Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm sao để tránh méo miệng, đột quỵ trong ngày trời lạnh?

Đợt rét đậm, rét hại bất thường vào cuối tháng 2 làm tăng nguy cơ đột quỵ, méo miệng nếu bạn không giữ ấm cơ thể đúng cách.

Giữ ấm cơ thể đúng cách trong thời tiết lạnh để phòng đột quỵ, liệt dây thần kinh số 7.

Đột quỵ tăng cao trong thời tiết lạnh

Tăng huyết áp trong thời tiết rét đậm, rét hại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Theo các chuyên gia, khi thời tiết chuyển lạnh, cơ thể sẽ tăng tiết chất catecholamine trong máu, làm mạch máu co lại. Khi đó, áp lực trong lòng mạch sẽ tăng lên, đồng thời làm giảm lưu lượng máu tới não. 2 yếu tố này sẽ khiến huyết áp tăng cao đột ngột, kéo theo nguy cơ tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não).

Những đối tượng có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột về thời tiết, nên dễ gặp phải các biến cố như đột quỵ não hơn người khỏe mạnh.

Thời gian vàng với người bệnh đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ. Bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Méo miệng – Triệu chứng báo hiệu liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số 7 gây triệu chứng méo miệng, liệt một bên mặtLiệt dây thần kinh số 7 gây triệu chứng méo miệng, liệt một bên mặt.

Khi trời rét kéo dài, người dân - đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ - cần đề phòng tình trạng liệt dây thần kinh số 7 (còn gọi là liệt mặt ngoại biên). Đây là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt.

Bệnh gây ra biểu hiện méo miệng, miệng xệ một bên; Mặt người bệnh không tự nhiên, bị lệch một bên, khó biểu hiện cảm xúc; Không nhắm mắt chặt lại được… Các triệu chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và việc giao tiếp, sinh hoạt của bệnh nhân.

Trong các nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7, nhiễm lạnh đột ngột là nguyên nhân thường gặp nhất trong thời tiết lạnh giá ở miền Bắc. Triệu chứng liệt mặt, méo miệng do lạnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người già. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khá đột ngột sau một đêm ngủ dậy và không có dấu hiệu báo trước.

Liệt dây thần kinh số 7 không nguy hiểm đến tính mạng, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ hoặc điều trị sớm có thể hồi phục sau 10 - 20 ngày. Trường hợp điều trị muộn, không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng, nghiêm trọng nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được.

Khi phát hiện ra những triệu chứng như liệt mặt, méo miệng, gia đình cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Phòng ngừa đột quỵ, méo miệng trong thời tiết rét đậm

Giữ ấm chân và phần đầu, cổ trong thời tiết rét đậm, rét hại

Giữ ấm chân và phần đầu, cổ trong thời tiết rét đậm, rét hại.

Để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh đột quỵ khi trời trở lạnh, đặc biệt trong thời tiết rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp, tim mạch cần kiểm soát tốt huyết áp bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị và theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên.

Người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Các gia đình nên thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên các món ăn nóng sốt và hạn chế rượu bia.

Để phòng ngừa tình trạng liệt dây thần kinh số 7, người dân cần giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, ngay cả khi nằm ngủ. Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm khoảng 10 - 15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài.

Khi trời trở lạnh, người dân cần tránh tới nơi gió lùa, không tắm quá muộn, đi đường xa phải che chắn kỹ vùng đầu và cổ, đeo khẩu trang. Không để trẻ nhỏ ngồi phía trước xe gắn máy, xe đạp khi di chuyển ngoài trời.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cẩn trọng - Bỗng nhiên liệt mặt, méo miệng khi trời lạnh đột ngột.

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm