Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Kinh nguyệt vón cục có đáng lo?

Bạn có thể lo lắng nếu thấy cục máu đông trong máu kinh, nhưng điều này là hoàn toàn bình thường. Các cục máu đông là một hỗn hợp của các tế bào máu, mô từ niêm mạc tử cung và các protein trong máu giúp điều hòa dòng chảy của nó.

Máu kinh có vón cục có phải là tình trạng bệnh lý?

Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy một khối máu kinh dày, có kết cấu đặc, nhưng trong hầu hết các trường hợp, đây là một phần tự nhiên của kinh nguyệt.

Cục máu đông là một phần tự nhiên trong cơ chế bảo vệ của cơ thể. Kết cấu đặc, giống như thạch của cục máu đông giúp ngăn máu kinh thoát ra quá nhiều. Đây là chức năng đông máu tương tự xảy ra ở những nơi khác trong cơ thể, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết rách. Kinh nguyệt vón cục thường xảy ra khi lượng kinh nguyệt ra nhiều. Tình trạng này phổ biến hơn trong 2 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt, thường là giai đoạn nặng nhất của kỳ kinh. Cục máu đông thường có màu đỏ đậm. Nhiều cục máu đông lớn hơn có thể trông có màu đen.

Khi nào cục máu đông có thể xuất hiện?

Cục máu đông xảy ra khi niêm mạc tử cung bong ra làm tăng lượng máu. Khi máu đọng lại trong tử cung hoặc âm đạo, nó bắt đầu đông lại, giống như ở vết thương hở trên da. Độ đặc của máu kinh thay đổi trong suốt thời kỳ kinh nguyệt và từ kỳ kinh này sang kỳ kinh khác.

Mọi người có thể gặp tình trạng kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông trong một tháng và lượng kinh nguyệt nhẹ hơn không có cục máu đông vào tháng tiếp theo. Sự thay đổi này là tự nhiên và những thay đổi có thể xảy ra do các yếu tố chế độ ăn uống và lối sống.

Nguyên nhân xuất hiện cục máu đông

Trong thời kỳ kinh nguyệt, các tế bào nội mạc tử cung sẽ tách ra và rời khỏi cơ thể. Khi đó, cơ thể giải phóng các protein khiến máu trong tử cung đông lại. Sự đông máu này ngăn không cho các mạch máu trong niêm mạc tử cung tiếp tục chảy máu. Khi dòng chảy nhiều nhất, các protein đông máu trong máu có thể bắt đầu kết tụ lại với nhau, dẫn đến kinh nguyệt vón cục. Điều này thường xảy ra khi máu kinh nguyệt đọng lại trong tử cung hoặc âm đạo trước khi ra khỏi cơ thể.

Một số tình trạng bệnh có thể làm tăng lượng máu đông trong kỳ kinh nguyệt

Mặc dù cục máu đông xuất hiện trong kỳ kinh nguyệt là bình thường, nhưng triệu chứng này đôi khi có thể báo hiệu một vấn đề y tế. Bạn nên đi khám nếu cục máu đông có những dấu hiệu sau:

  • cục máu đông có kích thước rất lớn
  • xảy ra thường xuyên
  • dòng chảy nhiều bất thường khiến bạn thay băng vệ sinh ít nhất 1-2 giờ một lần
  • đau bụng dữ dội

Các tình trạng sau đây có thể gây ra cục máu đông bất thường:

  • Polyp tử cung hoặc u xơ tử cung

Sự tắc nghẽn trong tử cung có thể khiến nó không thể co bóp như bình thường, có nghĩa là nó không thể đẩy máu kinh ra ngoài nhanh chóng như bình thường. Máu sẽ rời khỏi cơ thể chậm hơn nên sẽ có nhiều thời gian để đọng lại và tạo thành cục. Sự tắc nghẽn cũng có thể gây ra dòng chảy nặng hơn, dẫn đến máu tụ nhiều hơn.

Tắc nghẽn có thể xảy ra do sự phát triển trong tử cung. Chúng bao gồm polyp tử cung và u xơ tử cung, không phải là ung thư nhưng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nếu không được quản lý thích hợp. Polyp tử cung và u xơ bao gồm nội mạc tử cung hoặc mô cơ phát triển trong thành tử cung. Chúng có thể gây ra các triệu chứng như đau lưng dưới dai dẳng, đau khi quan hệ tình dục, đầy hơi, gặp vấn đề sinh sản,...

  • Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau và kinh nguyệt ra nhiều. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng khiến các mô của niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Sự bất thường này có thể dẫn đến một số triệu chứng, có thể tồi tệ hơn vào khoảng thời gian hành kinh. Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường bao gồm đau ở vùng xương chậu hoặc lưng dưới, kinh nguyệt ra rất nhiều hoặc rong kinh, đau bụng kinh nghiêm trọng, khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục, gặp vấn đề sinh sản,...

  • Sự mất cân bằng nội tiết tố

Sự cân bằng của các hormone trong cơ thể là điều cần thiết để duy trì một tử cung khỏe mạnh. Nếu mức độ của các hormone bị mất cân bằng, nhiều vấn đề có thể xảy ra, bao gồm kinh nguyệt nhiều hoặc đông máu.

  • Sẩy thai

Trong quá trình sẩy thai, hoặc sót thai, người phụ nữ thường sẽ sản sinh ra một số lượng lớn các cục máu đông, tùy thuộc vào giai đoạn của thai kỳ. Sẩy thai đôi khi có thể xảy ra trước khi một người biết rằng họ có thai, vì vậy họ có thể nhầm sẩy thai sớm với chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.

  • Tử cung mở rộng

Sau khi mang thai, tử cung của một người thường vẫn lớn hơn một chút so với trước đây. Tử cung mở rộng cũng có thể do các vấn đề về cấu trúc, chẳng hạn như u xơ tử cung. Sẽ có thêm không gian để máu đọng lại, điều này có thể dẫn đến nhiều máu đông hơn trước khi chúng được tống ra khỏi cơ thể.

  • Rối loạn chảy máu

Một số rối loạn chảy máu có thể là nguyên nhân dẫn đến lượng kinh nguyệt ra nhiều, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các protein đông máu mà niêm mạc tử cung cần để cầm máu kinh. Các rối loạn như rối loạn chức năng tiểu cầu hoặc bệnh von Willebrand (VWD) có thể gây ra kinh nguyệt nhiều bất thường.

Kinh nguyệt vón cục là bình thường và thường là một triệu chứng của kinh nguyệt ra nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn thấy lượng máu đông nhiều hoặc xuất hiện cùng với các triệu chứng khác, cần đi khám càng sớm càng tốt. Có một số nguyên nhân khác nhau dẫn đến kinh nguyệt bất thường. Bác sĩ có thể giúp tìm ra những cách hiệu quả để điều trị các vấn đề cơ bản và kiểm soát các cục máu đông thường xuyên hoặc lớn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Thế nào là một kỳ kinh nguyệt bình thường?

 

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Tổng hợp từ Medical News Today) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm