Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bạn có nên lo lắng về tình trạng rau bám trước không?

Bánh rau là một cơ quan đặc biệt chỉ xuất hiện trong quá trình mang thai. Bánh rau có trách nhiệm lấy oxy và chất dinh dưỡng từ cơ thể người mẹ và vận chuyển vào trong cơ thể em bé. Ngược lại, các sản phẩm phụ từ cơ thể em bé cũng sẽ được đào thải qua dòng máu ở bánh rau.

Khi sinh em bé, bánh rau cũng sẽ được tống ra ngoài. Trong các trường hợp thông thường thì vị trí của bánh rau không phải là nguyên nhân gây ra vấn đề. Nhưng có một số vị trí của bánh rau sẽ phổ biến hơn các vị trí khác. Rau bám trước là một vị trí ít phổ biến nhất.

Các vị trí của bánh rau

Bánh rau có thể gắn với bất cứ vị trí nào trong tử cung để nuôi dưỡng em bé. Thông thường, bánh rau sẽ bám ở phần trên hoặc phần bên của tử cung. Nhưng, cũng có thể, bánh rau sẽ bám ở phần trước của bụng, ở vị trí này được gọi là rau bám trước. Nếu bánh rau bám ở phần sau tử cung, gần cột sống, thì sẽ được gọi là rau bám mặt sau. Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí của bánh rau trong 3 tháng giữa thai kỳ, thường là từ tuần thứ 18 và tuần thứ 21 của thai kỳ.

Rau bám trước khác với các tình trạng khác như thế nào?

Rau bám trước không có ảnh hưởng gì quá lớn tới sức khỏe của em bé. Bánh rau vẫn có thể tiếp tục nuôi dưỡng em bé, cho dù bám ở vị trí nào. Nhưng có một số thay đổi nhỏ bạn có thể nhận thấy do vị trí bám của bánh rau. Bánh rau có thể tạo ra thêm không gian hoặc như một miếng đệm giữa bụng và em bé của bạn. Do đó, có thể bạn sẽ thấy em bé đạp muộn hơn so với những thai kỳ bình thường khác vì bánh rau lúc này sẽ như một tấm đệm, khiến bạn khó cảm nhận được hoạt động của em bé hơn.

Biến chứng của rau bám trước?

Rau bám trước thường sẽ không gây ra vấn đề gì đáng lo ngại. Nhưng có khả năng rau bám trước sẽ phát triển xuống phía dưới thay vì phát triển lên trên, điều này có nghĩa là bánh rau của bạn sẽ phát triển theo hướng về phía cổ tử cung. Khi em bé lớn hơn, bánh rau cũng sẽ to dần lên và có thể chặn ở cổ tử cung, khiến em bé không thể chui ra được, dẫn đến chảy máu. Tình trạng này được gọi là rau tiền đạo. Nếu bánh rau chặn hoàn toàn hoặc một phần cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ, bạn sẽ cần phải sinh mổ.

Khi nào cần gọi bác sĩ về các vấn đề của bánh rau?

Mặc dù rau bám trước không phải lúc nào cũng gây ra vấn đề, nhưng bác sỹ có thể sẽ cần chuẩn bị cho các dấu hiệu cho thấy vấn đề về bánh rau trong suốt thai kỳ. Hãy liên lạc với bác sỹ nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng
  • Co thắt tử cung nhanh
  • Đau lưng nghiêm trọng
  • Ra máu âm đạo

Nếu bạn bị ngã hoặc gặp phải các chấn thương khác ở vùng bụng, ví dụ như bị tai nạn giao thông, bạn cũng nên gọi cho bác sĩ ngay. Những chấn thương này có thể ảnh hưởng đến bánh rau và có thể cần được bác sĩ lượng giá.

Bác sỹ sẽ cần phải tiếp tục kiểm soát vị trí của em bé cũng như của bánh rau trong suốt thai kỳ. Do vậy, bạn nên thường xuyên đi khám thai và kiểm soát bất cứ tình trạng nào mới xuất hiện trong quá trình mang thai để bạn có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh nhất có thể.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Siêu thực phẩm dành cho phụ nữ mang thai

Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm