Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách nhận biết và đối phó với căng thẳng

Căng thẳng là chuyện bình thường ai cũng có thể gặp, nhưng căng thẳng quá mức có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Dưới đây là các triệu chứng của căng thẳng và cách đối phó với chúng.

Căng thẳng ảnh hưởng đến mọi sinh vật, bao gồm vật nuôi, cây trồng và thậm chí cả môi trường. Một số căng thẳng là tích cực: Giả sử bạn có bài phát biểu trước một đám đông và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khiến bạn cảm thấy hồi hộp căng thẳng, nhưng kết quả làm cho toàn bộ trải nghiệm trở nên đáng giá. Nhưng  nếu là nỗi lo kéo dài về công việc khó khăn, các vấn đề tài chính hoặc một đại dịch dẫn đến căng thẳng kéo dài, nó có thể gây hại cho não và cơ thể của bạn.

Căng thẳng là gì?

Có những loại căng thẳng về thể chất và tinh thần, nhưng cả hai đều chỉ ra rằng những đòi hỏi của một tình huống đang thử thách khả năng đối phó của bạn. Tác động xấu của căng thẳng được đo lường bằng phản ứng của một người. Một số người thích tự thử thách công việc hoặc thói quen tập thể dục của mình và việc này không ảnh hưởng đến ai. Các yếu tố gây căng thẳng phổ biến như mất mát và chấn thương ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi người. Nhưng tại sao một số người lại phục hồi nhanh chóng trong khi những người khác phải gánh chịu hậu quả lâu dài là vấn đề đang được nghiên cứu.

Các yếu tố bên ngoài, bao gồm nỗi sợ hãi về đại dịch Covid 19, lo lắng về chi phí chăm sóc sức khỏe và áp lực trong công việc là những nguyên nhân rõ ràng nhất. Nhưng nhiều người cũng cho biết các vấn đề về mối quan hệ, sức khỏe và giấc ngủ, quá tải phương tiện truyền thông, và thậm chí là chế độ ăn uống kém lành mạnh là những nguyên nhân gây ra căng thẳng trong cuộc sống của họ.

Các triệu chứng của căng thẳng

Các triệu chứng của căng thẳng có thể là thể chất hoặc tâm lý nhưng thường là cả hai. Các triệu chứng thể chất phổ biến bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Bụng khó chịu
  • Căng cơ
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Nghiến răng
  • Thay đổi ham muốn tình dục
  • Cảm thấy chóng mặt

Các triệu chứng tâm lý thường gặp bao gồm:

  • Khó chịu hoặc tức giận
  • Cảm thấy lo lắng
  • Thiếu năng lượng
  • Cảm giác như thể bạn có thể khóc

Căng thẳng là điều mà hầu hết mọi người đều phải chịu đựng một mình, nhưng nó có tác động không nhỏ. Trong các cuộc khảo sát về những người bị căng thẳng, hơn một nửa nói rằng nó có tác động tiêu cực đến cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ và gây ra xung đột với người khác. Một phần tư số người bị căng thẳng nói rằng nó khiến họ xa lánh bạn bè và các thành viên trong gia đình và khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn mức bình thường.

Điều đó nói lên rằng, căng thẳng là bình thường, và thậm chí quan trọng đối với mọi người theo thời gian. Nó có thể giúp thúc đẩy mọi người chuẩn bị đầy đủ cho những thứ như kỳ thi hoặc bài thuyết trình công việc, và sắp xếp những điều quan trọng nhất trong cuộc sống đối với chúng ta.

 

Mẹo để quản lý căng thẳng

Một điều tích cực về căng thẳng? Bạn có thể tự kiểm soát căng thẳng mà không cần tiêu tốn quá nhiều chi phí. Có vô số lời khuyên và công cụ dựa trên bằng chứng mà bạn có thể sử dụng để chống lại những tác động tiêu cực của căng thẳng theo những cách lành mạnh. Một số bao gồm:

Thử tập yoga và thiền. Hàng trăm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập yoga, chánh niệm hoặc thiền, thường được kết hợp với nhau, có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của căng thẳng. Nếu bạn quá căng thẳng khi bước vào một lớp học toàn người lạ thì bạn có thể lên youtube xem video để tự tập tại nhà.

Tập thể dục có thể không phải là một cách chữa bệnh, nhưng nó có thể giúp những người bị căng thẳng cảm thấy tốt hơn nhiều. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục thường xuyên báo cáo ít căng thẳng hơn so với những người không tập thể dục. Tập thể dục nhịp điệu có vẻ là có lợi nhất, nhưng bất kỳ hình thức vận động nào cũng tốt hơn là không vận động. Thay vì bạn thích chi tiền đến phòng tập thể dục thì đi bộ, chạy và tập yoga tại nhà đều miễn phí.

Xác định và loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng. Nghe có vẻ quá dễ dàng phải không? Nhưng việc tìm ra điều gì đang thực sự làm phiền bạn và làm thế nào để giải quyết nó có thể khó khăn hơn bạn nghĩ. Không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh hoặc thoát khỏi căng thẳng, nhưng chỉ cần cố gắng thay đổi môi trường sống sẽ giúp bạn kiểm soát được và điều đó có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn.

Có được một giấc ngủ ngon. Một đêm không ngon giấc khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là căng thẳng. Mất ngủ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và khả năng suy nghĩ của bạn, và cuối cùng có thể khiến bạn cảm thấy chán nản.

Hạn chế các phương tiện truyền thông xã hội: rõ ràng là việc theo dõi cuộc sống hoàn hảo của bạn bè, hàng xóm có thể sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mất kiểm soát. Do vậy, hãy ngừng sử dụng các mạng xã hội và dành thời gian cho bản thân mình nhiều hơn.

Giúp đỡ người khác. Bạn có bao giờ cảm thấy cần phải thoát ra khỏi đầu của chính mình không? Đó là một sự thúc đẩy lành mạnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giúp đỡ người khác, bao gồm cả bạn bè và gia đình hoặc tình nguyện dành thời gian làm từ thiện, có thể làm tăng cảm xúc tích cực và giảm căng thẳng. Chỉ cần đảm bảo rằng việc giúp đỡ người khác phù hợp với lối sống của bạn và không làm bạn thêm căng thẳng.

Ăn uống lành mạnh. Hormone căng thẳng có thể kích hoạt cảm giác thèm ăn chất béo và đường, gây ra những hậu quả tiêu cực lâu dài cho cân nặng, tâm trạng và sức khỏe tổng thể của bạn. Một chế độ ăn uống tốt hơn sẽ làm cho bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn nhiều về thể chất và tinh thần.

Tìm kiếm sự trợ giúp về y tế. Nếu bạn đã cố gắng kiểm soát căng thẳng của mình nhưng không được, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn hoặc nhà trị liệu, những người có thể giúp bạn thực hiện các bước tiếp theo.

Căng thẳng nghiêm trọng cũng khiến các tế bào của hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức hoặc "rối loạn điều hòa. Huyết áp tăng, mạch máu giãn ra trong khi những mạch máu khác co lại. (Những phản ứng này cuối cùng gây ra các vấn đề về tim mạch trên diện rộng.) Quá trình tiêu hóa bị chậm lại, đó là lý do tại sao bạn thường khó ăn hoặc đi vệ sinh khi cảm thấy cực kỳ căng thẳng.

Căng thẳng có thể làm bạn ốm như thế nào?

Đây là một số vấn đề sức khỏe quan trọng nhất liên quan đến căng thẳng:

  • Bệnh tim mạch. Những người bị căng thẳng mãn tính thực sự có nguy cơ và tỷ lệ các vấn đề liên quan đến tim cao hơn, bao gồm cholesterol cao, tăng huyết áp và các biến cố như đột quỵ và đau tim.
  • Bệnh tiểu đường. Căng thẳng làm cho các triệu chứng tiểu đường trở nên tồi tệ hơn vì nó kích thích giải phóng các hormone có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn.
  • Béo phì. Nó giải phóng cortisol, một loại hormone làm tăng cảm giác thèm ăn (đặc biệt là đối với đồ ăn vặt) và phân phối lại chất béo từ các bộ phận khác của cơ thể đến bụng của bạn.
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần là hậu quả của trầm cảm, lo âu và các tình trạng tâm lý khác. Nhiều đến mức việc điều trị hầu hết các rối loạn sức khỏe tâm thần đều bắt đầu bằng việc giảm căng thẳng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đại dịch COVID-19 làm gia tăng tình trạng căng thẳng và trầm cảm ở phụ nữ mang thai

Hồng Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo TheHealthy) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm