Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bác sĩ hướng dẫn cách bảo vệ trẻ khỏi viêm họng cấp trong dịp Tết

Theo thống kê hàng năm, cứ vào dịp Tết, bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ lại gia tăng, nhất là viêm họng cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào bảo vệ con trước viêm họng cấp, đón Xuân an lành?

1. Các nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp vấn đề viêm họng cấp vào mùa Tết

Tết cận kề với niềm vui đoàn tụ, tâm trạng mẹ bỗng nhiên trùng xuống khi đầu con nóng hổi lại thêm vài tiếng ho. Đây là nỗi lòng của rất nhiều bậc phụ huynh trong thời điểm này. Trời trở lạnh là cơ hội để mầm bệnh virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh gặp cơ thể trẻ chưa kịp thích ứng nên rất dễ xâm nhập gây ra các bệnh đường hô hấp, trong đó hàng đầu là viêm họng cấp.

Lý giải về điều này, TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Họng là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài. Để duy trì sự sống, chúng ta cần hít thở và ăn uống, cả 2 hoạt động này đều đi qua họng, vì vậy trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó viêm họng cũng là điều dễ hiểu”.

Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus thường khởi phát chậm, sốt nhẹ đến sốt cao, ho, đau họng. Ngược lại viêm họng cấp do liên cầu khuẩn thường khởi phát đột ngột, sốt cao, đau họng nhưng không ho (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ còn tùy theo lứa tuổi nhưng khoảng 70-80% là do các loại virus, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh. Còn lại khoảng 20-30% nguyên nhân gây viêm họng cấp có thể do vi khuẩn. Trong đó đáng chú ý nhất là liên cầu khuẩn, chúng được tìm thấy ở khoảng 15% các trường hợp bị viêm họng cấp, chủ yếu ở trẻ trên 5 tuổi.

Theo TS Anh Tuấn, đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi lẽ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vị chuyên gia về hô hấp ví von, viêm họng cấp do liên cầu khuẩn khi vào họng sẽ “liếm” qua khớp, “đớp” vào tim và khi đã vào đến cơ quan trọng yếu này nó sẽ không chịu nhả ra, để lại biến chứng thấp tim, khiến trẻ mắc các bệnh van tim hậu thấp - gánh nặng ảnh hưởng sức khỏe suốt đời.

Chính vì vậy, TS Anh Tuấn khuyến cáo với các bậc phụ huynh không nên lạm dụng kháng sinh điều trị viêm họng cấp do virus để tránh các hệ lụy đáng tiếc do thói quen này gây ra. Đồng thời đối với các bác sĩ không để “xổng” các trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn để tránh biến chứng nguy hại cho trẻ.

“Viêm họng cấp do virus hay liên cầu khuẩn đều có triệu chứng giống nhau đó là sốt nhẹ đến sốt cao, đau họng… do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý trong quá trình chăm sóc để kịp thời đưa ra các xử trí kịp thời.

Đối với trường hợp viêm họng do virus thường khởi phát chậm, ngoài triệu chứng sốt (thậm chí có trẻ không bị sốt), đau họng thì còn kèm theo các dấu hiệu khác mà viêm họng do liên cầu khuẩn không có, đó là sổ mũi, ho, viêm kết mạc mắt, tiêu chảy, loét miệng. Thường mắc ở trẻ dưới 3 tuổi và bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt.

Ngược lại, viêm họng do liên cầu khuẩn khởi phát rất đột ngột, sốt rất cao nhưng không ho, đặc biệt tình trạng đau họng rất rõ ràng, dễ gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Bên cạnh đó, trong viêm họng do liên cầu khuẩn có một triệu chứng rất đặc biệt, đó là trẻ sẽ bị sưng hạch góc hàm (vùng gần cổ).

Khi bác sĩ khám quan sát trong họng, nhất là khu vực amidan sẽ thấy những hốc có màu trắng, lưỡi hơi dơ (trong khi trẻ viêm họng do virus thường không có triệu chứng này), không loét miệng.

Tuy nhiên, để phân biệt rạch ròi thì tốt nhất các bậc phụ huynh phải đưa con đi khám bác sĩ để đánh giá toàn diện. Một số trường hợp cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp” - TS Anh Tuấn chia sẻ.

2. 3 cách bảo vệ trẻ khỏi viêm họng cấp

Viêm họng cấp tính do virus thường gặp ở đại đa số các trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 10 - 14 ngày khi được chăm sóc tốt. Phần lớn các trường hợp này chỉ điều trị triệu chứng là chủ yếu. Chẳng hạn, dùng thuốc có thành phần paracetamol khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, vừa có tác dụng hạ sốt vừa giúp giảm đau họng. Nếu trẻ ho tốt nhất là dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn và phù hợp với mỗi lứa tuổi.

Trẻ đau họng sẽ kéo theo một số hệ lụy, đáng lưu ý nhất là lười ăn, biếng ăn. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này mẹ nên chế biến món ăn mềm, loãng hơn bình thường để con dễ nuốt, chia thành nhiều bữa nhỏ. Đặc biệt, đừng để trẻ mất nước, hãy cho uống nước ngay cả khi không khát, đây là “vũ khí” quan trọng giảm ho, đau họng cho con yêu.

Nhưng các bậc phụ huynh cần lưu ý, nếu triệu chứng của trẻ không thuyên giảm sau 7 ngày hoặc sốt cao từ 39 độ trở lên và liên tục 2-3 ngày cần đưa trẻ đi khám bệnh. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang diễn tiến nặng hơn mắc một căn bệnh khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết cũng có triệu chứng tương tự, nếu không cảnh giác chúng ta có thể “mắc lừa”. Mặt khác, nếu có dấu hiệu nặng hơn như đau họng đến mức khó không ăn uống, ngủ li bì không lay dậy được, sốt co giật… hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các bậc phụ huynh cần linh hoạt dựa trên điều kiện thời tiết mà chọn trang phục giữ ấm phù hợp cho con.

(Ảnh minh họa)

Thời điểm giao mùa, trẻ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, trong đó có viêm họng, TS Anh Tuấn đưa ra 2 giải pháp chính, đó là trước mắt và căn cơ lâu dài.

Trước mắt, mẹ cần bảo vệ con khỏi sự tác động xấu về phương tiện thời tiết, linh hoạt theo nhiệt độ môi trường để giữ ấm cho phù hợp. Khi ra đường, nếu trời se lạnh chỉ cần mặc thêm áo khoác mỏng, ngược lại khi trời rét buốt cần trang bị thêm nhiều lớp áo ấm, choàng khăn, đeo khăn tay, mang tất. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị cảm ho, nhắc nhở rửa tay thường xuyên.

Về căn cơ lâu dài, các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến chế độ ăn uống của con trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, tránh thừa cân, béo phì nhưng cũng không được suy dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều các loại rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Với trẻ nhỏ nên cho bú mẹ càng lâu càng tốt, ít nhất là 6 tháng đầu sau sinh trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn.

Ngoài ra, trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ. Bên cạnh các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh cần tham khảo để chủng ngừa thêm cúm, phế cầu - đây đều là những tác nhân gây bệnh đường hô hấp quan trọng ở trẻ em.

“Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt cho trẻ sạch sẽ, trong lành, tránh xa khói bụi, thuốc lá. Tuyệt đối không đốt lửa, sưởi ấm cho trẻ bằng than củi, than tổ ong, điều này rất nguy hiểm có thể dẫn đến ngạt khí CO, thậm chí tử vong.

Không chỉ đề phòng viêm họng cấp, hiện nay toàn xã hội còn phải chống chọi với dịch COVID-19. Vì vậy, trong thời điểm này tốt nhất là giữ khoảng cách, tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang. Giải pháp này không chỉ giúp phòng ngừa COVID-19 mà còn có giá trị bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh đường hô hấp khác” - TS Anh Tuấn nói.

Cuối cùng là vấn đề khử khuẩn. Rửa tay là thông điệp được gửi gắm từ nhiều năm qua, trước khi đại dịch “đổ bộ” toàn thế giới. Các bậc phụ huynh hãy giúp con hình thành thói quen này hàng ngày. Kể cả các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, các bề mặt như mặt ghế, nắm cửa, điện thoại… cũng cần được khử khuẩn, vệ sinh đúng cách để tránh vi khuẩn có “cơ hội” bám víu để gây bệnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trẻ nôn ói, cha mẹ cần làm gì?

Theo alobacsi
Bình luận
Tin mới
  • 02/05/2024

    8 lợi ích tuyệt vời của đi bộ thể dục

    Đi bộ không chỉ là hình thức tập thể dục đơn giản mà hầu hết mọi người đều có thể thực hiện mà còn là một hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 10 lý do khiến bạn muốn bắt đầu ngay hay tiếp tục duy trì hoạt động lành mạnh này:

  • 02/05/2024

    Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già nhờ 8 thói quen lành mạnh

    Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer hiện chưa có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ sớm để giảm nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức khi về già.

  • 01/05/2024

    5 sai lầm phổ biến khi tắm gây hại cho làn da

    Tắm là nhu cầu vệ sinh cơ bản và cần thiết của mỗi con người. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi tắm thường mắc phải một số sai lầm dẫn đến tác hại không hề nhỏ đối với sức khỏe làn da.

  • 01/05/2024

    Tiêu chí lựa chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe

    Dầu ăn là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Khi nấu ăn với dầu hàng ngày, bạn nên lựa chọn dầu ăn đáp ứng được các tiêu chí tốt cho sức khỏe.

  • 01/05/2024

    Những nguy hiểm của thừa cân có thể bạn không biết

    Thừa cân là một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do mất cân bằng dinh dưỡng và lối sống ít vận động, thiếu khoa học. Vấn đề này đang làm suy giảm sự tự tin và đẩy con người ta tiến gần hơn đến các nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

  • 01/05/2024

    5 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường bạn nên biết

    Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh có vai trò quan trọng trong việc điều trị.

  • 30/04/2024

    Sử dụng đồ uống có cồn khi mắc tăng huyết áp cần lưu ý gì?

    Sử dụng đồ uống có cồn là việc khó tránh khỏi khi tham gia các bữa tiệc xã giao. Tuy nhiên, với người bệnh tăng huyết áp, cần uống rượu bia thế nào để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch?

  • 30/04/2024

    Làm sao phòng ngừa suy tim khi có nguy cơ cao mắc bệnh?

    Mới đây, các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu một xét nghiệm máu mới có thể giúp xác định những người có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh suy tim. Vậy nếu là người có nguy cơ cao mắc bệnh, bạn có thể làm gì để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này?

Xem thêm