Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các nguyên nhân gây đau ngực thường gặp ở trẻ nhỏ

Nếu như người lớn đau ngực có nguyên nhân chủ yếu từ tim thì đau ngực ở trẻ em do mắc các bệnh về tim lại chiếm tỉ lệ rất thấp. Nguyên nhân chính gây đau ngực ở trẻ em lại thường do các bệnh đường hô hấp, chấn thương hoặc do nuốt phải dị vật.

Con tôi thường xuyên kêu rằng mình bị đau vùng ngực. Liệu cháu có gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng hay không?

May mắn là cơn đau tim không phải là triệu chứng phổ biến ở lứa tuổi này. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra cơn đau ngực của trẻ em, bao gồm:

Chấn thương: Trẻ có thể bị chấn thương cơ và xương vùng ngực khi bị ngã và va chạm phải vật cứng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị đau tức vùng ngực khi bị ho khan.

Hen phế quản: Khi bị mắc bệnh hen phế quản, trẻ sẽ thường xuất hiện những cơn ho nghiêm trọng và khó thở. Các triệu chứng thường sẽ diễn biến xấu hơn về ban đêm, buổi sáng sớm và sau khi chạy nhảy hoặc khóc.

Viêm phổi: Nếu cơn đau ngực thường đi kèm với ho dai dẳng, trẻ có thể đã bị viêm phổi. Các triệu chứng khác của viêm phổi bao gồm cảm giác ớn lạnh, thở nhanh và khó nhọc, thở khò khè, sốt; ăn không ngon, đau dạ dày, nôn mửa, lú lẫn và đau đầu.

Nuốt phải dị vật: Hãy gọi cấp cứu 115 ngay trong trường hợp trẻ bị khó thở. Nếu trẻ nuốt phải một vật nào đó như đồ chơi hoặc một đồng xu, trẻ sẽ có cảm giác tức ngực và đau rát ở thực quản khi dị vật đi xuống họng. Các triệu chứng khác bao gồm ho, thở khò khè và chảy nước dãi.

Rối loạn trào ngược dạ dày- thực quản: Khi trẻ cảm thấy hay bị đau tức ngực sau khi ăn, triệu chứng này có thể là kết quả của chứng trào ngược acid dịch vị. Hiện tượng này rất thường xuyên xảy ra nếu trẻ nằm nghỉ ngay sau khi ăn. Ngoài ra, các triệu chứng khác đi kèm gồm có đau họng, vị chua trong miệng hay nôn mửa.

Khi nào nên cho trẻ đi khám

Điều này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay.

Trường hợp trẻ không có triệu chứng nào khác ngoài cơn đau tức ngực và sau đó cơn đau tự hết thì cũng không cần phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, nếu cơn đau tức ngực kéo dài trên 1 giờ hay cơn đau tái phát liên tục, hãy đưa trẻ đi bác sỹ để kiểm tra ngay.

Ngoài ra, nếu trẻ vô tình nuốt phải dị vật và có khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay. Đồng thời với việc gọi cấp cứu, phải xử lý cấp cứu ngay cho trẻ nếu trẻ khó thở nhiều hoặc nghẹt thở khi nuốt phải dị vật. Cơn khó thở có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ trước khi cấp cứu đến hoặc trước khi bạn đưa bé đến bệnh viện. Hãy tìm hiểu để biết cách làm và lúc này nên thực hiện Nghiệm pháp Hemlich để loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở của trẻ ngay lập tức.

Chẩn đoán và điều trị chứng đau tức ngực ở trẻ em

Trước hết, bác sỹ sẽ tiến hành khám tổng thể (sờ, nắn quanh vùng ngực đau của trẻ) và dùng ống nghe để nghe lồng ngực. Phương pháp này sẽ giúp xác định xem vị trí cơn đau là ở trên thành ngực (xương sườn, cơ bắp hoặc da) hay các cơ quan trong lồng ngực (như phổi hoặc tim).

Nếu các phương pháp trên là chưa đủ để chẩn đoán, bác sỹ có thể chỉ định chụp X quang ngực để xác định xem trẻ có bị viêm phổi hay do nuốt phải dị vật hay không. Trong một số ít trường hợp, bác sỹ có thể chỉ định thực hiện điện tâm đồ (EKG) để đo điện tim (mặc dù ở trẻ em hiếm khi cơn đau ngực xuất phát từ một vấn đề tim mạch nào đó nhưng đôi khi các bác sỹ muốn thực hiện phương pháp này để loại trừ khả năng trên).

Khi đã xác định chính xác nguyên nhân gây đau ngực, bác sỹ sẽ đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp cho trẻ. Ví dụ như nếu trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn, bác sỹ sẽ kê kháng sinh để điều trị.

Chăm sóc trẻ tại nhà

Nếu cơn đau ngực chỉ kéo dài khoảng vài phút, trẻ chỉ cần nằm nghỉ ngơi tại chỗ.

Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài (ví dụ như do đau cơ), bạn có thể cho trẻ sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol hay ibuprofen để giúp giảm khó chịu cho trẻ. Sử dụng túi chườm nóng hay dùng khăn ấm để đắp lên vùng ngực bị đau cũng tỏ ra khá hiệu quả trong việc làm giảm đau cho trẻ.

Trong trường hợp trẻ nuốt phải dị vật, tùy theo tình trạng khó thở của trẻ để thực hiện các biện pháp dưới đây:

Nếu trẻ dưới 1 tuổi

  • Ngồi xuống, đặt tay bạn lên đùi và đặt trẻ nằm cúi mặt trên cánh tay (đang đặt trên đùi) của bạn
  • Vỗ vào lưng trẻ 5 lần thật nhẹ nhàng, nhưng phải đủ mạnh. Trọng lực và việc vỗ lưng có thể làm vật ra rơi ra.
  • Nếu không hiệu quả, đặt trẻ nằm ngửa trên cánh tay sao cho phần đầu thấp hơn phần thân. Dùng 2 ngón tay đặt vào giữa xương ức của trẻ và ấn mạnh vào ngực 5 lần.
  • Lặp lại quy trình vỗ lưng và ấn ngực nếu trẻ không thở trở lại. Gọi cấp cứu ngay.
  • Thực hiện hồi sức tim phổi CPR với trẻ nhỏ nếu trẻ vẫn không thở sau khi làm các thao tác trên.
 
Nếu trẻ lớn hơn 1 tuổi 

Hãy thực hiện các khuyến cáo sau của Hội Chữ thập đỏ: cách cấp cứu “5-5” đối với các nạn nhân bị nghẹn:

  • Vỗ vào lưng 5 lần: Đầu tiên, dùng lòng bàn tay vỗ vào lưng của nạn nhân 5 lần  (vùng giữa hai xương bả vai)
  • Ấn mạnh vào bụng 5 lần (còn gọi là liệu pháp Hem-lich)
  • Thực hiện luân phiên việc vỗ lưng và ấn mạnh cho đến khi vật lạ rơi ra.

Cách thực hiện nghiệm pháp Hem-lich cho người khác

  • Đứng phía sau nạn nhân: Dùng tay ôm lấy phần eo của nạn nhân, cho nạn nhân hơi cúi người về phía trước
  • Nắm một tay lại và đặt nắm tay lên phần trên rốn của nạn nhân.
  • Dùng tay còn lại ôm lấy bàn tay đang nắm và ấn thật nhanh, mạnh vào bụng nạn nhân theo chiều hướng lên trên. Nếu cần thiết, thực hiện thao tác này 5 lần. Nếu vật lạ chưa rơi ra, tiếp tục lặp lại việc sơ cứu “5-5"

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cấp cứu người bị nghẹn

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn- Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ babycenter, healthline
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

Xem thêm