Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chất tạo ngọt nhân tạo làm thúc đẩy cơn đói, khiến bạn ăn nhiều hơn

Một nghiên cứu mới đã tìm hiểu cách thức sucralose, một chất tạo ngọt không calo, ảnh hưởng đến các tín hiệu não bộ liên quan đến cảm giác đói.

Sucralose đã được nghiên cứu có thể tác động đến não theo cách thúc đẩy ăn quá mức.

Theo thống kê, ít nhất 1 trên 5  (20%) người trưởng thành tại Hoa Kỳ bị béo phì. Với rất nhiều thực phẩm và đồ uống được tiếp thị cho những người đang cố gắng giảm cân, các nhà khoa học tự hỏi liệu chúng có hiệu quả trong việc làm giảm cảm giác thèm ăn hay không.

Một số chất tạo ngọt không calo hiện có bao gồm sucralose, aspartame và saccharin. Mặc dù người ta thường sử dụng những chất này khi cắt giảm calo, nhưng vẫn có những tác động sức khỏe tiềm ẩn.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đái tháo đường và Béo phì thuộc Đại học Nam California đã tiến hành một nghiên cứu sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định lưu lượng máu não trong vùng dưới đồi sau khi tiêu thụ sucralose, sucrose hoặc nước. Lưu lượng máu tăng cao trong vùng dưới đồi cho thấy sự gia tăng các tín hiệu đói trong não. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sucralose có thể kích hoạt các tín hiệu đói mạnh mẽ, có khả năng làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến ăn quá mức khi so sánh với sucrose và nước. 

Sucralose ảnh hưởng đến lưu lượng máu não như thế nào?

Sucralose là một chất tạo ngọt nhân tạo có khả năng tạo ngọt cao hơn khoảng 385 đến 650 lần so với sucrose tính theo trọng lượng.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét cách sucralose tác động đến con người với một nhóm 75 người trưởng thành từ 18 đến 35 tuổi từ ba nhóm cân nặng khác nhau: khỏe mạnh, thừa cân và béo phì.

Mỗi người tham gia đã tham dự ba buổi thử nghiệm, trong đó họ uống đồ uống được làm ngọt bằng sucralose, đồ uống được làm ngọt bằng sucrose hoặc nước lọc. Các nhà nghiên cứu sử dụng chụp MRI để đo lưu lượng máu não trong vùng dưới đồi.

Vùng dưới đồi đóng nhiều vai trò quan trọng, bao gồm điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giải phóng hormone, cũng như cảm giác đói. Trước khi tiêu thụ đồ uống, những người tham gia đã được chụp MRI ban đầu và cung cấp đánh giá về mức độ đói của họ. Sau khi uống xong, các nhà nghiên cứu thu thập thêm dữ liệu sau 10 phút, 35 phút và 120 phút.

Sau khi kết thúc tất cả các buổi thử nghiệm, các nhà nghiên cứu so sánh kết quả chụp MRI và báo cáo của người tham gia để xác định cách sucralose tác động đến tín hiệu não.

Sucralose có thể kích thích cảm giác đói như thế nào

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhìn chung, sucralose không chỉ làm tăng lưu lượng máu trong vùng dưới đồi so với nước, mà còn so với sucrose. Điều này cho thấy phản ứng não liên quan đến cảm giác đói mạnh hơn, có thể dẫn đến kích thích cảm giác thèm ăn thay vì ức chế nó.

Những người có cân nặng khỏe mạnh cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ hơn trong hoạt động của vùng dưới đồi sau khi tiêu thụ sucralose so với sau khi uống sucrose. Những người trong nhóm thừa cân không thể hiện sự khác biệt đáng kể về lưu lượng máu vùng dưới đồi khi phản ứng với bất kỳ đồ uống nào.

Đối với những người béo phì, hoạt động não bộ liên quan đến cảm giác đói tăng lên sau khi uống sucralose so với nước, nhưng không tăng so với đường thông thường. Mặc dù việc sử dụng sucralose dường như không ảnh hưởng đáng kể đến phản ứng đói ở những người thừa cân, nhưng kết quả cho thấy nó vẫn có thể ảnh hưởng đáng kể đến một tỷ lệ lớn người nói chung.

Khi xét đến yếu tố giới tính, phụ nữ cho thấy phản ứng mạnh hơn với sucralose so với sucrose và nước. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này ủng hộ khái niệm cho rằng phụ nữ có thể có phản ứng não mạnh mẽ hơn đối với các dấu hiệu thực phẩm.

Đồ uống chứa sucralose làm tăng cảm giác đói

Khi đánh giá cảm giác đói ban đầu, các người tham gia thí nghiệm đều báo cáo mức độ đói tương tự nhau ở tất cả các buổi uống - nghĩa là trước khi uống, cảm giác đói của họ gần như không khác biệt dù sắp tiêu thụ loại đồ uống nào.

Tuy nhiên, sau khi uống, loại đồ uống đã ảnh hưởng rõ rệt đến cảm nhận đói của họ. Những người uống sucralose cảm thấy đói hơn so với khi uống đường, nhưng mức độ đói này không khác biệt nhiều so với khi họ chỉ uống nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng sucralose có thể không kích thích cơ thể tiết ra các hormone báo hiệu đã no.

Dù lĩnh vực này cần thêm nhiều nghiên cứu, những phát hiện ban đầu cho thấy sucralose - một chất tạo ngọt không calo - có thể vô tình tác động đến não, kích hoạt cảm giác đói. Điều này rất đáng lưu ý, đặc biệt khi nhiều người lựa chọn sucralose để giảm lượng calo và hỗ trợ giảm cân. Nếu sucralose khiến cảm giác đói tăng lên và làm tiêu thụ nhiều thức ăn hơn, nó có thể gây tác dụng ngược so với mục tiêu ban đầu.

Lời khuyên của chuyên gia

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, mặc dù nghiên cứu mới mang lại những phát hiện đáng chú ý, nhưng hiện tại, nó chưa đủ cơ sở để thay đổi các khuyến nghị lâm sàng chính thức. Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác nhận và làm rõ mối liên hệ giữa sucralose và cảm giác đói. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng trong thực hành lâm sàng, việc đánh giá tác động của sucralose nên được cân nhắc linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể.

Đặc biệt, với những người đã áp dụng các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống khác, chẳng hạn như kiểm soát calo, tăng cường chất xơ, hoặc duy trì chế độ ăn cân đối, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu sức khỏe như giảm cân, kiểm soát đường huyết hoặc quản lý cảm giác thèm ăn, thì việc xem xét lại lượng tiêu thụ sucralose có thể mang lại giá trị thiết thực. Trong những trường hợp này, giảm bớt hoặc thay thế sucralose bằng các lựa chọn tự nhiên hơn có thể hỗ trợ cải thiện hiệu quả dinh dưỡng và kiểm soát cảm giác đói tốt hơn.

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Medical News Today
Bình luận
Tin mới
Xem thêm