Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

HPV ở miệng những điều bạn cần biết

HPV là một loại virus sinh u nhú ở người, được biết đến là một tác nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. Nhưng liệu bạn có biết HPV cũng xuất hiện ở miệng không?

HPV ở miệng những điều bạn cần biết

Những typ HPV nguy cơ cao có thể gây ra ung thư cổ tử cung. Chúng được tìm thấy ở gần 75% tất cả những trường hợp nhiễm HPV. Những typ nguy cơ thấp thường tự biến mất mà không cần điều trị hoặc các bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn để điều trị các mụn cóc.

HPV là một tác nhân phổ biến nhất trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở Mỹ. Hầu hết những người trong độ tuổi hoạt động tình dục đều sẽ nhiễm HPV một vài lần trong đời. Có hơn 100 typ đã được tìm ra và có khoảng hơn 40 chủng có ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục và họng miệng. HPV lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp da - da.

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm HPV ở cơ quan sinh dục thông qua quan hệ tình dục. Nếu bạn quan hệ bằng đường miệng, bạn có thể bị nhiễm ở miệng, họng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu  HPV ở miệng những điều bạn cần biết

Triệu chứng

HPV ở miệng thường không có triệu chứng. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không nhận thấy biểu hiện nhiễm trùng và ít thực hiện các biện pháp để hạn chế lây nhiễm. Ở một số trường hợp, nó có thể gây ra các mụn cóc ở họng, miệng nhưng thường ít phổ biến.

Những loại HPV này có thể gây ra ung thư miệng họng, bao gồm lưỡi, amidan và thành họng. Những triệu chứng ở giai đoạn đầu bao gồm:

  • Khó nuốt
  • Đau tai kéo dài
  • Ho ra máu
  • Sụt cân
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau họng kéo dài
  • Sưng vùng má
  • Các khối u vùng cổ
  • Khàn tiếng

Nếu bạn chú ý thấy bất kì triệu chứng nào nêu trên và bạn nghĩ rằng mình bị nhiễm HPV, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân

HPV miệng xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước ở miệng và thường gặp do quan hệ tình dục đường miệng. Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định chính xác cách thức lây nhiễm của HPV miệng. Các chuyên gia mới chỉ tiến hành một vài nghiên cứu để tìm ra con người bị nhiễm HPV như thế nào nhưng kết quả còn nhiều trái ngược.

Thực trạng nhiễm HPV

Ước tính có khoảng 79 triệu người Mỹ hiện đang bị nhiễm HPV và khoảng 14 triệu người mắc mới mỗi năm. Có khoảng 7% người Mỹ trong độ tuổi 14-69 bị nhiễm HPV miệng. Số người bị nhiễm HPV miệng đang tăng dần trong 3 thập kỉ qua và gặp ở nam giới nhiều hơn.

Khoảng 2/3 số người bị ung thư miệng họng có tìm thấy sự xuất hiện của HPV. Hầu hết liên quan đến HPV typ 16, là một typ nguy cơ cao. Ung thư miệng họng khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% những người bị nhiễm HPV typ 16. Có ít hơn 15.000 người bị ung thư hầu họng có HPV dương tính mỗi năm.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nguy cơ của HPV miệng bao gồm:

Quan hệ tình dục bằng đường miệng, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình. Nếu bạn có hơn 20 bạn tình, thì nguy cơ nhiễm HPV miệng của bạn là khoảng 20%.

Hút thuốc lá: hơi thuốc lá nóng sẽ khiến bạn dễ bị xước niêm mạc miệng, tạo điều kiện cho HPV xâm nhập.

Uống rượu: bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu bạn vừa hút thuốc vừa uống rượu.

Hôn: cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định mối liên quan với sự lây nhiễm HPV đường miệng.

 
Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng họng. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi do khối u cần nhiều năm để phát triển.

Chẩn đoán

Không có xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định nhiễm HPV miệng. Bác sĩ của bạn có thể tìm ra tổn thương thông qua sàng lọc ung thư hoặc bạn có thể chú ý thấy những tổn thương trước khi đến gặp bác sĩ.

Nếu bạn có nhiều tổn thương, bác sĩ có thể cần làm sinh thiết và làm giải phẫu bệnh để xác định các tế bào ung thư và sự có mặt của HPV. Nếu HPV tồn tại trong bệnh phẩm thì ung thư sẽ dễ đáp ứng với điều trị hơn.

Điều trị

Hầu hết các typ HPV miệng có thể tự khỏi trước khi gây ra bất kì các vấn đề sức khỏe nào. Nếu bạn xuất hiện các mụn cóc ở miệng do HPV, bác sĩ có thể sẽ cần lấy bỏ chúng. Mụn cóc thường ít đáp ứng với các thuốc bôi tại chỗ vì thuốc khó tiếp cận được tới tổn thương. Vì vậy, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp sau:

  • Phẫu thuật để cắt bỏ
  • Liệu pháp đông lạnh
  • Tiêm interferon alfa – 2B (Intron A, Roferon – A)

Nếu bạn phát triển ung thư miệng họng thì sẽ có nhiều giải pháp điều trị, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, vị trí của khối u và nó có liên quan đến HPV hay không. Những bệnh nhân bị ung thư miệng họng có HPV dương tính sẽ có tiên lượng tốt hơn và ít nguy cơ tái phát so với các trường hợp ung thư không do HPV. Các biện pháp điều trị bao gồm hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc phối hợp các phương pháp.

Phòng bệnh

Hầu hết các cơ quan y tế không khuyến cáo sàng lọc HPV miệng. Thay đổi lối sống có thẻ là một trong những phương pháp dễ dàng nhất để phòng HPV.

Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể áp dụng:

  • Hạn chế số lượng bạn tình
  • Yêu cầu bạn tình xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Sử dụng bao cao su bất cứ khi nào quan hệ tình dục
  • Đến bác sĩ để kiểm tra răng miệng 6 tháng/ lần để phát hiện các tổn thương bất thường, đặc biệt là nếu bạn có quan hệ bằng đường miệng
  • Tạo thói quen tự kiểm tra các bất thường ở miệng mỗi khi há miệng
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ bằng được miệng

Vaccin

Vaccin phòng HPV bao gồm 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng. Bạn sẽ cần tiêm đủ 3 mũi để đạt được hiệu quả phòng bệnh. Những vaccin này không phòng được những loại ung thư miệng họng có liên quan đến HPV nhưng nó là cách tốt nhất để bạn tự bảo vệ mình.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Virus HPV và những điều cần biết
Bình luận
Tin mới
Xem thêm