Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những xét nghiệm máu cần thiết cho người trên 50 tuổi

Tuổi trung niên là giai đoạn dễ xuất hiện những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể sớm phát hiện và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số xét nghiệm mà những người trên 50 tuổi không nên bỏ qua.

Những xét nghiệm máu cần thiết cho người trên 50 tuổi

Loại virus gây tỷ lệ tử vong cao trong dân số Mỹ có lẽ sẽ khiến bạn hết sức ngạc nhiên: Đó là virus viêm gan C. Số liệu khảo sát gần đây của CDC cho thấy số ca tử vong do viêm gan C vào năm 2014 là rất cao với 19.659 ca. Do căn bệnh này thường không có biểu hiện gì nên hầu hết người bệnh đều không biết đến sự tồn tại của virus cho tới khi làm xét nghiệm máu. Trên thực tế, CDC ước tính rằng gần một nửa trong số 3,5 triệu người Mỹ đang chung sống với viêm gan C không hề biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị bệnh có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan, suy gan và cuối cùng là tử vong.

May mắn là chỉ bằng một xét nghiệm máu đơn giản, bạn có thể biết được mình có bị nhiễm virus hay không. Trong trường hợp kết quả là dương tính, bác sỹ sẽ có kế hoạch điều trị hiệu quả để giúp kiểm soát bệnh, ngăn không cho virus nhân lên và đe dọa tính mạng người bệnh.

Dưới đây là các xét nghiệm máu thiết mà bất cứ ai đến tuổi 50 đều không nên bỏ qua. Tuy không phải ai cũng cần thực hiện tất cả những xét nghiệm này, song việc tiến hành định kỳ các xét nghiệm này có thể giúp cứu tính mạng của bạn.

Xét nghiệm glucose máu để chẩn đoán tiểu đường

Nếu bạn bị thừa cân, cao huyết áp và có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, bạn sẽ thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao và cần thiết phải xét nghiệm nồng độ đường huyết. Theo U.S. Preventive Services Task Force (USPSTF), xét nghiệm glucose máu nên được thực hiện cho đối tượng từ 40-70 tuổi đang bị thừa cân hay béo phì.

Tần suất tiến hành xét nghiệm định kỳ sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nguy cơ của từng cá nhân. Nếu đường huyết của bạn tương đối ổn định mặc dù bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn sẽ chỉ cần làm xét nghiệm định kỳ 1-2 năm/ 1 lần.

Xét nghiệm mỡ máu

Cholesterol là một chỉ số xét nghiệm nằm trong xét nghiệm lipid máu. UPSTF khuyến cáo tất cả nam giới trên 35 tuổi cũng như nữ giới trên 45 tuổi thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nên thực hiện xét nghiệm này.

Tần suất thực hiện xét nghiệm này sẽ phụ thuộc vào tình hình sức khỏe về tổng thể của bạn. Nếu bạn thuộc nhóm có chỉ số cholesterol máu cao và ngay cả khi đang sử dụng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, bạn vẫn nên kiểm tra mỡ máu 1 lần/năm để chắc chắn rằng thuốc điều trị vẫn đang phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ số cholesterol của bạn nằm tại ngưỡng hay nếu bạn có bệnh mắc kèm như tiểu đường, nguy cơ gặp phải những vấn đề về tim mạch của bạn sẽ tăng cao và cần thiết phải tiến hành theo dõi các chỉ số mỡ máu thường xuyên hơn, thậm chí hàng tháng.

Xét nghiệm phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Thông thường khi qua độ tuổi 50, bác sỹ sẽ hỏi bạn về những thay đổi trong đời sống tình dục và khuyến cáo một số xét nghiệm để phát hiện nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Đừng quá ngại ngùng bởi mặc dù tỷ lệ mắc các bệnh này trong số những người cao tuổi tương đối thấp nhưng chúng lại đang có xu hướng tăng lên. Tuổi thọ con người ngày càng cao hơn, chúng ta ngày càng sống khỏe mạnh hơn và tất nhiên thì không thể thiếu đời sống tình dục. Do vậy, việc thực hiện các xét nghiệm này là hết sức cần thiết để đảm bảo rằng bạn luôn có một sức khỏe tốt để tận hưởng cuộc sống.

Xét nghiệm hormone TSH để chẩn đoán suy giáp

Suy giáp là một căn bệnh khá phổ biến đối với những người cao tuổi, và các triệu chứng bệnh thường rất khó để chẩn đoán chính xác. Cảm giác mệt mỏi toàn thân và thiếu năng lượng của suy giáp cũng khá giống với tình trạng mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Mặc dù USPSTF cho rằng vẫn chưa đủ các bằng chứng khoa học để khuyến cáo tất cả mọi người nên kiểm tra chức năng tuyến giáp nhưng theo các chuyên gia, đây là một xét nghiệm mà người cao tuổi nên thường xuyên thực hiện. Nếu kết quả cho thấy nồng độ hormon kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu bạn tăng cao thì điều đó có nghĩa là bạn đang có biểu hiện của suy giáp.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Kết quả xét nghiệm máu: Những điều cần biết

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm