Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

3 nguyên nhân chính gây tăng cholesterol

Nếu bạn còn trẻ và khỏe mạnh, có lẽ bạn không nghĩ quá nhiều về cholesterol - một chất dạng sáp lưu thông trong máu của bạn. Nhưng số liệu thống kê về cholesterol tại Mỹ cho thấy, hơn 12% người trưởng thành trên 20 tuổi có mức cholesterol cao ( trên 240 mg/dL hoặc 6.2 mmol/L) và 95 triệu người trưởng thành có mức cholesterol toàn phần cao hơn 200 mg /dL (5.2mmol/L).

Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành có 3 người bị tăng cholesterol (chiếm tỉ lệ 30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50 - 65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Con số này được tổng hợp theo mẫu dịch tễ học, vì vậy con số thực tế về số người cholesterol máu cao có thể còn cao hơn nhiều.

Cholesterol là gì?

Theo các chuyên gia, bản thân cholesterol không phải xấu. Cơ thể bạn cần cholesterol để xây dựng tế bào. Có hai loại cholesterol mà bạn cần biết. Loại đầu tiên là lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (LDL cholesterol là cholesterol xấu). Loại cholesterol này trộn với chất béo để tích tụ trong động mạch của bạn gây tắc nghẽn thu hẹp động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch, đau tim hoặc đột quỵ theo thời gian. Loại thứ hai là lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao (HDL cholesterol hoặc cholesterol "tốt"). HDL cholesterol hoạt động với vai trò dọn dẹp, thu gom cholesterol LDL và đẩy nó ra khỏi động mạch của bạn.

Bạn không thể chỉ dựa vào thực tế là mức cholesterol của bạn đang ở mức bình thường ở độ tuổi 20, 30 và thậm chí 40 vì nếu bạn không duy trì thói quen lối sống lành mạnh cho tim, bạn sẽ thấy chỉ số cholesterol máu của mình tăng khi về già.

Ngoài việc kiểm tra mức cholesterol, chúng ta cũng cần xem xét yếu tố thứ ba là triglyceride - chất béo trung tính. Đây là một loại chất béo mà chúng ta cần quan tâm vì khi hàm lượng triglyceride tăng cao có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nhìn chung, phụ nữ tiền mãn kinh có mức HDL cholesterol cao hơn nam giới vì hormone sinh dục nữ estrogen thúc đẩy cơ thể sản sinh ra HDL cholesterol. Nhưng vào thời kỳ mãn kinh, khi nồng độ estrogen giảm mạnh, hầu hết phụ nữ đều thấy cholesterol toàn phần và LDL cholesterol tăng lên và HDL cholesterol giảm xuống.

Đó là lý do tại sao bạn không thể dựa vào thực tế là mức cholesterol của bạn đang ở mức bình thường ở độ tuổi 20, 30 và thậm chí 40 vì nếu bạn không duy trì các thói quen lối sống lành mạnh cho tim mạch, thì chỉ số cholesterol máu của bạn sẽ tăng sau này.

Tham khảo thêm: Thực phẩm giúp làm giảm cholesterol xấu.

Nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao?

Đôi khi, bạn không thể làm gì để kiểm soát việc cholesterol tăng cao. Một số người thừa hưởng gen di truyền từ cha mẹ khiến họ gặp phải tình trạng cholesterol tăng cao - một tình trạng gọi là tăng cholesterol máu có tính gia đình. Tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 1/200 đến 1/250 người tương đương với khoảng 0,5% dân số.

Bên cạnh yếu tố gen di truyền thì theo các chuyên gia cho biết lối sống đóng một vai trò rất lớn tác động đến cholesterol máu. Một số nguyên nhân liên quan đến lối sống ảnh hưởng đến cholesterol máu:

1. Chế độ ăn nghèo nàn

Các chuyên gia khuyến khích việc áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh để làm nền tảng của việc giảm mức cholesterol, giúp bạn tránh dùng thuốc để giảm cholesterol. Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt đỏ, bơ, thực phẩm chiên và pho mát vì chúng giàu chất béo.

Rất nhiều người cho rằng việc ăn chất béo bão hòa hiện nay là ổn, vì sự phổ biến của các chế độ ăn kiêng như paleo và keto. Những họ không nhận ra là mức giảm cholesterol ban đầu mà bạn thấy với những chế độ ăn kiêng đó là do mọi người giảm cân. Sau đó, theo thời gian, do lượng chất béo bão hòa cao mà bạn tiêu thụ thì mức cholesterol có thể tăng trở lại.

Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ AHA khuyến nghị bạn chỉ nên nhận khoảng 5 - 6% lượng calo từ chất béo bão hòa mỗi ngày. Vì vậy, nếu bạn ăn 2.000 calo mỗi ngày thì chỉ có khoảng 120 calo tương đương với khoảng 13g chất béo bão hòa. Bạn đừng lo lắng quá nhiều về các loại thực phẩm có nhiều cholesterol như trứng hoặc động vật có vỏ. Bởi đây là những nguồn protein tốt và không làm tăng nhiều cholesterol.

Bên cạnh việc bạn nên tránh xa chất béo bão hòa, thì bạn cũng nên nạp vào cơ thể những chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe, có thể giúp giảm mức LDL cholesterol và triglycerid. Hiệp hôi tim mạch Hoa Kỳ AHA khuyến cáo nên ăn các loại cá béo như cá ngừ, cá mòi và cá hồi ít nhất hai lần một tuần để có được axit béo omega-3 có lợi cho tim.

Các nguồn thực phẩm tốt khác bao gồm dầu ô liu, các loại hạt và bơ. Bạn nên ăn một nắm nhỏ hạt mỗi ngày. Nghiên cứu quan sát năm 2019 trên những người thừa cân hoặc béo phì ăn một quả bơ mỗi ngày trong 5 tuần và được quan sát thấy có mức LDL cholesterol thấp hơn đáng kể.

Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng nấu ăn với dầu ô liu hoặc các loại dầu hạt như hướng dương, dầu cây rum và dầu hạt lanh. Tất cả những loại dầu thực vật này đều có liên quan đến việc giảm LDL cholesterol. Điều quan trọng nữa là bạn cần chọn carbs tốt như chất xơ thay vì carbs không tốt như đường bổ sung.

Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc tốt cho sức khỏe vì chất xơ giúp loại bỏ cholesterol ra khỏi cơ thể. Trường hợp điển hình theo nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người được bổ sung chất xơ psyllium cùng với statin có mức LDL cholesterol giảm tương đương như việc tăng gấp đôi liều lượng statin của họ,

Mặt khác, các nghiên cứu cũng cho thấy uống ít nhất một loại đồ uống có đường như soda mỗi ngày có liên quan đến khả năng nguy cơ làm giảm HDL cholesterol tới 98% và làm tăng triglyceride  tới 53%.

Tham khảo: Mất bao lâu để giảm nồng độ cholesterol trong máu?

2. Thừa cân béo phì

Theo Hiệp hôi tim mạch Hoa Kỳ AHA, thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) và triglycerid và giảm cholesterol tốt (HDL). Nhưng bạn không cần phải giảm cân quá nhiều để thấy được tác dụng tích cực. Theo nghiên cứu thì chỉ cần bạn giảm từ 5 đến 10% trọng lượng cơ thể là bạn đã có thể giảm đáng kể mức LDL cholesterol và chất béo trung tính. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là việc giảm cân nhiều hơn có thể cải thiện lượng cholesterol tốt hơn.

3. Ít vận động

Vận động không chỉ có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol và triglyceride mà nó còn đóng một vai trò đặc biệt mạnh mẽ với HDL cholesterol. Hãy nhớ rằng: HDL là cholesterol tốt có thể giúp giảm LDL là cholesterol xấu.

Các chuyên gia cho biết thực sự không có loại thực phẩm hay thuốc thần kỳ nào có thể làm tăng HDL cholesterol. Nhưng tập thể dục đã được chứng minh là có thể giúp bạn cải thiện tăng HDL cholesterol. Trên thực tế, những người tập thể dục từ 30 đến 60 phút mỗi ngày có HDL cholesterol cao hơn khoảng 4 điểm so với những người ít vận động hơn.

Làm thế nào để biết nếu bạn có mức cholesterol cao?

Không giống như các vấn đề sức khỏe khác, tình trạng cholesterol cao không có dấu hiệu hay triệu chứng nào cụ thể. Cách duy nhất để biết chắc chắn là đến gặp bác sĩ và làm xét nghiệm máu. Hiệp hôi tim mạch Hoa Kỳ AHA khuyến nghị tất cả người lớn trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol từ 4 đến 6 năm một lần. Nếu có bất thường hoặc bạn có các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân, huyết áp cao hoặc tiểu đường type 2, bạn sẽ cần đi kiểm tra thường xuyên hơn. Chỉ số cholesterol máu bình thường trong khoảng sau:

  • ​Cholesterol toàn phần​ 125 đến 200 mg/dL (3.2-5.1 mmol/L)
  • ​Cholesterol LDL​ Dưới 100mg/dL (2.5mmol/L)
  • ​HDL cholesterol:​ từ 40 mg/dL(1mmol/L) đối với nam giới; từ 50 mg/dL (1.2 mmol/L) đối với phụ nữ
  • ​Chất béo trung tính :​ Dưới 150 mg/dL

Bạn đừng quá bận tâm đến các máy đo test nhanh cholesterol tại nhà, vì loại máy này thường chỉ đo lượng cholesterol toàn phần, thay vì đo LDL, HDL cholesterol và triglyceride. Tốt nhất là bạn vẫn nên đi khám kiểm tra định kì và làm các xét nghiệm máu cần thiết. Nếu kết quả của bạn cao, bác sĩ có thể cho bạn xét nghiệm lại vài tuần sau đó, vì một số yếu tố như căng thẳng hoặc bệnh tật có thể ảnh hưởng đến kết quả đó.

Nếu các chỉ số về cholesterol của bạn vẫn trong khoảng bình thường nhưng ở gần với giới hạn trên thì cách tốt nhất để cố gắng điều chỉnh chúng là tập trung vào thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giảm cân. Bạn có thể bắt đầu thấy những thay đổi sau khoảng sáu tuần áp dụng thay đổi. Nhưng nếu các chỉ số cholesterol máu của bạn không cho thấy xu hướng tích cực hay thay đổi sau khoảng 4 - 6 tháng thì hãy nói chuyện với bác sĩ về việc có thể bắt đầu dùng thuốc giảm cholesterol như statin.

Nghiên cứu cho thấy những người có mức LDLcholesterol ở mức giới hạn trên có nhiều khả năng tử vong vì đau tim và đột quỵ hơn những người có mức LDL cholesterol thấp. Ngay cả khi bạn còn tương đối trẻ và khỏe mạnh, không có các yếu tố rủi ro nào khác nhưng nếu lượng LDL cholesterol của bạn đang tăng lên, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các chuyên gia khuyến nghị rằng những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc bệnh tim, tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cân hoặc hút thuốc có thể bắt đầu điều trị tình trạng cholesterol máu cao bằng statin.

Chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng sẽ giúp bạn tránh được nhiều nguy cơ sức khỏe. Trung tâm Điều trị Béo phì và Hội chứng chuyển hóa VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam là cơ sở tư vấn dinh dưỡng hàng đầu nước ta. Liên hệ đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc Hotline: 0935 18 3939 hoặc 024 3633 5678 để được khám, tư vấn dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành. 

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Live strong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm