Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giúp trẻ kiểm soát tác dụng phụ từ việc điều trị bệnh Leukemia

Trẻ em là đối tượng dung nạp thuốc hóa trị tốt hơn so với người lớn nhưng vì cơ thể vẫn đang tăng trưởng và phát triển nên chúng phải đối mặt với những thách thức và tác dụng phụ đặc biệt trong quá trình điều trị bệnh Leukemia. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến mà con bạn có thể gặp phải trong quá trình điều trị bệnh Leukemia và những gì bạn có thể làm để kiểm soát chúng.

Phương pháp điều trị bệnh Leukemia ở trẻ em đã đạt được tiến bộ lớn. Ngày nay, hơn 90% trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL), loại bệnh Leukemia phổ biến nhất ở trẻ em và có thể được chữa khỏi. Mục tiêu điều trị bệnh Leukemia ở trẻ em là tiêu diệt các tế bào ung thư đã nhân lên trong máu và tủy xương. Cách phổ biến nhất để đạt được điều này là hóa trị và đây là phương pháp điều trị chính. Mặc dù phương pháp này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ nhưng giờ đây, chúng ta đang học cách sử dụng nó một cách tốt nhất.

Nhiễm trùng

Phương pháp hóa trị sẽ giết chết các tế bào đang phát triển nhanh khắp cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư và tế bào bạch cầu khỏe mạnh giúp chống lại nhiễm trùng. Và hiện tại, nhiễm trùng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ sẽ cung cấp cho trẻ các yếu tố tăng trưởng để tăng số lượng bạch cầu và dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi lượng máu trong cơ thể ở mức thấp và vi rút đang lây lan khắp nơi, hãy giữ trẻ tránh xa đám đông.

Buồn nôn và nôn

Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ phổ biến và khó chịu nhất của phương pháp hóa trị. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2018, có tới 70% trẻ em được điều trị bằng phương pháp này sẽ cảm thấy buồn nôn và nôn tại một thời điểm nào đó. Thuốc hóa trị kích hoạt giải phóng các hoạt chất gây ra cảm giác buồn nôn.

Có rất nhiều loại thuốc trị buồn nôn hiệu quả. Và đôi khi phải mất một chút thời gian để chọn ra loại thuốc mang lại lợi ích và hiệu quả nhất, vì tất cả trẻ đều có những phản ứng khác nhau với các loại thuốc khác nhau.

Cho trẻ uống thêm nước khi nôn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Ngậm một viên đá hoặc uống rượu gừng có thể khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Các chuyên gia khuyến cáo nên tránh những thứ có mùi nồng, điều này sẽ khiến cơn buồn nôn trở nên trầm trọng hơn. Và hãy để con bạn ăn bất cứ loại thực phẩm nào chúng có thể chịu đựng được khi dạ dày đang khó chịu.

Mất cảm giác ngon miệng

Việc trẻ ít cảm thấy đói hơn trong quá trình điều trị là điều bình thường. Buồn nôn, nhiệt miệng và thay đổi mùi vị thức ăn do hóa trị đều góp phần làm giảm cảm giác ngon miệng.

Tại chuyên khoa ung thư ở các bệnh viện nhi thường có chuyên gia dinh dưỡng để giúp đỡ những trẻ ăn uống không tốt. Công việc chính của họ là theo dõi và đảm bảo rằng trẻ nhận đủ lượng calo và không bị giảm cân khi điều trị. Các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên sau để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình điều trị:

  • Khuyến khích trẻ ăn những bữa ăn nhỏ, thường xuyên hơn để khả năng dung nạp tốt hơn những bữa ăn lớn.
  • Cung cấp cho trẻ những chất bổ sung dinh dưỡng (nhưng trước tiên hãy hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng).
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein và chất béo lành mạnh, như các loại hạt và bơ.
  • Những trẻ bị thiếu dinh dưỡng và sụt cân có thể sử dụng các sản phẩm kích thích cảm giác thèm ăn hoặc cho ăn tạm thời bằng ống.

Tăng cân

Hiện nay đã có thuốc để kiểm soát tình trạng buồn nôn trong quá trình điều trị, nhưng nhiều bệnh nhi ung thư lại gặp vấn đề ngược lại. Thuốc steroid được sử dụng cùng với hóa trị và giảm hoạt động thể chất góp phần làm tăng cân. Trong 28 ngày điều trị đầu tiên, các chuyên gia nhận thấy rằng trẻ em thực sự có thể tăng gấp đôi lượng mỡ trong cơ thể.

Tăng cân có thể gây ra các biến chứng như tiểu đường và huyết áp cao trong tương lai. Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách lựa chọn những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng và khuyến khích trẻ vận động.

Rụng tóc

Tế bào nang lông là một trong những tế bào phân chia nhanh mà hóa trị có thể tiêu diệt. Việc mất đi những tế bào này khiến không chỉ rụng tóc ở đầu mà còn cả lông mày và lông mi của trẻ. Rụng tóc là điều khó khăn nhất về mặt cảm xúc trong điều trị bệnh Leukemia, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần và tóc giả có thể giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn.

Tác dụng phụ trong tương lai

Hầu hết các tác dụng phụ của việc điều trị bệnh Leukemia ở trẻ em sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị, nhưng một số vấn đề khác vẫn tồn tại ở trẻ khi chúng lớn lên. Thanh thiếu niên có nguy cơ mắc một bệnh gọi là hoại tử vô mạch (chết xương do thiếu lưu lượng máu) hoặc tổn thương khớp do liệu pháp steroid mà trẻ đang sử dụng. Một số người cần phải thay khớp.

Những đứa trẻ được điều trị chuyên sâu như cấy ghép tế bào gốc có nguy cơ vô sinh cao hơn, bệnh ghép chống lại vật chủ (khi các tế bào miễn dịch trong mô được cấy ghép tấn công nhầm các mô khác trong cơ thể) hoặc ung thư thứ phát tiến triển trong tương lai.

Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ về các tác dụng phụ. Trong năm đầu tiên sau khi điều trị, trẻ sẽ gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư khoảng mỗi tháng một lần. 5 năm sau khi chẩn đoán, hầu hết trẻ em chỉ cần được khám mỗi năm một lần.

Điều trị bệnh Leukemia ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ em như thế nào?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, việc điều trị có thể kéo dài từ hai đến ba năm. Trong năm đầu tiên, trẻ đến bệnh viện điều trị khoảng một lần một tuần và gây ra sự gián đoạn lớn đối với cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Điều quan trọng là trẻ em phải duy trì trạng thái bình thường nhất có thể. Khuyến khích con bạn đến trường và tham gia các môn thể thao cũng như các hoạt động khác khi chúng cảm thấy đủ khỏe, đồng thời tham gia học từ xa và gặp gỡ trực tuyến với bạn bè khi chúng không thể có mặt trực tiếp.

Làm thế nào bạn có thể giúp con đối phó với bệnh tật?

Một cách quan trọng để giúp con bạn là cho chúng biết rằng bệnh ung thư không thể định nghĩa chúng. Hãy đảm bảo rằng trẻ vẫn duy trì các hoạt động thường ngày, gặp bạn bè, làm bài tập về nhà, dọn phòng để việc điều trị bệnh Leukemia không chiếm hết cuộc đời của trẻ.

Giao tiếp là một phần quan trọng khác trong việc quản lý các thách thức điều trị. Không nên cho trẻ trong mọi lứa tuổi, dù là trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học hay thanh thiếu niên lớn tuổi hơn, phải tự mình làm việc này. Trò chuyện với gia đình về những gì đang xảy ra và những gì trẻ đang trải qua thực sự có thể hỗ trợ trẻ rất nhiều.

Hải Yến - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm