Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách để khắc phục tình trạng tim đập nhanh

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về chứng tim đập nhanh, cách cải thiện tình trạng này và khi nào bạn cần đi khám bác sĩ.

Tim đập nhanh có thể gây ra cảm giác đập thình thịch trong lồng ngực. Thư giãn và tập thể dục giúp bạn kiểm soát tình trạng tim đập nhanh. Tuy nhiên, những người bị tim đập nhanh thường xuyên hoặc nghiêm trọng có thể cần được điều trị. 

Biện pháp giúp kiểm soát chứng tim đập nhanh 

Thực hiện các liệu pháp thư giãn

Căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn, bởi căng thẳng gây ra tình trạng đánh trống ngực hoặc làm cho tình trạng đánh trống ngực nghiêm trọng hơn. Một số liệu pháp sau có thể giúp bạn thư giãn:

  • thiền
  • hít thở sâu
  • viết nhật ký
  • tập yoga
  • dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời
  • tập thể dục
  • tạm dừng việc học hoặc công việc

Đọc thêm bài viết: Chế độ ăn cho người suy tim

Giảm hoặc loại bỏ chất kích thích

Tim đập nhanh có thể trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động sau khi sử dụng chất kích thích. Chất kích thích có trong các sản phẩm hoặc các loại thuốc điều trị bệnh sau

  • Sản phẩm thuốc lá
  • Một số loại thuốc bất hợp pháp
  • Một số loại thuốc điều trị cảm lạnh và ho
  • Đồ uống chứa caffein như cà phê, trà và soda
  • Thuốc ức chế sự thèm ăn
  • Một số loại thuốc điều trị sức khỏe tâm thần
 
Tuy nhiên, không phải tất cả các chất kích thích đều sẽ gây ra tình trạng đánh trống ngực ở tất cả mọi người.

Kích thích dây thần kinh phế vị

Dây thần kinh phế vị kết nối não với tim. Vì vậy, kích thích dây thần kinh phế vị có thể giúp làm dịu tình trạng đánh trống ngực. Bạn có thể kích thích dây thần kinh phế vị bằng cách:

  • nín thở và rặn xuống, như thể đang đi tiêu
  • đặt đá hoặc khăn ẩm, lạnh lên mặt trong vài giây
  • tạt nước lạnh vào mặt
  • tắm nước lạnh
  • xoa bóp cổ

Trước khi thử bất kỳ phương pháp nào trong số này, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ -  người có thể tư vấn về các kỹ thuật phù hợp nhất cho bạn.

Giữ cân bằng điện giải

Chất điện giải là các phân tử tích điện có mặt khắp cơ thể và tham gia thực hiện nhiều chức năng. Chất điện giải cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp tim. Bạn có thể tăng lượng chất điện giải trong cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu:

  • natri
  • kali
  • canxi
  • magie

Một chế độ ăn uống cân bằng thường cung cấp đủ natri.

Các loại thực phẩm sau đây có hàm lượng kali cao:

  • khoai tây
  • chuối
  • trái bơ
  • rau cải bó xôi

Các sản phẩm từ sữa và rau lá xanh đậm rất giàu canxi. Rau, quả hạch và cá cũng chứa magie.

Bên cạnh việc bổ sung bằng thực phẩm, bạn cũng có thể cung cấp những chất dinh dưỡng này cho cơ thể bằng cách bổ sung qua đường uống. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi thử bất kỳ chất bổ sung nào, đặc biệt nếu bạn cũng đang dùng thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe.

Uống đủ nước

Khi cơ thể bị mất nước, tim phải làm việc nhiều hơn để lưu thông máu, điều này có thể khiến tim đập nhanh. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho biết lượng nước được khuyến nghị nên uống trong ngày sẽ khác nhau giữa các cá nhân, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng mang thai.

Đọc thêm bài viết: Dinh dưỡng phục hồi, phòng ngừa những cơn đau tim

Các triệu chứng mất nước bao gồm:

  • Nước tiểu đậm màu
  • Tăng nhịp tim
  • Khô miệng
  • Khát nước
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Da khô

Bạn nên cân nhắc uống một cốc nước đầy nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng kể trên.

Tránh sử dụng quá nhiều rượu

Rượu là một chất gây trầm cảm, vì vậy nó thường không làm tăng nhịp tim. Việc uống rượu một cách điều độ có kiểm soát không hẳn là có hại, nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần uống 1,2 ly đồ uống có cồn mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rung nhĩ. Tim đập nhanh chỉ là một triệu chứng của bệnh rung nhĩ.

Luyện tập thể dục đều đặn

Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể và giúp phục hồi nhịp tim tự nhiên. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Các bài tập cardio giúp tăng cường sức mạnh cho tim, có thể ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng đánh trống ngực. Các hình thức tập thể dục có lợi cho sức khỏe bao gồm:

  • đi bộ nhanh
  • chạy bộ
  • đi xe đạp
  • bơi lội

Tuy nhiên, tập thể dục có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực ở một số người, vậy nên trong trường hợp này bạn cần nhận biết sớm tình trạng để tránh các loại bài tập có khả năng gây ra vấn đề. Bất cứ ai gặp vấn đề tim mạch đang có kế hoạch bắt đầu một chế độ tập thể dục mới nên thảo luận và hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Phương pháp điều trị bổ sung

Việc điều trị chứng tim đập nhanh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu bạn không có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, bác sĩ có thể tìm cách trấn an bạn rằng đánh trống ngực không có hại. Nếu ngoại tâm thu gây ra tình trạng đánh trống ngực thường xuyên (nghĩa là nhịp tim của bạn trên 10.000 lần trong 24 giờ hoặc chiếm hơn 10% tổng số nhịp tim) thì bạn sẽ cần được điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi cho bạn.

Nếu thuốc không có tác dụng thì bạn sẽ cần phẫu thuật can thiệp triệt đốt rối loạn nhịp qua đường ống thông. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ luồn một ống mỏng xuyên qua mạch máu đến tim.

Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:

  • phẫu thuật
  • sử dụng máy tạo nhịp tim
  • thay đổi, điều chỉnh thuốc gây đánh trống ngực

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn nên đi khám và hỏi ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn đang bị tim đập nhanh và tình trạng này có xu hướng kéo dài hơn một vài giây. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn gây ra đánh trống ngực tim đập nhanh mà bạn có thể mắc phải như:

  • bệnh tim
  • các vấn đề về tuyến giáp
  • lo lắng, căng thẳng
  • vấn đề về cấu trúc tim hoặc điện tim
  • nhịp tim bất thường, được gọi là rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung tâm nhĩ
  • thiếu máu
  • suy tim thường hiếm gặp phải

Ngoài ra, một người từng bị đau tim có thể dễ bị đánh trống ngực hơn. Các nguyên nhân khác của tim đập nhanh bao gồm:

  • Do vận động tập luyện
  • Mất nước
  • Ốm
  • Một số loại thuốc
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp
  • Thai kỳ
  • Cafein
  • Sử dụng thuốc lá
  • Uống quá nhiều rượu

Chẩn đoán

Dựa trên tiền sử, bệnh sử cũng như qua kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho bạn dựa trên những yếu tố sau:

  • Độ tuổi khi các triệu chứng bắt đầu
  • Các triệu chứng của bệnh
  • Thời điểm các triệu chứng xảy ra
  • Các triệu chứng bắt đầu từ từ hoặc đột ngột
  • Các triệu chứng kéo dài bao lâu
  • Điều gì làm giảm các triệu chứng
  • Các triệu chứng khác, chẳng hạn như ngất xỉu, đau hoặc chóng mặt
  • Tiền sử sức khỏe gia đình
  • Thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống, bao gồm tiêu thụ caffein và rượu, tập thể dục, ngủ và sử dụng ma túy và thuốc
  • Các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp và nhịp tim.

Nếu tim đập nhanh không xảy ra tại thời điểm khám, bác sĩ có thể yêu cầu bạn mô tả gõ nhịp tim mà bạn thường trải qua. Nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ chất điện giải, hormone hoặc tuyến giáp. Một số chỉ định về chẩn đoán hình ảnh cũng được bác sĩ xem xét để biết được các cấu trúc hoặc chức năng của tim.

Một trong những mục tiêu của chẩn đoán là xác định những người có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim. Đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh bao gồm:

  • bệnh tim tiềm ẩn
  • rối loạn chức năng từ một cơn đau tim trước đó
  • bệnh cơ tim giãn vô căn, là tình trạng thành tim mỏng đi và yếu đi, và khoang bên trong mở rộng
  • hở van tim có ý nghĩa lâm sàng, là một loại bệnh van tim

Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt hơn. Tham khảo dịch vụ khám, tư vấn dinh dưỡng tại Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc Hotline 0935 18 3939/ 024 3633 5678

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Medical News Today
Bình luận
Tin mới
Xem thêm