Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh.

Sự phát triển nhận thức thường có mối quan hệ với khả năng vận dụng trí óc, khả năng ghi nhớ và sự phát triển các giác quan. Bên cạnh yếu tố di truyền thì môi trường sống cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức của trẻ sơ sinh. Những trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường tốt và khuyến khích phát triển kĩ năng đúng cách thường phát triển tốt hơn và có thể có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn.

Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh.

Môi trường sống

Những trẻ sống trong gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế thường sẽ phát triển chậm hơn những đứa trẻ khác. Bởi, những trẻ này sẽ có nguy cơ cao hơn bị suy dinh dưỡng và phải tiếp xúc với môi trường bị hạn chế. Hơn nữa, cha mẹ của những trẻ này có thể thường xuyên căng thẳng và phải tập trung nhiều vào công việc, dành ít thời gian cho con, ít đọc sách, trò chuyện và gắn kết với con hơn.

Sự phát triển giác quan

Những kỹ năng nhận thức liên quan đến thị giác và thính giác có thể phát triển tự nhiên đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những kĩ năng này cần phải được thực hành thường xuyên để trẻ có thể cảm nhận được và hoàn thiện. Trẻ em nếu thiếu sự kích thích giác quan này có thể sẽ khó phát triển một cách bình thường.

Khi trẻ bị bao bọc trong 1 môi trường đơn điệu, bóng tối, cách biệt trong phòng, trong gia đình và yên tĩnh quá lâu do ốm đau, bệnh tật hoặc do điều kiện sống thì các kỹ năng, cảm giác của trẻ có thể sẽ phát triển chậm lại. Những trẻ tiếp xúc với nhiều âm thanh, nhiều người hoặc được tham gia các trò chơi ngoài trời, đi tham quan, khám phá nhiều nơi có thể có điều kiện để phát triển các kỹ năng của bản thân. Ví dụ, trẻ được tiếp xúc sớm với âm nhạc khi lớn lên sẽ dành nhiều sự quan tâm đến âm nhạc và có thể phát triển các kỹ năng nghe, nói, nhận thức tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng

Trong nhiều trường hợp, dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhận thức của trẻ - ngay cả khi trẻ còn trong bụng mẹ. Thai nhi không nhận đủ protein có thể sẽ phát triển chậm hơn cả trong bụng và khi ra đời. Các chuyên gia khuyến khích nên cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ có lượng dinh dưỡng cao, làm tăng chỉ số thông minh (IQ) của trẻ. Những trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính thường sẽ phát triển nhận thức chậm hơn bình thường.

Sự quan tâm của cha mẹ

Môi trường sống phong phú giúp phát triển nhận thức một cách mạnh mẽ. Những trẻ được cha mẹ thường xuyên đọc sách cho nghe và nói chuyện, trò chuyện thường xuyên sẽ có vốn từ vựng tốt hơn và phát triển các kỹ năng nhận biết, kỹ năng đọc và nói sớm hơn.

Ngược lại, tiếp xúc với tivi quá sớm thậm chí là các chương trình giáo dục có thể có tác động xấu đến sự phát triển của trẻ em. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem tivi và sau tuổi này cha mẹ cũng nên kiểm soát thời gian xem truyền hình của trẻ. 

Thay vì tiếp xúc sớm với tivi và các thiết bị điện tử, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi có thể kích thích não bộ phát triển như: khối xếp hình, bảng chữ cái, sách và búp bê… 

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có liên quan đến sự phát triển của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ bị dị tật bẩm sinh hoặc gặp vấn đề sức khỏe do di truyền. Các vấn đề sức khỏe này có thể khiến việc tiếp cận với môi trường xung quanh của trẻ bị hạn chế, từ đó khiến trẻ chậm phát triển nhận thức. 

Trẻ em bị thiểu năng trí tuệ do di truyền thường sẽ hạn chế về khả năng phát triển một số kỹ năng. Tuy nhiên, nếu điều trị rất sớm cho trẻ ngay trong 3 năm đầu đời với các phương pháp như: tạo điều kiện cho trẻ ở trong môi trường tốt và tập trung nuôi dưỡng thì vẫn có thể cải thiện được tình trạng của trẻ. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Ths. Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp
Bình luận
Tin mới
Xem thêm