Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đứt dây chằng chéo trước: Xử trí nhanh, tránh hậu quả nặng nề

Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về đứt dây chằng chéo trước và hướng xử lý.

Nhiều người bị đứt dây chằng chéo trước (vì tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông...) nhưng không biết (do vẫn đi lại được), không xử lý đúng, một thời gian sau mới thấy đầu gối mất vững, đi lại dễ ngã, không mang vác nặng hay chơi thể thao được...

Đứt dây chằng chéo trước (DCCT) gây mất vững trước sau và mất vững xoay của khớp gối gây phiền toái cho người bệnh và thường biểu hiện như sau: Có cảm giác yếu chân khi đi lại, chạy nhảy; Cảm thấy khó chịu khi chạy nhanh, khi đổi hướng đột ngột; Khó khăn khi đi xuống dốc hoặc đi xuống cầu thang; Đau và khó chịu khi tiếp đất bằng chân bị chấn thương, đặc biệt trong các động tác giống như nhảy lò cò một chân; Dễ bị ngã khi thực hiện các động tác thể lực: chạy nhanh, đổi hướng đột ngột, nhảy cao...

Hậu quả của đứt DCCT

Đứt DCCT gây mất vững khớp gối làm ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của người bệnh, đặc biệt ở người trẻ tuổi có nhu cầu hoạt động thể lực cao. Hậu quả của chấn thương này có thể bao gồm:

Tổn thương sụn chêm thứ phát: Sự mất vững khớp gối làm cho mâm chày trượt ra trước so với lồi cầu đùi khiến cho sụn chêm bị kẹt giữa 2 xương và bị rách. Sự lặp đi lặp lại của hiện tượng này làm cho rách sụn chêm ngày càng lan rộng.

dut-day-chang-cheo-truoc-xu-tri-nhanh-tranh-hau-qua-nang-ne-1

Lượng giá sự mất vững khớp gối trong đứt DCCT bằng máy KT 2000.

Tổn thương sụn khớp: Thay đổi động học của khớp gối dẫn đến sự bất thường trong phân phối lực của lồi cầu xương đùi xuống mâm chày làm cho tổn thương sụn khớp. Hậu quả là dẫn đến thoái hóa khớp gối.

Trường hợp nào phải mổ tạo hình DCCT?

Đứt DCCT hoàn toàn: Có chỉ định mổ tạo hình DCCT nhằm cải thiện chức năng khớp gối và ngăn ngừa các tổn thương thứ phát do đứt DCCT gây nên.

Đứt DCCT không hoàn toàn nhưng phần còn lại của DCCT không còn đủ để giữ vững khớp gối ở người bệnh có nhu cầu vận động thể lực cao cũng có chỉ định mổ tạo hình DCCT.

Tuy nhiên một số yếu tố cần cân nhắc đến khi chỉ định mổ tạo hình DCCT bao gồm:

Tuổi của người bệnh: Thường thì mổ tạo hình DCCT được chỉ định cho người trẻ tuổi (dưới 50 tuổi). Tuy nhiên một số báo cáo y khoa về tạo hình DCCT cho người trên 50 tuổi cũng cho kết quả khả quan.

Nhu cầu vận động thể lực của người bệnh: Chỉ định mổ tạo hình DCCT được đặt ra với những người có nhu cầu vận động thể lực cường độ cao (ví dụ chơi thể thao).

Biên độ vận động của khớp gối: Chỉ nên tạo hình DCCT khi người bệnh có biên độ khớp gối bình thường hoặc gần như bình thường vì nó ảnh hưởng đến biên độ vận động khớp gối sau mổ.

Sức mạnh của cơ tứ đầu đùi: Cơ tứ đầu đùi càng yếu thì hiệu quả tạo hình DCCT càng thấp. Vì thế tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi trước mổ là cần thiết để có được kết quả khả quan.

Tổn thương xương kèm theo: Nếu có tổn thương xương kèm theo (phù tủy xương) sẽ ảnh hưởng đến khả năng cố định vững chắc mảnh ghép trong đường hầm xương và tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Khớp gối có biểu hiện viêm nhiễm hay không? Mổ tạo hình DCCT không được đặt ra với những trường hợp có nhiễm trùng khớp gối và cần cân nhắc với những trường hợp có viêm hoạt dịch khớp gối.

Tổn thương DCCT trên khớp gối/ chi thể dị tật: Nếu người bệnh có khớp gối hoặc chi dưới dị tật thì không thể hoạt động thể lực ở mức độ cao, nên việc tạo hình DCCT là không cần thiết.

Nên mổ thời điểm nào?

Trong thực hành ngoại khoa, các phẫu thuật viên có một khái niệm “timing surgery” dùng để chỉ thời điểm mổ thích hợp cho người bệnh bị mắc bệnh ngoại khoa cần điều trị phẫu thuật. Trong đứt DCCT cũng không ngoại lệ, các bác sĩ phẫu thuật cũng đặt ra câu hỏi nên mổ vào thời điểm nào thì tốt cho người bệnh và người bệnh khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế cũng luôn thắc mắc khi nào thì nên mổ.

Trong y văn, khái niệm mổ tạo hình DCCT sớm hay muộn sau chấn thương (cấp tính, bán cấp, mạn tính) cũng không thống nhất. Không có mốc thời gian cụ thể nào để phân định thế nào là mổ tạo hình DCCT sớm hay muộn sau chấn thương khớp gối. Mỗi tác giả đưa ra một phân loại riêng nên nhiều khi dẫn đến sự mơ hồ cho các bác sĩ phẫu thuật và người bệnh.

Mổ tạo hình DCCT sớm trong những tuần đầu sau khi chấn thương làm tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh bị viêm dính khớp gối sau mổ, dẫn đến hạn chế biên độ vận động khớp gối sau mổ.

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, mổ tạo hình DCCT nên thực hiện ở thời điểm ít nhất 3 tuần sau khi chấn thương nhằm hạn chế biến chứng viêm dính khớp gối dẫn đến hạn chế biên độ vận động khớp gối.

Mổ tạo hình DCCT muộn sau chấn thương, khi người bệnh đã bị mất vững khớp gối trong một thời gian dài sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh có tổn thương sụn chêm và sụn khớp phối hợp. Hội chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ năm 2014 đã đưa ra khuyến cáo, người bệnh bị đứt DCCT có chỉ định mổ tạo hình DCCT nên mổ trong khoảng thời gian trong vòng 5 tháng sau khi bị chấn thương khớp gối nhằm bảo vệ khớp gối khỏi các tổn thương thứ phát.

Ngoài ra, việc chuẩn bị tâm lý cho người bệnh, lên kế hoạch cho người bệnh trước mổ, các tổn thương kèm theo của khớp gối phối hợp, tình trạng chức năng khớp gối trước mổ (ví dụ không hoặc tràn dịch khớp gối ít, cơ tứ đầu đùi đủ khỏe và không bị teo cơ, biên độ vận động hết tầm...) là những yếu tố quyết định đến thời điểm phẫu thuật.
 
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đứt dây chằng chéo trước khớp gối
BS. Đỗ Văn Minh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 26/04/2024

    Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

    Cùng với tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP.

  • 26/04/2024

    Tại sao cần tiêm vaccine phòng uốn ván?

    Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh của cơ thể nhưng có thể phòng ngừa được. Nó thường gây co thắt, tạo cảm giác đau đớn và cứng cơ hàm. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và dễ dàng phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nguyên nhân là do độc tố được tạo ra bởi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani. Những vi khuẩn này sống trong môi trường, bao gồm cả trong đất, bụi và phân động vật.

  • 26/04/2024

    Vì sao da đầu đổ nhiều mồ hôi và cách cải thiện?

    Da đầu đổ nhiều mồ hôi khiến tóc bết, khó chịu, ngứa ngáy và tăng nguy cơ các bệnh về da. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng nhiều mồ hôi da đầu cũng như cách khắc phục tại nhà.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân khiến da mỏng hơn

    Làn da mỏng manh là làn da dễ bị nẻ và tổn thương. Đó là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn già đi, các lớp da của bạn sẽ mỏng đi và trở nên mỏng manh hơn. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ dày của da. Ngay cả những rối loạn và việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần làm mỏng da.

  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

Xem thêm