Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh Kawasaki ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Bệnh Kawasaki là bệnh viêm mạch máu và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị sớm có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh Kawasaki.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Bệnh Kawasaki có 3 giai đoạn riêng biệt.

Giai đoạn 1 của bệnh

Các triệu chứng của giai đoạn này bao gồm:

  • Sốt cao (thường trên 39 độ C) kéo dài ít nhất 5 ngày
  • Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) không gây chảy dịch
  • Phát ban, đặc biệt vùng thân hoặc vùng sinh dục
  • Môi khô, nứt nẻ
  • Lưỡi đỏ, sưng (được gọi là lưỡi dâu tây)
  • Lòng bàn tay và lòng bàn chân đỏ, sưng
  • Hạch bạch huyết ở cổ sưng.

Giai đoạn 2 của bệnh

Trong giai đoạn 2, các triệu chứng sau có thể phát triển:

  • Bong tróc da bàn tay và bàn chân, đặc biệt là đầu ngón tay và ngón chân
  • Đau khớp
  • Tiêu chảy
  • Nôn mửa
  • Đau dạ dày.

Giai đoạn 3 của bệnh

Ở giai đoạn này, các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm nếu không có biến chứng. Hầu hết người bệnh đều khỏe sau khi được điều trị. Sốt thường biến mất, nhưng trẻ em có thể mất đến một tháng để sức khỏe bình thường trở lại.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh

Nhiều nghiên cứu chỉ ra virus hoặc nhiễm trùng gây ra phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch ở những trẻ có khung hướng di truyền mắc bệnh này. Lý thuyết chung là một bệnh nhiễm trùng nào đó xảy ra trước bệnh Kawasaki, đóng vai trò là tác nhân kích hoạt phản ứng miễn dịch ở một đứa trẻ nhạy cảm về mặt di truyền.

Di truyền học dường như đóng một vai trò trong bệnh Kawasaki và các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu những yếu tố này. Bệnh Kawasaki thường gặp ở người châu Á, người Mỹ gốc Á và những trẻ có người trong gia đình mắc phải bệnh này, điều này cho thấy bệnh có khả năng di truyền. Hơn nữa, một số biến thể gen nhất định có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Trẻ em có cha mẹ mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với mọi người và trẻ có anh chị em ruột mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn này cao gấp 10 lần.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: nam giới, trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Bệnh Kawasaki không lây nhiễm.

Chẩn đoán bệnh

Không có xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán bệnh Kawasaki. Bệnh có nhiều triệu chứng giống các bệnh khác nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Khi trẻ có các triệu chứng như sốt liên tục trong 4 ngày hoặc dài hơn, cùng với bàn tay sưng, mắt đỏ, môi khô và nứt nẻ, đặc biệt nếu dùng kháng sinh nhưng các triệu chứng không thuyên giảm thì cần phải theo dõi và đưa trẻ đi khám.

Bệnh được chẩn đoán khi một đứa trẻ bị sốt từ 5 ngày trở lên và có ít nhất 4 trong số 5 triệu chứng dưới đây:

  • Mắt đỏ không có dịch
  • Môi đỏ, khô, nứt nẻ, lưỡi đỏ và sưng
  • Phát ban trên da
  • Hạch bạch huyết sưng ở cổ.

Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và cấy dịch cổ họng sẽ được tiến hành để loại trừ các bệnh khác.

Khi bệnh được chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu làm điện tâm đồ (ECG) và siêu âm tim để kiểm tra các vấn đề liên quan đến tim mạch như phình động mạch vành.

Tiên lượng bệnh

Nếu được điều trị sớm, hầu như tất cả trẻ đều khỏi bệnh. Điều trị liên tục trong vòng 10 ngày đầu tiên làm giảm nguy cơ tổn thương động mạch vành và thuyên giảm các triệu chứng.

Nếu không được điều trị, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim như phình động mạch vành, thường bắt đầu từ 1-4 tuần sau khi khởi phát bệnh Kawasaki, thậm chí là tử vong (tử vong thường xảy ra trong 6 tháng đầu đời). Nếu một đứa trẻ bị phình động mạch, chúng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về tim khi trưởng thành, ngay cả khi đã được điều trị.

Sau điều trị, trẻ nên được theo dõi mức cholesterol, có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

Thời gian mắc bệnh: bệnh Kawasaki có thể kéo dài từ 2-12 tuần hoặc lâu hơn.

Điều trị bệnh

* Thuốc

Phương pháp điều trị là dùng thuốc liều cao cả aspirin và immunoglobulin, là một dạng protein được tinh chế và kháng thể từ máu được hiến. Nên điều trị sớm để giảm nguy cơ biến chứng tim nghiêm trọng.

Trong 1-4 ngày, immunoglobulin được tiêm tĩnh mạch và aspirin được dùng bằng đường uống. Khi trẻ không sốt trong vòng 4-5 ngày, liều aspirin sẽ được giảm. Nhưng trẻ phải tiếp tục dùng aspirin trong ít nhất 8 tuần kể từ khi phát hiện bệnh.

Nếu không có chứng phình động mạch vành và không có dấu hiệu viêm nữa, có thể ngừng dùng aspirin. Trẻ có bất thường về động mạch vành cần điều trị lâu dài bằng aspirin. Điều quan trọng cần lưu ý là aspirin có thể gây ảnh hưởng đến gan gọi là hội chứng Reye, vì vậy chỉ nên dùng thuốc này cho trẻ nhỏ dưới sự giám sát của bác sĩ.

Có thể cần phải điều trị bổ sung nếu trẻ không đáp ứng tốt với liều immunoglobulin ban đầu, sốt tái phát hoặc có kết quả bất thường trên siêu âm tim đầu tiên. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể kê một liều immunoglobulin khác hoặc các loại thuốc chống viêm khác, chẳng hạn như steroid, infliximab (Remicade) hoặc etanercept (Enbrel).

Trẻ em bị chứng phình động mạch vành lớn có thể được dùng thuốc chống đông máu, đây là loại thuốc ngăn ngừa đông máu.

Biến chứng bệnh

Biến chứng tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của bệnh Kawasaki là sự phát triển của chứng phình động mạch vành, là tình trạng giãn bất thường của động mạch, có thể dẫn đến đau tim và tử vong đột ngột.

Trẻ phải được theo dõi chặt chẽ trong 6 tuần đầu tiên sau khi chẩn đoán bệnh Kawasaki để xem liệu động mạch vành có dấu hiệu bị ảnh hưởng không. Một số trường hợp có thể gặp vấn đề liên quan đến tim mạch về sau này, thậm chí cần làm các thủ thuật đặc biệt hoặc phẫu thuật để điều trị.

Các biến chứng khác bao gồm viêm màng não, viêm tai, mắt, gan, khớp, niệu đạo và túi mật.

Ngoài ra, đối với trẻ đang điều trị bệnh Kawasaki nên hoãn tiêm vắc-xin sống vì việc điều trị có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin như MMR (sởi, quai bị, rubella) và varicella (thủy đậu). Trẻ em trên 6 tháng tuổi nên được tiêm phòng cúm.

 

 

BS. Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everyday Health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm