Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hội chứng chuyển hóa

“Hội chứng chuyển hóa” (HCCH) là thuật ngữ dùng để chỉ những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.

Hội chứng chuyển hóa

Theo trực giác của bản thân, tất cả chúng ta gần như đều biết rằng tình trạng béo phì, tăng huyết áp, cholesterol máu cao là không tốt. Chúng ta cũng biết rằng đề kháng insulin thường có trước tiểu đường type 2 và bản thân nó đã là một tình trạng bệnh lý quan trọng cần thiết phải được điều trị. Bản thân những ai đang đọc bài viết này đều có biết một ai đó bị mắc chứng dư cân, tăng huyết áp, hoặc có cholesterol máu hơi cao. Họ có thể là những người anh em chị em của bạn, cha mẹ bạn, những người hàng xóm hay chính là bạn. Người thầy thuốc cần biết rằng, một bệnh nhân đã có 1 yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch thì nên tìm xem có các yếu tố nguy cơ khác kèm theo hay không, các bệnh nhân này cần phải được giáo dục và tư vấn để thay đổi các  thói quen có hại cho sức khỏe và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch cần phải được điều trị tích cực. Người bệnh cần hiểu rằng việc điều trị các yếu tố nguy cơ  là rất quan trọng, trước khi chúng gây tác hại cho sức khỏe. Việc tư vấn của người thầy thuốc diễn ra trong khoảnh khắc tại cơ sở y tế trong khi việc thực hiện theo tư vấn cần phải được bệnh nhân áp dụng trong đời thường, gần như suốt cả cuộc đời của họ. Cần phải bắt đầu bằng lựa chọn thực phẩm và tăng cường vận động.

1. Hội chứng chuyển hóa là gì?

HCCH bao gồm 1 nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp lại trên một người bệnh:

a. Tình trạng béo bụng

b. Rối loạn lipid máu (là tình trạng rối loạn các chất béo trong máu như triglycerid máu cao, HDL-C máu thấp, LDL-C cao, tạo nên mảng xơ vữa ở thành động mạch)

c. Tăng huyết áp

d. Tình trạng kháng insulin hoặc không dung nạp đường (là tình trạng cơ thể không thể sử dụng insulin và đường một cách hiệu quả)

e. Tình trạng tiền đông máu (tăng fibrinogen và chất ức chế plasminogen hoạt hóa PAI-1 cao trong máu)

g. Tình trạng tiền viêm (CRP tăng cao trong máu)

2. Hội chứng chuyển hóa có thường gặp không?

Khoảng 20-30% dân số của các nước phát triển mắc hội chứng này. Năm 2010, số người mắc căn bệnh này tại Mỹ được ước tính là vào khoảng 50-70 triệu người.

3. Làm thế nào để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa?

Theo Hội Tim mạch Hoa kỳ và Viện nghiên cứu Tim-Phổi-Huyết học, HCCH được chẩn đoán khi người bệnh có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:

  1. Nam có vòng bụng ≥ 102 cm, nữ có vòng bụng ≥ 88cm.
  2. Triglycerid máu ≥ 150 mg/dl
  3. HDL-C < 40mg/dl (nam) và <50mg/dl (nữ)
  4. Tăng huyết áp ≥ 130/85 mmHg
  5. Tăng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl.

4. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Nguyên nhân

HCCH có liên quan tới tình trạng đề kháng insulin. Insulin là một hormone do tụy sản xuất ra có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.

Bình thường thức ăn được tiêu hóa thành đường (glucosse). Glucose này được máu mang tới các tổ chức của cơ thể, ở đó các tế bào sử dụng glucose làm nguồn năng lượng. Glucose này vào được trong tế bào là nhờ insulin. Ở người có đề kháng insulin, glucose không thể vào tế bào một cách dễ dàng. Cơ thể phản ứng bằng cách sản suất nhiều hơn các insulin (thường là loại kém phẩm chất) để giúp glucose vào tế bào. Kết quả là nồng độ insulin tăng cao trong máu. Tình trạng này đôi khi dẫn đến tiểu đường khi tuyến tụy không có khả năng tiết đủ insulin để điều chỉnh đường huyết về mức bình thường.

Ngay cả khi mức glucose trong máu chưa đủ cao tới mức được coi là tiểu đường thì nồng độ glucose máu tăng lên vẫn có thể có hại. Trong thực tế, các bác sĩ gọi đây là tình trạng “tiền tiểu đường”. Nồng độ insulin máu tăng lên sẽ làm tăng triglycerrid máu và các chất béo khác. Tất cả các yếu tố đó ảnh hưởng tới thận và làm cho huyết áp cao hơn lên.Tất cả các tác hại do hiện tượng kháng insulin gây ra trên đây gây ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh khác.
Các nhà nghiên cứu vẫn còn đang đi tìm nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin. Có thể do gen và do một số yếu tố từ môi trường gây ra, đặc biệt là tình trạng thừa cân và lối sống tĩnh tại thiếu vận động.
Không phải tất cả các chuyên gia đều nhất trí định nghĩa về HCCH hoặc thậm chí coi đó là tình trạng bệnh lý riêng biệt. Các nhà y học đã nói về hội chứng này từ nhiều năm nay với nhiều tên gọi như hội chứng X, hội chứng đề kháng insulin.

Yếu tố nguy cơ mắc HCCH

- Tuổi. Nguy cơ mắc HCCH tăng lên với tuổi, tỷ lệ mắc bệnh < 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên đến 40% ở lứa tuổi 60. Tuy nhiên, các dấu hiệu báo trước HCCH có thể thấy ở tuổi niên thiếu.
- Chủng tộc. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước nói tiếng Tây Ban Nha, người châu Á dường như hay có nguy cơ mắc HCCH hơn các chủng tộc khác.
-  Béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) – là số đo tỷ lệ phần trăm lượng mỡ của cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. BMI > 25, tình trạng béo bụng với dáng người dạng quả táo (không phải dạng quả lê) làm tăng nguy cơ mắc HCCH.
- Tiền sử tiểu đường. nguy cơ mắc HCCH cao hơn ở người có tiền sử gia đình có người bị tiểu đường type 2 hoặc bản thân có tiền sử bị tiểu đường khi mang thai.
- Các tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc HCCH. Tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang  ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và hormone sinh dục nữ.

5. Tại sao chúng ta cần biết về hội chứng chuyển hóa?

Vì HCCH làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường nếu người bệnh không thay đổi thói quen sống có hại để điều chỉnh tình trạng đề kháng insulin và đường huyết cứ tiếp tục tăng cao.
Vì cholessterol máu cao và tăng huyết áp trong HCCH sẽ góp phần tạo nên mảng xơ vữa trong thành động mạch, mảng xơ vữa này làm cho động mạch bị cứng lên và hẹp lại, từ đó dẫn đến đột quỵ tim và não.

6. Thời điểm người bệnh cần gặp bác sĩ để được tư vấn.

Đó là khi mỗi người trong chúng ta thấy mình có ít nhất một yếu tố cấu thành nên HCCH nêu trên như tăng huyết áp, cholessterol máu cao, thân hình có dáng quả táo… Gặp bác sĩ để xem có cần phải xét nghiệm để tìm các thành phần khác của HCCH hay không và để biết những điều nên làm để tránh cho bệnh khỏi nặng thêm.

7. Những việc mà người bệnh cần làm để chuẩn bị gặp bác sĩ.

- Khi hẹn khám phải hỏi xem có cần nhịn ăn trước đó không, có cần làm xét nghiệm đường máu khi đói trước khi đến khám không.
- Viết ra tất cả các triệu chứng đã trải qua, kể cả các triệu chứng dường như không phải vì nó mà bạn đi khám bệnh..
- Viết ra các thông tin cá nhân chủ chốt, kể cả các stress chủ yếu hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống. Nếu bạn đang theo dõi đường máu hoặc huyết áp tại nhà thì hãy mang bản theo dõi đó theo.
- Liệt kê các thuốc đã dùng kể cả vitamin và thuốc bổ.
- Ghi rõ tiền sử gia đình. Đặc biệt cho bác sĩ biết có ai cùng huyết thống bị tiểu đường, hoặc bị đột quỵ hay không.
- Mang theo thành viên trong gia đình hoặc một người bạn nếu có thể. Họ có thể bổ xung một điều gì đó mà bạn quên hoặc bỏ sót.
- Liệt kê một số câu cần hỏi bác sĩ như:
(1). Các triệu chứng của tôi có phải do HCCH hay do bệnh nào đó gây ra không?
(2).Cần thăm dò nào hay xét nghiệm nào để xử trí tốt nhất tình trạng bệnh lý của tôi?.
(3). Tôi cần phải làm gì nữa để bảo vệ sức khỏe của mình?.
(4). Các lựa chọn khác giúp xử lý các yếu tố gây HCCH?.
(5). Tôi có các bệnh khác kèm theo HCCH, vậy làm thế nào để xử trí tối ưu đồng thời tất cả các tình trạng bệnh lý này?.
(6). Các tiết chế mà tôi cần phải tuân thủ?.
(7). Có nên gặp thầy thuốc chuyên khoa không?.
(8). Có thể thay thế các thuốc mà bác sĩ đang kê đơn bằng hàng Generic được không?.
(9). Tôi có thể được nhận sách phổ biến tóm tắt về bệnh?.
(10). Trang Web nào tôi  nên truy cập để tìm hiểu về bệnh?.
- Chuẩn bị trả lời 2 câu hỏi mà bác sĩ thường hỏi là:
(1). Triệu chứng làm bạn lo lắng là bạn đã bị mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc tăng cholessterol máu xuất hiện lần đầu tiên khi nào?.
(2). Trong gia đình bạn có ai bị tiểu đường, tăng huyết áp hoặc tăng cholessterol không?. 

8. Điều trị và phòng bệnh.

- Thể dục đều đặn 30-60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như là đi bộ.
- Giảm cân. Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.
- Ngừng hút thuốc lá. Thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.

9. Khuyến cáo của hội Tim mạch Hoa kỳ về xử trí hội chứng chuyển hóa.

Mục đích hàng đầu của xử trí lâm sàng HCCH là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mắc tiểu đường type 2. Tiếp đó, việc điều trị hàng đầu là làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng như ngừng hút thuốc lá, giảm cholesterol máu, điều trị tăng huyết áp và điều trị tiểu đường.
Để quản lý trước mắt và lâu dài các yếu tố nguy cơ thì việc điều chỉnh lối sống là can thiệp hàng đầu để giảm các yếu tố nguy cơ mắc HCCH. Việc can thiệp để điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe bao gồm:

- Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI < 25kg/m2)

- Tăng cường hoạt động thể lực, với đích cần đạt là phải hoạt động thể lực mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần.

- Có thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe như ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Liệu pháp chuyển hóa trong ngăn ngừa và điều trị bệnh mạn tính

PGS. TS. Trương Thanh Hương - Theo Chương trình Quốc gia phòng chống tăng huyết áp
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm