Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dính thắng lưỡi ở trẻ nhỏ: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Dính thắng lưỡi ở trẻ là một tình trạng bẩm sinh và có thể dẫn đến hạn chế chuyển động ở lưỡi.

Dính thắng lưỡi xảy ra khi dây hãm (dây thắng lưỡi) quá ngắn hoặc quá chặt, khiến lưỡi dính vào sàn của miệng. Tình trạng này sẽ làm hạn chế chuyển động tự do của lưỡi và có thể dẫn đến các vấn đề về bú mẹ, nói và ăn uống. Dính thắng lưỡi là tình trạng có thể điều trị được, càng can thiệp sớm, kết quả đầu ra sẽ càng được cải thiện.

Dấu hiệu và triệu chứng của dính thắng lưỡi

Trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi thường sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Phần da dính dưới lưỡi trông dày hoặc mỏng hơn bình thường
  • Không thể thè lưỡi ra ngoài kể cả khi đã mở miệng
  • Không thể uốn lưỡi lên phần vòm miệng
  • Lưỡi không thể di chuyển sang 2 bên được
  • Đầu lưỡi thường sẽ có hình chữ V, hình trái tim, bè phẳng hoặc hình vuông

Nếu lưỡi của trẻ bị dính chặt vào sàn miệng thì trẻ sẽ khó có thể ngậm được núm vú chặt và đúng cách. Mẹ có thể sẽ quan sát được các dấu hiệu dính thắng lưỡi dưới đây của trẻ.

  • Thường xuyên ngậm núm vú và nhả ra, lặp lại nhiều lần
  • Có âm thanh phát ra khi ngậm núm vú hoặc khi đang bú
  • Không tăng cân hoặc tăng rất ít cân
  • Sụt cân
  • Dễ bị mệt hoặc buồn ngủ trong khi bú sữa.

Mẹ của trẻ bị dính thắng lưỡi cũng sẽ gặp các vấn đề sau đây nếu trẻ bị dính thắng lưỡi bú mẹ hoàn toàn:

  • Đau núm ti khi cho con bú
  • Núm vú nhăn lại, nhão ra sau khi cho con bú
  • Ít sữa
  • Tắc ống dẫn sữa hoặc viêm vú

Trẻ bú bình bị dính thắng lưỡi cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Nuốt vào nhiều không khí
  • Dễ bị mệt khi uống sữa
  • Chảy nước dãi hoặc sữa rỉ ra quanh miệng khi uống.

Tuy nhiên, những dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể cho thấy các vấn đề khác ở vùng hàm mặt, ví dụ như sứt môi hoặc các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Dính thắng lưỡi cần phải được điều trị sớm để tránh biến chứng. Do vậy, bạn nên liên lạc ngay với bác sĩ nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng trên ở trẻ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của tình trạng dính thắng lưỡi

Nguyên nhân chính xác của tình trạng dính thắng lưỡi ở trẻ hiện chưa rõ. Các yếu tố về di truyền có thể đóng vai trò nhất định vì những trẻ bị dính thắng lưỡi thường cũng có tiền sử gia đình mắc phải các vấn đề này. Các yếu tố khác bao gồm các yếu tố về gen, ví dụ như sứt môi hở hàm ếch cũng sẽ đi kèm với tình trạng dính thắng lưỡi. Tuy nhiên, dính thắng lưỡi cũng có thể xảy ra ở cả những trẻ không có tiền sử gia đình.

Không có yếu tố nguy cơ rõ ràng dự đoán tình trạng dính thắng lưỡi ở trẻ. Tuy nhiên, trẻ trai thường sẽ có nguy cơ bị dính thắng lưỡi cao hơn ở trẻ gái.

Điều trị dính thắng lưỡi

Các cách tiếp cận điều trị dính thắng lưỡi có thể sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc dính thắng lưỡi và trình độ của từng bác sĩ. Một số bác sĩ sẽ muốn điều trị ngay, một số khác có thể sẽ muốn chờ đợi nếu tình trạng dính thắng lưỡi không gây ra vấn đề sức khoẻ gì. Các trường hợp dính thắng lưỡi nhẹ thường sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên.

Dính thắng lưỡi nặng ảnh hưởng đến việc bú mẹ của trẻ sẽ cần điều trị ngay. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Cắt thắng lưỡi

Đây là một thủ thuật rất đơn giản và có thể được tiến hành tại phòng khám tai mũi họng hoặc trong phòng chăm sóc sau sinh. Bác sĩ sẽ dùng kéo đầu tròn, đã được tiệt trùng để cắt thắng lưỡi. Thủ thuật này rất nhanh và có thể chỉ khiến bé chảy vài giọt máu. Thủ thuật này cũng không cần phải gây tê vì thường sẽ có rất ít đầu dây thần kinh và mạch máu ở thắng lưỡi. Sau khi cắt thắng lưỡi, bác sĩ sẽ khuyến khích cho bé bú vì sữa mẹ được coi là một chất giảm đau và kháng khuẩn. Ở một số trẻ, thắng lưỡi sau khi cắt sẽ lại phát triển trở lại và sẽ cần phải cắt lại.

Tạo hình thắng lưỡi

Đây là thủ thuật phức tạp hơn thủ thuật cắt thắng lưỡi và thường sử dụng với trẻ có thắng lưỡi dày hoặc những trẻ có thắng lưỡi phát triển lại nhiều lần. Trẻ sẽ được gây mê và tiến hành phẫu thuật để cắt và tách thắng lưỡi dày. Sau đó vết thương được khâu lại và trẻ sẽ phải nằm viện điều trị trong vài ngày. Tạo hình thắng lưỡi cũng có thể sử dụng laser để phẫu thuật. Phẫu thuật laser sẽ ít gây chảy máu và sẽ không cần phải khâu.

Trong những trường hợp hiếm gặp, phẫu thuật có thể sẽ gây chảy máu nhiều, nhiễm khuẩn hoặc sẹo. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc bé sau phẫu thuật để giúp trẻ lấy lại được khả năng ăn uống bình thường.

Biến chứng của dính thắng lưỡi

Dính thắng lưỡi không được điều trị, đặc biệt là nếu tình trạng dính thắng lưỡi gây cản trở quá trình ăn uống và bú mẹ của trẻ có thể sẽ dẫn đến các biến chứng dưới đây:

  • Khó bú mẹ, khó bú bình
  • Khó nhai thức ăn
  • Không tăng đủ cân
  • Sụt cân
  • Chậm phát triển
  • Răng mọc bất thường, không đều
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Các vấn đề về ngôn ngữ, từ đó có thể dẫn đến các vấn đề về xã hội và phát triển

Các câu hỏi thường gặp

1. Trẻ bao nhiêu tuổi có thể cắt thắng lưỡi?

Cắt thắng lưỡi nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi sinh hoặc bất cứ thời điểm nào, phụ thuộc vào thời điểm phát hiện ra bệnh

2. Dính thắng lưỡi có phổ biến không?

Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến khoảng 4-10% số trẻ em

3. Trẻ có thể tự khỏi mà không cần cắt không?

Thắng lưỡi thường sẽ tự di chuyển tụt lại khi trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Dính thắng lưỡi có thể tự khỏi ở những trẻ bị nhẹ

4. Trẻ có thể không phẫu thuật mà vẫn sinh hoạt bình thường không?

Có, một số trẻ bị dính thắng lưỡi không triệu chứng và không gây ra vấn đề gì về ăn uống. Trong những trường hợp như vậy, trẻ có thể vẫn sinh hoạt bình thường mà không cần phẫu thuật.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Lưỡi bản đồ là gì?

Bình luận
Tin mới
Xem thêm