Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào để biết em bé bị quá nóng?

Mùa hè chắc chắn là mùa nóng bức nhất trong năm và nóng bức đến đâu cũng phụ thuộc nhiều vào địa điểm bạn sinh sống. Do vậy, với các bậc phụ huynh, hẳn sẽ quan tâm đến việc giữ em bé luôn mát mẻ khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao.

Quá nóng không chỉ khiến em bé cảm thấy không thoải mái. Trong khi ngủ, quá nóng còn có thể làm tăng nguy cơ hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS) hoặc các nguy cơ khác như nổi mẩn. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị quá nóng

Khi đánh giá xem trẻ có bị quá nóng hay không, hãy sử dụng các giác quan của bạn. Chạm vào da và quan sát xem mặt trẻ có bị đỏ hoặc trẻ có dấu hiệu khó chịu hay quấy khóc hay không.

Bạn cũng nên nhớ rằng, một số dấu hiệu của việc trẻ bị quá nóng sẽ giống với triệu chứng trẻ bị sốt hoặc mất nước. Do trẻ nhỏ sẽ không ra mồ hôi nhiều như người lớn, nên trẻ vẫn có thể bị quá nóng trong khi bạn không thấy trẻ ra nhiều mồ hôi.

Các dấu hiệu quá nóng ở trẻ bao gồm:

  • Sờ vào trẻ thấy nóng (có thể kèm theo sốt hoặc không)
  • Trẻ trông đỏ bừng ở mặt
  • Trẻ vã mồ hôi hoặc tóc ướt vì mồ hôi
  • Trẻ quấy khóc, không yên
  • Tim đập nhanh
  • Trẻ mệt mỏi, lờ đờ, yếu, không tỉnh táo
  • Trẻ buồn nôn, nôn mửa

Nhiệt độ lý tưởng cho trẻ sơ sinh là bao nhiêu?

Thân nhiệt tiêu chuẩn của trẻ sơ sinh là khoảng 36.4 độ C. Thân nhiệt của trẻ có thể thay đổi, tùy thuộc vào:

  • Thời điểm trong ngày
  • Trẻ đang mặc những gì
  • Bạn đo nhiệt độ cho trẻ bằng đường nào (nhiệt độ trực tràng hay đo ở trán)

Không giống như người lớn, trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tự điều hòa thân nhiệt. Do vậy, với trẻ nhỏ có thân nhiệt trên 38 độ C sẽ được coi là sốt và sẽ đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ dưới 3 tháng. Quá nóng khác với sốt mặc dù 2 hiện tượng này đều là tăng thân nhiệt.

Làm thế nào để trẻ không bị quá nóng?

Lý tưởng nhất, bạn nên giữ nhiệt đô phòng của bạn từ 20-22 độ C, và không cao hơn 23,8 độ C. Nhiệt độ này phù hợp cho cả mùa đông và mùa hè. Khi mặc quần áo cho bé, hãy lưu ý đến việc bạn mặc như thế nào sẽ thoải mái khi đi ngủ, thì bé cũng sẽ cần phải mặc như thế. Mặc quá nhiều lớp vào mùa đông có thể dẫn đến tình trạng quá nóng.

Trong thời tiết nóng bức

Tất nhiên, trong những tháng mùa hè, rất khó để duy trì nhiệt độ môi trường lý tưởng cho trẻ, đặc biệt là nếu trẻ đi ra ngoài. Dưới đây là những cách giúp giữ trẻ luôn mát mẻ:

  • Giảm nhiệt độ phòng xuống dưới 23,8 độ C. Nếu bạn không có điều hòa, bạn có thẻ sử dụng quạt, nhưng đừng để quạt thổi thẳng vào em bé ở tốc độ cao nhất. Hãy để quạt quay hoặc dừng nhưng không thổi thẳng vào trẻ để không khí trong phòng có thể lưu thông.
  • Tránh không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 11h trưa đến 5h chiều, kể cả việc cho trẻ ngồi dưới cửa kính có nắng
  • Nếu phòng không thể mát hơn, bạn có thể cân nhắc đến việc cho trẻ ngủ tạm ở một không gian/phòng nào đó mát hơn. Hoặc, đóng hết tất cả các rèm cửa để hơi nóng không bị hấp thụ vào nhà và cho trẻ mặc thoáng mát
  • Cân nhắc đến việc đi ra khỏi nhà đến các địa điểm khác mát mẻ hơn, đặc biệt là nếu nhà bạn không có điều hòa, ví dụ như đến các cửa hàng, siêu thị, thư viện…
  • Không để trẻ một mình trong ô tô mà không có sự giám sát của người lớn. Kể cả trong những ngày mát mẻ, hơi nóng cũng có thể tích tụ lại rất nhanh trong ô tô và dẫn đến nhiều vấn đề khác ngoài việc gây nóng, ví dụ như đột quỵ tim hoặc tử vong.

Khi thời tiêt lạnh.

Kể cả khi trời lạnh, trẻ vẫn có nguy cơ bị quá nóng do mặc quá nhiều lớp, đắp quá nhiều chăn. Theo nghiên cứu năm 2017, quá nóng trong những tháng mùa đông là một trong số những nguyên nhân hang đầu gây ra hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh.

Dưới đây là những lưu ý để trẻ không bị quá nóng vào mùa đông:

  • Mặc cho trẻ giống như cách bạn mặc cho chính mình khi đi ngủ. Chỉ cho trẻ mặc thêm một lớp hoặc đăp thêm 1 lớp chăn cho trẻ để giữ ấm
  • Tương tự nếu như cho trẻ đi ô tô. Không nên quấn trẻ quá nhiều lớp chăn khi đi ô tô, đặc biệt là nếu ô tô có hệ thống sưởi. Bạn cũng nên cởi bớt áo khoác ngoài của trẻ trước khi cho trẻ lên ô tô
  • Bỏ bớt chăn đệm ở nôi của bé bởi chúng có thể dẫn đến hiện tượng quá nóng hoặc làm cho bé ngạt thở.
  • Không để bé ngủ quá gần các máy sưởi, nguồn nhiệt nóng.

Làm mát em bé như thế nào?

  • Đưa em bé đến một phòng khác trong nhà
  • Cởi bỏ bớt các lớp áo và thay thế bằng các loại áo mỏng, nhẹ, thoáng, khô
  • Cho bé tắm nước ấm hoặc đắp khăn mát lên da của bé
  • Cho bé bú hoặc uống nước

Nguy cơ của việc quá nóng

Quá nóng đầu tiên có thể sẽ khiến trẻ mất ngủ, khó chịu. Các nguy cơ khác bao gồm:

  • Mẩn đỏ: tình trạng này đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ bị nóng quá. Mẩn đỏ có thể nổi ở các nếp gấp da, quanh cổ và ở mông
  • Sốc nhiệt: trẻ có thể vã rất nhiều mồ hôi, mạch nhanh hoặc yếu hoặc rất nóng hay rất lạnh, da dính nhớt. Sốc nhiệt có thể là một tình trạng cấp cứu. Nếu trẻ nôn mửa, bạn nên gọi cấp cứu ngay
  • Mất nước: nếu thân nhiệt của trẻ tăng cao, trẻ có thể ra rất nhiều mồ hôi, mất nước và mất các chất điện giải. Các triệu chứng bao gồm khóc không có nước mắt, giảm số lần đi tiểu (thay ít bỉm/tã hơn) và lờ đờ mệt mỏi
  • Hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh: cùng với việc cho trẻ nằm ngửa, bạn cũng nên lưu ý đến việc cho trẻ mặc thế nào khi ngủ. Mặc quá nhiều lớp, quấn nhiều lớp hay đắp nhiều chăn có thể làm trẻ tăng thân nhiệt và có nguy cơ tử vong trong khi ngủ.
Khi nào cần gọi bác sĩ?

Rất khó để phân biệt giữa tình trạng quá nóng và sốt. Khi bạn nghi ngờ, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Nếu trẻ dưới 3 tháng và có thân nhiệt trên 38 độ C, hãy gọi bác sĩ hoặc đưa trẻ đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cũng nên gọi cho bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Trẻ lờ đờ, khó đánh thức
  • Trẻ quấy khóc
  • Trẻ nôn mửa, không ăn/uống như bình thường
  • Trẻ khóc không ngừng
  • Trẻ co giật, có hành vi bất thường
  • Trẻ không hạ thân nhiệt khi bạn đã áp dụng các biện pháp ở trên.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trẻ mọc răng muộn có sao không?

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm