Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cặp sách nặng có hại với sức khỏe của trẻ ra sao?

Việc đeo ba lô, cặp sách nặng hàng ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cột sống của trẻ em, làm trầm trọng thêm chứng cong vẹo cột sống ở tuổi học đường.

Trẻ nhỏ phải "cõng" cặp sách quá nặng dễ gặp chấn thương, ảnh hưởng về cột sống.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, học sinh đang phải mang theo cặp sách, ba lô ngày càng nặng tới trường. Một khảo sát ở Nhật Bản cho thấy, học sinh tiểu học phải mang theo cả sách giáo khoa và thiết bị điện tử tới trường, tổng trọng lượng hành trang có thể lên tới 10kg.

Tại Tanzania, ngoài sách vở, trẻ còn cần mang theo nước, quần áo, thực phẩm tới lớp, khiến chiếc cặp sách nặng hơn trọng lượng tiêu chuẩn của hành lý xách tay trên cabin máy bay (7kg). Nhiều giáo viên phản ánh, trẻ luôn mệt mỏi, kiệt sức, không thể đi đứng thẳng người vì phải đeo cặp sách đi bộ tới trường.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị, trọng lượng cặp sách của học sinh tiểu học và THCS tốt nhất không nên vượt quá 10% trọng lượng cơ thể.

Một số quốc gia khác khuyến cáo, trọng lượng cặp sách nên nằm mức 10-20% cân nặng của trẻ.

Ví dụ, trẻ 6 tuổi cân nặng trung bình 18-20kg chỉ nên đeo trên lưng tối đa 3,6-4kg, tốt nhất là dưới 1,8kg. Ngay cả học sinh THPT và người lớn cũng không nên đeo vật nặng quá 12kg trên lưng.

Học sinh mang cặp sách nặng trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về cột sống

Học sinh mang cặp sách nặng trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về cột sống.

Đeo ba lô, cặp sách quá nặng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cột sống ở độ tuổi xương của trẻ chưa phát triển hoàn toàn. Cặp sách nặng dễ khiến cột sống phải ngả sang một bên, gây áp lực lên các cơ và dây chằng, về lâu dài làm tình trạng vẹo cột sống thêm nặng. Liên tục đeo ba lô quá khổ cũng có thể khiến trẻ đau lưng, ảnh hưởng tới tư thế đi đứng.

Hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ) khuyến cáo, phụ huynh nên mua cho trẻ ba lô, cặp sách có kích thước vừa với thể trạng của trẻ; Quai dày, có đệm lót và to bản, có thể điều chỉnh độ dài. Phần đáy của ba lô nên cao hơn hông của trẻ 5cm.

Cha mẹ có thể giúp trẻ chuẩn bị sách vở trong ngày, tránh mang quá nhiều dụng cụ, sách tham khảo, thiết bị không dùng tới. Thực phẩm, đồ dùng cá nhân, đạo cụ mang đi học có thể bỏ ra xách tay để giảm tải cho ba lô. Cứ 1-2 tuần, phụ huynh nên giúp trẻ vệ sinh ba lô, bỏ bớt các dụng cụ không cần thiết mà trẻ tích trong cặp.

Sách vở dày nên được đặt sát lưng nhất có thể. Khi đó, trẻ đi bộ, chạy nhảy thoải mái hơn, không bị lực ly tâm làm mất thăng bằng. Cha mẹ cũng nên nhắc trẻ đeo ba lô, cặp sách bằng cả hai vai.

Sách vở dày, nặng nên được để gần sát với cơ thể trong ba lô, cặp sách

Sách vở dày, nặng nên được để gần sát với cơ thể trong ba lô, cặp sách.

Để kiểm tra trẻ có đang phải "cõng" cặp sách quá nặng, cha mẹ có thể để ý các dấu hiệu:

  • Phải gồng, lấy sức khi đeo cặp, tháo cặp.

  • Có vết đỏ hằn trên vai.

  • Trẻ phàn nàn rằng cánh tay và ngón tay tê, mất cảm giác.

  • Trẻ gù lưng khi đeo cặp sách, đau cổ, đau vai, đau đầu.

  • Sử dụng bài kiểm tra đơn giản:

    • Hãy cho con bạn đứng thẳng người, sau đó từ từ uốn cong thắt lưng, hai tay cố gắng chạm vào mũi chân.

    • Quan sát từ phía trước và sau xem một bên xương sườn, lưng dưới và hông có cao hơn bên còn lại hay không.

    • Nếu có dấu hiệu lệch, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được can thiệp sớm.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cách bảo vệ sức khỏe trẻ em trước thềm năm học mới.

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm