trợ giúp của các bác sĩ.

Triệu chứng của tình trạng giảm hồng cầu

Hồng cầu là thành phần phổ biến nhất của máu người. Các tế bào chứa hemoglobin, một loại protein mang oxy đi khắp cơ thể. Hemoglobin cũng chịu trách nhiệm về màu đỏ của máu. Giảm hồng cầu có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • mệt mỏi
  • chóng mặt
  • hụt hơi
  • tim đập nhanh

Thiếu máu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Nguyên nhân gây số giảm hồng cầu

Một số tình trạng y tế có thể khiến bạn bị giảm hồng cầu bao gồm:

  • lượng sắt trong máu thấp
  • ung thư
  • phương pháp điều trị ung thư
  • bệnh thận mạn tính
  • bệnh hồng cầu hình liềm
  • mất máu
  • suy cơ quan lớn

Suy dinh dưỡng cũng có thể khiến một người có số lượng hồng cầu thấp. Tủy xương liên tục sản xuất hồng cầu. Nếu cơ thể không nhận được nguồn cung cấp thường xuyên các chất dinh dưỡng cần thiết, các tế bào hồng cầu có thể bị dị dạng hoặc chết đi nhanh hơn tốc độ cơ thể thay thế chúng.

Ai có thể bị giảm hồng cầu?

Bất cứ ai cũng có thể phát triển bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, một số người có thể có nguy cơ phát triển tình trạng này cao hơn, bao gồm:

  • phụ nữ mang thai
  • những người có chu kỳ kinh nguyệt nặng nề
  • người trên 60 tuổi
  • trẻ nhỏ
  • những người dùng thuốc làm loãng máu

Kinh nguyệt ra nhiều có thể gây thiếu máu thiếu sắt do lượng máu mất đi nhiều hơn, nhưng thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ thường là kết quả của việc thiếu sắt trong chế độ ăn. Thiếu máu cũng thường gặp ở trẻ nhỏ. Điều này cũng thường là do chế độ ăn uống của trẻ thiếu chất sắt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng trên toàn cầu, 42% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Người lớn tuổi cũng có thể có số lượng hồng cầu thấp do suy dinh dưỡng. Những người theo chế độ ăn kiêng hạn chế để giảm cân cũng có nguy cơ bị số lượng hồng cầu thấp, điều này là phổ biến ở phụ nữ trẻ. 

Chế độ ăn giúp tăng cường số lượng tế bào hồng cầu

Số lượng hồng cầu thấp thường xảy ra khi một người không ăn đủ chất dinh dưỡng thiết yếu. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hơn có thể cung cấp cho cơ thể các công cụ cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu. Mọi người cũng có thể bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết này, mặc dù tốt nhất là nên lấy chất dinh dưỡng từ thực phẩm trong chế độ ăn uống. 

Sắt

Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất. Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin, có chức năng lưu trữ oxy trong các tế bào máu. Nếu không có sắt, các tế bào này có thể chết hoặc không thể gửi oxy đi khắp cơ thể. Ăn thực phẩm có nhiều chất sắt có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng thiếu máu và nuôi dưỡng máu. Các nguồn chất sắt tốt bao gồm:

  • rau chân vịt
  • đậu xanh
  • khoai tây
  • đậu hũ
  • đậu trắng
  • đậu lăng
  • ngũ cốc
  • gan
  • thịt bò
  • động vật có vỏ
  • cá ngừ
  • cá mòi

Vitamin B12

Vitamin B12 rất quan trọng đối với chức năng não và tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Mức vitamin B12 thấp có thể ngăn không cho hồng cầu trưởng thành hoàn toàn. Sự thiếu hụt B12 có thể gây ra sự phát triển của các tế bào hồng cầu bất thường được gọi là nguyên bào khổng lồ, có thể dẫn đến tình trạng mà các bác sĩ gọi là thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Vitamin B12 liên kết với protein trong thực phẩm và xuất hiện tự nhiên trong thịt đỏ, cá và động vật có vỏ. Các sản phẩm từ sữa như sữa và pho mát cũng chứa vitamin B12.

Vitamin B9

Vitamin B9 còn được gọi là axit folic, hoặc folate. Nó là một chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ thần kinh. Folate cũng giúp tạo ra các tế bào mới trong cơ thể. Những người có lượng folate thấp có thể bị thiếu máu. Thực phẩm giàu axit folic bao gồm:

  • gan bò
  • măng tây
  • bắp cải Brucxen
  • rau xanh lá, chẳng hạn như rau bina và cải xanh
  • cam và nước cam
  • đậu phộng
  • đậu 
  • bánh mì và ngũ cốc các loại

Vitamin C

Mặc dù vitamin C không ảnh hưởng trực tiếp đến tế bào hồng cầu, nhưng nó vẫn rất quan trọng vì giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt hơn. Sắt làm tăng khả năng tạo ra hồng cầu của cơ thể. Vitamin C có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm:

  • trái kiwi
  • ớt đỏ và xanh
  • bông cải xanh
  • dâu tây
  • cà chua
  • cam
  • bưởi

Đồng

Đồng là một khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể sử dụng sắt trong máu. Nếu bị thiếu đồng, cơ thể của bạn có thể gặp khó khăn. Các loại thực phẩm sau đây là nguồn cung cấp đồng dồi dào:

  • hạt điều
  • hạt hướng dương
  • hạt mè
  • khoai tây
  • nấm
  • đậu xanh
  • đậu hũ
  • gan bò
  • động vật có vỏ

Vitamin A

Vitamin A có thể giúp cơ thể sử dụng sắt tốt hơn bằng cách giúp nó di chuyển thành hemoglobin trong hồng cầu. Các loại thực phẩm có thể cung cấp vitamin A bao gồm:

  • khoai lang
  • cà rốt
  • rau xanh đậm
  • bông cải xanh
  • bí đao
  • một số loại trái cây, bao gồm dưa đỏ, mơ và xoài
  • dầu gan cá
  • gan bò
  • một số loại cá, bao gồm cả cá hồi

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống đơn giản có thể có tác động đáng kể đến số lượng tế bào hồng cầu của một người.

Giảm uống rượu

Có thể hữu ích nếu loại bỏ hoặc giảm đồ uống có chứa cồn khỏi chế độ ăn uống, vì uống quá nhiều rượu có thể làm giảm số lượng hồng cầu của một người. 

Tập thể dục

Tập thể dục vừa phải có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nó đặc biệt quan trọng để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Tập thể dục mạnh mẽ liên tục làm tăng nhịp tim, tăng nhu cầu oxy của cơ thể và não. Đây là lý do tại sao tim đập nhanh hơn, và phổi thở sâu hơn. Nhu cầu oxy này kích thích cơ thể sản xuất nhiều hemoglobin hơn. Tập thể dục thường xuyên cùng với một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng có nghĩa là tủy xương có công cụ tốt nhất để tạo ra các tế bào máu đỏ. Các bài tập có thể bao gồm:

  • đi bộ
  • chạy bộ
  • đạp xe đạp
  • bơi lội

Tuy nhiên, nếu bạn không có thời gian để tập luyện thể dục hàng ngày, ngay cả các hoạt động bình thường như đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đi dạo hoặc làm vườn cũng có thể được tính vào tập thể dục hàng ngày hoặc hàng tuần. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên bạn nên tham gia 150 phút các hoạt động thể lực mức độ vừa mỗi tuần.

Tổng kết, giảm số lượng hồng cầu, còn được gọi là thiếu máu, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng của cơ thể xung quanh hệ thống tim mạch, có thể gây ra mệt mỏi, chóng mặt và tim đập nhanh. Dạng thiếu máu phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt. Điều này có thể do mất máu, suy dinh dưỡng hoặc các vấn đề về thận. Trẻ em, người mang thai và người lớn tuổi có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt cao nhất. Mức hồng cầu trong máu cao hoặc thấp có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Một người có thể quản lý số lượng hồng cầu của họ thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và trong một số trường hợp, sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Vai trò quan trọng của tế bào hồng cầu trong hệ thống miễn dịch của con người

Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Tổng hợp từ Medical News Today) -
Bình luận
Tin mới
  • 02/05/2024

    8 lợi ích tuyệt vời của đi bộ thể dục

    Đi bộ không chỉ là hình thức tập thể dục đơn giản mà hầu hết mọi người đều có thể thực hiện mà còn là một hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 10 lý do khiến bạn muốn bắt đầu ngay hay tiếp tục duy trì hoạt động lành mạnh này:

  • 02/05/2024

    Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già nhờ 8 thói quen lành mạnh

    Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer hiện chưa có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ sớm để giảm nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức khi về già.

  • 01/05/2024

    5 sai lầm phổ biến khi tắm gây hại cho làn da

    Tắm là nhu cầu vệ sinh cơ bản và cần thiết của mỗi con người. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi tắm thường mắc phải một số sai lầm dẫn đến tác hại không hề nhỏ đối với sức khỏe làn da.

  • 01/05/2024

    Tiêu chí lựa chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe

    Dầu ăn là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Khi nấu ăn với dầu hàng ngày, bạn nên lựa chọn dầu ăn đáp ứng được các tiêu chí tốt cho sức khỏe.

  • 01/05/2024

    Những nguy hiểm của thừa cân có thể bạn không biết

    Thừa cân là một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do mất cân bằng dinh dưỡng và lối sống ít vận động, thiếu khoa học. Vấn đề này đang làm suy giảm sự tự tin và đẩy con người ta tiến gần hơn đến các nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

  • 01/05/2024

    5 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường bạn nên biết

    Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh có vai trò quan trọng trong việc điều trị.

  • 30/04/2024

    Sử dụng đồ uống có cồn khi mắc tăng huyết áp cần lưu ý gì?

    Sử dụng đồ uống có cồn là việc khó tránh khỏi khi tham gia các bữa tiệc xã giao. Tuy nhiên, với người bệnh tăng huyết áp, cần uống rượu bia thế nào để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch?

  • 30/04/2024

    Làm sao phòng ngừa suy tim khi có nguy cơ cao mắc bệnh?

    Mới đây, các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu một xét nghiệm máu mới có thể giúp xác định những người có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh suy tim. Vậy nếu là người có nguy cơ cao mắc bệnh, bạn có thể làm gì để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này?

Xem thêm