Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Để dùng thuốc OTC trị bệnh thông thường an toàn

Có rất nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) bạn có thể mua để phòng và trị một số bệnh thông thường như dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, buồn nôn, táo bón...

Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Vậy làm thế nào để tránh được những rủi ro này?

Những nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc

Đối với người trưởng thành, nếu sử dụng đúng cách thì các thuốc OTC ít có nguy cơ bị tác dụng phụ. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây rủi ro lớn cho một số đối tượng như trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người uống nhiều hơn 1 loại thuốc. Ngoài ra, những người mắc một trong các bệnh sau cũng có nguy cơ cao gặp các bất lợi của thuốc. Đó là: hen suyễn, rối loạn chảy máu, rối loạn đông máu, bệnh đái tháo đường, động kinh, glaucoma, bệnh gút, bệnh tim, tăng huyết áp, tâm thần, Parkinson, các vấn đề về gan, thận, tuyến giáp...

Tuy không cần kê đơn nhưng bạn vẫn nên tư vấn trước khi sử dụng thuốc OTC.

 
 

 

Các “bất lợi” cần lưu ý

Các “bất lợi” của thuốc  mà bạn cần lưu ý gồm tác dụng phụ của thuốc, sự tương tác giữa thuốc và thuốc, thuốc và thực phẩm và các phản ứng dị ứng...

Tác dụng phụ của thuốc: Hầu hết các tác dụng phụ là khó chịu, ví dụ như buồn nôn, nôn, chóng mặt, buồn ngủ hoặc chảy máu đường tiêu hóa... Tuy nhiên, đôi khi tác dụng phụ cũng có thể có ích như buồn ngủ (khi dùng thuốc kháng histamin). Nếu bạn đang dùng thuốc kháng histamin vào ban đêm, tác dụng phụ này có thể giúp bạn có được giấc ngủ bạn cần.

 

Tương tác giữa các thuốc dùng cùng: Quá trình cơ thể chuyển hóa là khác nhau đối với mỗi loại thuốc. Khi thuốc được sử dụng cùng nhau (cho dù theo đơn hoặc OTC) cách chúng ảnh hưởng đến cơ thể có thể thay đổi. Điều này được gọi là tương tác thuốc - thuốc, đôi khi làm tăng cơ hội mà bạn sẽ có tác dụng phụ từ thuốc bạn đang dùng. Sau đây là các loại tương tác chính:

Tăng tác dụng của thuốc gây ngộ độc: Nếu bạn uống 2 loại thuốc có hoạt chất tương tự, bạn có thể nhận được liều lượng thuốc nhiều hơn bạn cần. Ví dụ, hoạt chất acetaminophen (paracetamol) có tác dụng hạ sốt, giảm đau có mặt trong hàng trăm sản phẩm phối hợp để điều trị cảm cúm, cảm lạnh... Nếu như ta uống loại này không thấy đỡ, lại uống thêm loại khác nhưng không biết rằng cả hai loại đều có chứa cùng một hoạt chất là paracetamol. Điều này sẽ dẫn tới quá liều gây ngộ độc, tổn thương gan, nhất là với trẻ nhỏ... Tương tự như vậy, nếu dùng thuốc kháng viêm giảm đau không steroid như ibuprofen (hoạt chất này cũng có mặt rất nhiều trong các sản phẩm trị bệnh về xương khớp). Nếu không để ý dùng nhiều loại có cùng hoạt chất này sẽ gây loét đường tiêu hóa hoặc làm trầm trọng thêm bệnh này. Vì vậy, người bệnh cần phải đọc kỹ thành phần của thuốc trước khi sử dụng để tránh dùng trùng lặp.

Giảm tác dụng của thuốc: Khi sử dụng các thuốc có tác dụng đối kháng nhau sẽ làm giảm hiệu quả của một hoặc cả hai thuốc dùng cùng. Ví dụ, thuốc thông mũi OTC có thể làm tăng huyết áp của bạn, do đó, chúng có thể gây ra sự đối kháng khi dùng cùng với một số loại thuốc dùng để hạ huyết áp. Vì vậy, khi đi khám bệnh, bạn cần nói với bác sĩ về loại thuốc đang dùng, thậm chí bao gồm cả việc bổ sung thảo dược, vitamin và khoáng chất (nếu có)...  để bác sĩ cân nhắc kê đơn tránh sự tương tác bất lợi này.

Tương tác thuốc - thực phẩm: Thực phẩm có thể thay đổi cách cơ thể của bạn xử lý một số thuốc (bao gồm cả OTC hoặc thuốc theo đơn).  Đôi khi những gì bạn ăn và uống có thể ảnh hưởng đến các thành phần trong một loại thuốc bạn đang dùng. Có một số loại thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn thì cần phải uống lúc dạ dày  rỗng  (1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn). Đối với thuốc được hấp thu tốt hơn khi ăn thì cần phải uống trong hoặc sau khi ăn. Người bệnh cần đọc kỹ nhãn thuốc hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để biết điều này và tuân thủ. Trường hợp nhãn hoặc hướng dẫn sử dụng không đưa ra hướng dẫn cụ thể thì việc uống thuốc với thức ăn hay không sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Dị ứng thuốc: Đây không phải là tình trạng phổ biến và chỉ một số người bị dị ứng với một số loại thuốc. Nếu bạn đã từng có một phản ứng dị ứng với thuốc, hãy chắc chắn tránh dùng các loại thuốc có chứa thành phần tương tự. Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng bao gồm ngứa, nổi mề đay và các vấn đề về hô hấp. Gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng mình đang có một phản ứng dị ứng thuốc.

Vậy làm thế nào để biết nếu gặp một hiệu ứng bất lợi? Khi bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào, điều quan trọng là phải nhận thức được những thay đổi trong cơ thể của bạn. Khi xuất hiện các triệu chứng mới hoặc các triệu chứng cũ trầm trọng hơn...  cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời.

Làm gì để tránh những bất lợi?

Cố gắng hạn chế mức độ thường xuyên sử dụng thuốc OTC. Nếu không thực sự cần thì không nên sử dụng. Nếu bạn có bất kỳ loại thuốc theo đơn, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng một loại thuốc OTC. Đọc kỹ nhãn thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc để nắm rõ thành phần của thuốc, hiểu được nguy cơ và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Kiểm tra thực tế thuốc nhãn và tránh dùng thuốc có chứa các thành phần hoạt tính tương tự cùng một lúc. Điều này có thể giúp bạn tránh dùng quá nhiều một loại thuốc nhất định. Không nên dùng liều cao hơn, dùng thường xuyên hoặc thời gian dài hơn so với khuyến cáo. Không dùng thuốc với thức uống có cồn, thức uống nóng (vì nhiệt độ đôi khi làm hỏng một số thuốc). Khi dùng thuốc cho trẻ em, sử dụng các thiết bị đo lường chính xác để đảm bảo được liều lượng, tránh quá liều.

DS. Trần Thị An - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm