Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng các phần của đường tiết niệu, đặc trưng bởi sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu hoặc các triệu chứng biểu hiện sự xâm nhập của vi khuẩn ở một hoặc nhiều phần của đường tiết niệu. Tuỳ theo vị trí giải phẫu bị nhiễm trùng mà có tên gọi riêng.

Chẩn đoán bệnh viêm đường tiết niệu

  • Phân tích mẫu nước tiểu: bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để phân tích trong phòng thí nghiệm, tìm tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn. Để tránh mẫu có thể bị nhiễm bẩn, trước tiên bạn có thể được hướng dẫn lau bộ phận sinh dục của mình bằng miếng gạc sát trùng và lấy nước tiểu giữa dòng.
  • Nuôi cấy vi khuẩn đường tiết niệu trong phòng thí nghiệm: phân tích nước tiểu trong phòng thí nghiệm đôi khi được kết hợp với nuôi cấy vi khuẩn. Xét nghiệm này cho bác sĩ biết vi khuẩn nào đang gây nhiễm trùng cho bạn và loại thuốc nào sẽ hiệu quả nhất.
  • Các xét nghiệm chụp chiếu đường tiết niệu: nếu bạn bị nhiễm trùng thường xuyên mà bác sĩ cho rằng có thể do bất thường trong đường tiết niệu, bạn có thể siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc cản quang để làm nổi bật các cấu trúc trong đường tiết niệu của bạn.
  • Sử dụng ống soi để xem bên trong bàng quang của bạn: Nếu bạn bị nhiễm trùng tiết niệu tái phát, bác sĩ có thể tiến hành nội soi bàng quang, sử dụng một ống dài, mỏng có thấu kính (ống soi bàng quang) để xem bên trong niệu đạo và bàng quang của bạn. Ống soi bàng quang được đưa vào niệu đạo và đi qua bàng quang.

Điều trị viêm đường tiết niệu

Thuốc kháng sinh thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Loại thuốc nào được kê đơn và sử dụng trong bao lâu tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn và loại vi khuẩn tìm thấy trong nước tiểu.

Với những nhiễm trùng đơn giản

Các loại thuốc thường được khuyên dùng cho các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản bao gồm:

  • Trimethoprim / sulfamethoxazole (Bactrim, Septra,...)
  • Fosfomycin (Monurol)
  • Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid)
  • Cephalexin (Keflex)
  • Ceftriaxone

Nhóm thuốc kháng sinh được gọi là fluoroquinolones - chẳng hạn như ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin và những loại khác - thường không được khuyến cáo cho các trường hợp nhiễm trùng tiểu đơn giản, vì rủi ro của những loại thuốc này thường lớn hơn lợi ích điều trị nhiễm trùng tiểu không biến chứng. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như nhiễm trùng tiết niệu phức tạp hoặc nhiễm trùng thận, bác sĩ có thể kê đơn thuốc fluoroquinolone nếu không có lựa chọn điều trị nào khác. Thông thường, các triệu chứng nhiễm trùng tiểu sẽ giảm rõ ràng trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu điều trị. Nhưng bạn có thể cần tiếp tục dùng kháng sinh trong một tuần hoặc lâu hơn. Uống hết đợt kháng sinh theo quy định.

Đối với nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng xảy ra khi bạn khỏe mạnh, bác sĩ có thể đề nghị một đợt điều trị ngắn hơn, chẳng hạn như dùng kháng sinh trong một đến ba ngày. Nhưng liệu trình điều trị ngắn hạn này có đủ để điều trị nhiễm trùng của bạn hay không còn tùy thuộc vào các triệu chứng cụ thể và tiền sử bệnh. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giảm đau làm tê bàng quang và niệu đạo để giảm đau rát khi đi tiểu, nhưng cơn đau thường thuyên giảm ngay sau khi bắt đầu dùng kháng sinh.

Với nhiễm trùng thường xuyên hoặc tái nhiễm liên tục

Nếu bạn bị nhiễm trùng tiểu thường xuyên, bác sĩ có thể đưa ra một số khuyến nghị điều trị nhất định, chẳng hạn như:

  • Kháng sinh liều thấp liên tục, sử dụng trong 6 tháng hoặc lâu hơn
  • Tự chẩn đoán và điều trị, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ
  • Một liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ tình dục nếu nhiễm trùng của bạn liên quan đến hoạt động tình dục
  • Liệu pháp estrogen âm đạo với phụ nữ sau mãn kinh

Với nhiễm trùng nặng

Đối với nhiễm trùng tiểu nặng, bạn có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau đớn, nhưng bạn có thể thực hiện các bước để giảm bớt sự khó chịu cho đến khi thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng có tác dụng. Làm theo các hướng dẫn sau:

  • Uống nhiều nước: Nước giúp làm loãng nước tiểu của bạn và loại bỏ vi khuẩn.
  • Tránh đồ uống có thể gây kích thích bàng quang của bạn: Tránh cà phê, rượu và nước ngọt có chứa trái cây họ cam quýt hoặc caffein cho đến khi nhiễm trùng của bạn đã khỏi. Chúng có thể gây kích thích bàng quang và có xu hướng làm trầm trọng thêm nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc khẩn cấp của bạn.
  • Sử dụng đệm sưởi: Chườm một miếng đệm ấm nhưng không nóng vào bụng để giảm thiểu áp lực hoặc cảm giác khó chịu cho bàng quang.

Các loại thuốc thay thế không kê đơn

Nhiều người uống nước ép nam việt quất để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Có một số dấu hiệu cho thấy các sản phẩm nam việt quất, ở dạng nước trái cây hoặc viên nén, có thể có đặc tính chống nhiễm trùng. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu khả năng của nước ép nam việt quất để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu, nhưng kết quả vẫn chưa thể kết luận.

Đối với hầu hết mọi người, uống nước ép nam việt quất là an toàn, nhưng một số người cho biết bị đau bụng hoặc tiêu chảy. Vì vậy nên sử dụng một lượng nhỏ trước khi uống chúng thường xuyên với lượng lớn hơn. Tuy nhiên, không uống nước ép nam việt quất nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin.

Cách phòng chống bệnh nhiễm trùng tiết niệu

  • Cần uống đủ nước để có lượng nước tiểu ít nhất từ 1,5 lít/24 giờ.
  • Cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày, nhất là với nữ giới. Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục. Đối với nữ giới cần lưu ý mỗi lần vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài cần dội nước từ trước ra sau để tránh nước bẩn chảy vào bộ phận sinh dục và lỗ đái.
  • Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần nên đi khám chuyên khoa Thận-Tiết niệu để kiểm tra xem có yếu tố thuận lợi như sỏi thận tiết niệu, dị dạng thận tiết niệu…hay không

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ - Do đâu?

Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp từ Mayo Clinic) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm