Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chạy bộ tác động như thế nào đến cơ thể?

Chạy bộ giúp cải thiện lưu thông và tăng chức năng phổi, nhưng chạy bộ cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 vấn đề xảy ra khi thực hành chạy bộ.

Đầu gối của người chạy

Hội chứng đau bánh chè-đùi, còn được gọi là đầu gối của người chạy bộ thường gây ảnh hưởng đến những người tham gia chạy quá nhiều. Một trong những nguy cơ khi chạy bộ là bạn tăng nguy cơ bị một số loại chấn thương liên quan. Vì bạn đang gây thêm hoạt động cho xương, gân và sụn, bao gồm cả đầu gối.

Hội chứng này gây đau xung quanh hoặc ngay sau xương bánh chè. Nếu nghiêm trọng có thể cảm thấy đau mọi lúc, ít nghiêm trọng hơn có thể cảm thấy đau sau một thời gian dài ngồi cong đầu gối, chạy, ngồi xổm hoặc leo cầu thang, xuống cầu thang.

Bạn nên ngừng chạy cho đến khi cơn đau biến mất. Sau đó, bắt đầu với việc đi bộ nhanh, tăng dần khoảng cách và tốc độ. Mức tăng không quá 10% mỗi tuần, nhưng tăng khoảng cách hoặc tốc độ tại một thời điểm, không phải là tăng cả 2 cùng lúc. Nếu cơn đau không biến mất sau 3-5 ngày ngừng chạy thì cần đi khám bác sỹ ngay.

Ngoài ra, nhớ khởi động trước khi chạy (hoặc bất kỳ bài tập nào) và kết hợp các bài tập tăng cường sức mạnh cho chân để tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối.

​Bạn thậm chí cần phải thay đổi cách chạy vì sải chân của bạn có thể là thủ phạm chính. Tham khảo ý kiến của bác sĩ, người có thể đánh giá cơ thể của bạn và đưa ra lời khuyên giúp giảm áp lực lên đầu gối, từ đó hạn chế gặp phải hội chứng này.

Móng chân chuyển sang màu đen

Nguyên nhân khiến móng chân của người chạy chuyển sang màu đen là do chảy máu bên dưới móng.

Giày dép không vừa hoặc quá nhỏ, để móng chân quá dài thường là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi móng chân chạm vào nhiều điểm tác động bên trong giày, gây ra áp lực lên vùng đó. Sự cọ xát quá mức này gây tổn thương chảy máu và bầm tím ngón chân. Vì vậy, việc mang giày đúng kích cỡ cũng như tập với cường độ phù hợp có thể giúp bạn tránh được vấn đề này.

Hãy đảm bảo giày chạy bộ của bạn vừa vặn, móng chân được cắt ngắn và không tập luyện quá sức. Để tìm được đôi giày chạy bộ vừa vặn, hãy chọn những đôi giày mà khoảng cách giữa đầu ngón chân cái và đầu giày bằng chiều rộng ngón tay cái. Nếu bạn thực hiện được tất cả những điều này mà vẫn gặp khó khăn, hãy thử ghé thăm một cửa hàng bán giày chạy bộ hoặc tìm các cửa hàng trực tuyến chuyên bán giày chạy bộ vì họ thường có mẹo chọn giày.

Chafing (ma sát da)

Đây là tình trạng kích ứng da do bị cọ xát nhiều lần khi chạy (với giày hoặc vật gì đó), và lặp đi lặp lại nhiều lần. Tình trạng này thường bị nặng hơn khi bạn chạy quãng đường dài,  trong thời gian dài. Càng cọ xát nhiều thì càng gây kích ứng. Một số yếu tố khác như nhiệt độ, độ ẩm và một số loại vải cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Ở nam giới tham gia chạy bộ sẽ thường bị ma sát da ở núm vú, một vùng da nhạy cảm. Phụ nữ thường bị ma sát da dọc theo đường bikini, cũng là vùng da nhạy cảm (đồ lót lọt khe có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn). Hiện tượng ma sát da cũng có thể xảy ra ở các khu vực khác như bắp đùi, dưới cánh tay hoặc bất kỳ vị trí nào ở vùng bẹn.

Dùng sáp dầu khoáng hoặc sản phẩm khác chuyên dùng để điều trị tình trạng ma sát da và thoa lên vùng da bị tổn thương hoặc dùng băng vết thương. Lựa chọn quần áo làm từ vải có đặc tính thấm hút tự nhiên để tránh gây kích ứng cho da.

Bàng quang tăng hoạt

Tình trạng này do một số yếu tố. Có thể do việc tập luyện gây tăng lưu lượng máu, làm tăng khả năng hoạt động của các cơ quan khác, bao gồm cả việc sản xuất nước tiểu ở thận.

Nếu bạn bị mất nước. Cơ thể bạn có thể giữ lại lượng nước tiểu dự trữ đậm đặc này, tạo ra cảm giác tương tự như bạn phải đi tiểu.

​Uống nhiều nước là điều cần thiết để chế độ tập luyện trở nên lành mạnh, đặc biệt nếu trời ấm hoặc nếu bạn đổ mồ hôi nhiều. Xác định các điểm dừng dọc tuyến đường bạn chạy và đi khám nếu tình trạng bàng quang tăng hoạt diễn ra thường xuyên hơn.

Các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa

Một tác dụng phụ tiềm ẩn khác của tình trạng mất nước là bạn sẽ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa. Mất nước có thể làm thay đổi cách hoạt động của dạ dày và hệ tiêu hóa, làm ruột của bạn bị khó chịu khi bạn bắt đầu chạy bộ. Chú ý bổ sung nước đầy đủ trước khi chạy và trong một thời gian dài để đạt hiệu quả tốt hơn.

Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi đã cung cấp đủ nước thì bạn vẫn có khả năng gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, tình trạng này phổ biến đối với những người chạy bộ. Khi chạy, lưu lượng máu đến ruột có thể bị giảm và việc sản xuất hormone điển hình của ruột có thể bị gián đoạn, tất cả đều có thể góp phần gây ra các vấn đề về tiêu hóa.

Đừng ăn bất kỳ loại thực phẩm mới nào trước hoặc trong khi chạy, đặc biệt là trong khi chạy đua. Không phải mọi loại gel năng lượng, thanh protein hoặc đồ uống thể thao đều phù hợp với dạ dày của mọi người.

Tốt nhất bạn nên tránh dùng caffein từ 3-6 giờ trước khi chạy và cố gắng không ăn bất cứ thứ gì trong ít nhất 2 giờ trước khi chạy.

​Một mẹo khác là bạn có thể bỏ qua việc nạp rau vào chế độ ăn của mình trước khi chạy. Có nhiều loại rau, dù nấu chín hay sống, đều có xu hướng làm đầy bụng, khó tiêu và nguy cơ khác khi chạy bộ.

Và nếu bạn nghi ngờ sự lo lắng trước khi chạy có thể tác động một phần nào đó thì hãy thử tập thiền hoặc viết nhật ký (ngay trước khi bạn bắt đầu chạy hoặc thậm chí một ngày trước đó).

Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everyday Health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm