Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chảy nước mắt quá mức

Việc chảy nước mắt liên tục, quá mức tùy thuộc vào rất nhiều nguyên nhân khác nhau, và mỗi nguyên nhân lại có thời gian kéo dài và khả năng tự khỏi khác nhau. Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể điều trị được tình trạng này, đặc biệt trong một số trường hợp đặc biệt như do viêm hay khô mắt.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chảy nước mắt quá mức?

Tình trạng chảy nước mắt quá mức có thể là do nhiều yếu tố và điều kiện gây ra.

Ở trẻ sơ sinh, chảy nước mắt dai dẳng kéo dài thường có nguyên nhân liên quan đến ống dẫn nước mắt của tuyến nước mắt bị tắc (tắc tuyến lệ). Các đường dẫn nước mắt là các ống nhỏ, với khả năng dẫn nước mắt chứ không phải tạo ra nước mắt. Các đường ống này thường dẫn nước mắt chảy vào mũi, thông qua các lỗ nhỏ ở phần bên trong của khoang mũi. Ở trẻ sơ sinh, các ống dẫn nước mắt có thể không mở hoàn toàn, hay không hoạt động một cách hoàn thiện trong vài tháng đầu đời.

Ở nhóm đối tượng người lớn tuổi, chảy nước mắt dai dẳng kéo dài có thể xảy ra khi lớp da của mí mắt bị lão hóa và chảy xệ, kéo dịch ra xa khỏi nhãn cầu. Tình trạng này khiến nước mắt tích tụ lại và chảy ra ngoài nhiều hơn.

Trong một số trường hợp đặc biệt,  phản ứng của cơ thể tạo ra nước mắt quá mức cũng có thể gây chảy nước mắt. Dị ứng hoặc nhiễm virus (tình trạng viêm kết mạc), hay bất kỳ tình trạng viêm nào cũng đều có thể gây chảy nước mắt trong vài ngày hoặc thậm chí là lâu hơn.

Các nguyên nhân chảy nước mắt có liên quan đến sử dụng thuốc:

  • Các thuốc hóa trị trong điều trị ung thư
  • Sử dụng Epinephrine trong điều trị
  • Thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là các thuốc có chứa echothiophate iodide và pilocarpine
Một số nguyên nhân thường gặp khác bao gồm:
  • Tình trạng dị ứng
  • Viêm bờ mi (viêm mí mắt)
  • Tắc đường ống dẫn nước mắt
  • Tình trạng cảm lạnh thông thường
  • Xước giác mạc
  • Loét giác mạc
  • Khô mắt (tình trạng cơ thể giảm sản xuất nước mắt)
  • Lộn mi mắt (tình trạng da mí mắt bị lộn ra bên ngoài)
  • Entropion (tình trạng da mí mắt bị gấp vào trong) – hay còn gọi là quặm mi
  • Dị vật trong mắt
  • Tình trạng viêm mũi dị ứng
  • Lông mi mọc ngược
  • Viêm giác mạc
  • Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
  • Lẹo mắt (một khối u đỏ, đau xuất hiện gần vùng rìa mí mắt)
  • Nhiễm trùng ống dẫn nước mắt
  • Bệnh đau mắt hột
  • Liệt dây thần kinh mặt – dây VII ngoại biên
  • Dị vật mắt hoặc chấn thương mắt khác
  • Bỏng mắt
  • Hóa chất bắn vào mắt
  • Viêm xoang mạn tính
  • U hạt với viêm đa giác mạc (u hạt Wegener)
  • Xạ trị trong điều trị ung thư
  • Viêm khớp dạng thấp (bệnh viêm khớp)
  • Sarcoidosis (u hạt)
  • Hội chứng Sjogren
  • Hội chứng Stevens-Johnson
  • Phẫu thuật vùng mắt hoặc mũi
  • Các khối u bất thường ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước mắt

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khuyến nghị từ các chuyên gia đưa ra là cần khám càng sớm càng tốt nếu phát hiện ra tình trạng chảy nước mắt kèm theo các vấn đề như:

  • Giảm thị lực
  • Đau quanh mắt
  • Những triệu chứng bất thường khác xuất hiện ở cơ thể

Xử trí tình trạng chảy nước mắt quá mức

Tình trạng chảy nước mắt quá mức sẽ được điều trị theo nguyên nhân gây ra. Nếu đơn thuần chỉ là những phản ứng quá mức, tình trạng này có thể tự hồi phục và biến mất sau 1 thời gian ngắn. Tuy nhiên, các trường hợp bệnh lý đặc biệt sẽ cần có những can thiệp đặc biệt.

Trong các trường hợp có nguyên nhân từ bệnh nền, cần điều trị bệnh nền đi kèm (dị ứng vật thể, viêm kết mạc,…) Đối với các trường hợp tổn thương biểu mô giác mạc, cần sử dụng nước mắt nhân tạo khi mắt bị khô. Các trường hợp tắc tuyến lệ cũng có thể tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp cần phải tiến hành bơm thông tuyến hoặc đặt ống thông tạm thời. Trường hợp hẹp lỗ thông, việc can thiệp phẫu thuật có thể cân nhắc.

Tổng kết

Chảy nước mắt quá mức là một tình trạng bất thường tại mắt, và tình trạng này có thể tự hết mà không cần can thiệp gì đặc biệt. Nếu vấn đề là do khô mắt hoặc kích ứng mắt, sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc đắp gạc ấm lên mắt trong vài phút có thể hữu ích. Nếu chảy nước mắt kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, tốt hơn hết là đi khám tại các cơ sở nhãn khoa để được đánh giá và có các can thiệp kịp thời.

Tham khảo thêm thông tin tại: Các bệnh về mắt thường gặp và 3 bệnh mắt nguy hiểm ở trẻ em

 

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Mayoclinic) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm